Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045

[Người Nuôi Tôm] Ngày 11/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 339/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ, Tổng cục Thủy sản cần phải xây dựng, tổ chức kế hoạch thực hiện của Bộ. Bên cạnh đó Vụ Kế hoạch Tài chính, trên cơ sở những ý kiến đóng góp cần lên một kế hoạch cụ thể. Sau khi có được kế hoạch của Bộ, Tổng cục Thủy sản sẽ bàn và phân công cụ thể theo các đề cương càng sớm càng tốt. (Ảnh: Phạm Huệ)

Cụ thể, Chiến lược sẽ tập trung xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững. Hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản theo định hướng thị trường, thân thiện với môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội. Phát triển thủy sản gắn với nâng cao đời sống, vật chất tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn mới; kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.

Thu hút các nguồn nhân lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản hiệu quả với lực lương doanh nghiệp là nòng cốt. Tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng đồng bộ; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao va ứng dụng công nghệ, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, đổi mới thể chế và nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tổ chức lại sản xuất.

Mục tiêu đến năm 2030, ngành thủy sản phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản là 3,0 – 4,0%/năm. Tổng sản lượng thủy sản trong nước đạt 9,8 triệu tấn (nuôi trồng 7 triệu tấn, khai thác đạt 2,8 triệu tấn). Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 14-16 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 3,5 triệu lao động.

Tầm nhìn đến năm 2045, hướng thủy sản trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới. (Ảnh:St)

 

Riêng đối với Đề án định hướng phát triển thủy sản với chế biến và thương mại thủy sản, Chiến lược nêu rõ, cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến thủy sản quy mô hàng hóa lớn, đóng vai trò chủ đạo trong việc dẫn dắt, thúc đẩy phát triển chuỗi sản xuất thủy sản theo hướng nâng cao giá trị bền vững, sớm đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản toàn cầu. Hình thành các doanh nghiệp, tập đoàn lớn ngang tầm thế giới. Áp dụng khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng phục vụ các ngành thực phẩm và phi thực phẩm. Chủ động hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư, nguồn lực và mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm chế biến cho thị trường nội địa. Ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu từ khai thác, nuôi trồng thủy sản trong nước. Giữ vững, phát triển thị phần thủy sản Việt Nam tại các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản…. Tổ chức sản xuất thủy sản tuần hoàn theo chuỗi giá trị thực phẩm. Thực hiện việc truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu các sản phẩm thủy sản. Hình thành hệ thống kênh phân phối trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, Chiến lược lần này cần tập trung trí tuệ của tất cả các vùng miền, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội nghề, các nhà khoa học…. Tổng cục Thủy sản cũng cần phối hợp với các bên tư vấn để nhanh chóng khẩn trương triển khai thực hiện các Đề án, trên cơ sở đánh giá thực trạng  cụ thể.

 

Phạm Huệ

11 đề án, chương trình ưu tiên của ngành thủy sản: 

1.Đề án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá

2.Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

3.Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững.

4.Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản

5.Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển

6.Đề án phát triển chế biến và thương mại thủy sản

7.Đề án phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong ngành thủy sản

8.Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thủy sản

9.Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản

10.Đề án phát triển đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

11.Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản.