Nuôi tôm thâm canh, công nghiệp, hiện đại

[Người Nuôi Tôm] – Nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do đã mở ra triển vọng trong xuất khẩu sản phẩm tôm nuôi. Cả nước đang tận dụng lợi thế này để phát triển mạnh nghề nuôi tôm theo hướng thâm canh, công nghiệp, hiện đại.

Nuôi tôm đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.

Đầu tư lớn

Suốt nhiều năm qua, ngành thủy sản nước ta nói chung, nghề tôm nói riêng phát triển theo hướng hàng hóa, tạo công ăn việc làm cho người dân. Thương hiệu của con tôm Việt Nam đã được khẳng định trên thị trường quốc tế. Theo ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhờ gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước mà mặt hàng thủy sản hàng đầu là con tôm đã được xuất khẩu tới hơn 170 nước với doanh thu xấp xỉ 4 tỷ USD mỗi năm. Năm 2019, Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), tiếp tục khẳng định chủ trương hội nhập với thế giới. Thủy sản Việt Nam, với chủ lực là con tôm, càng có thêm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA như Ấn Độ, Thái Lan.

Tham gia các hiệp định thương mại tự do đã giúp Việt Nam tích lũy nguồn lực trong nước và quốc tế, hiện đại hóa rất nhanh ngành nuôi tôm để xuất khẩu. Bộ NN&PTNT kêu gọi quyết tâm của các doanh nghiệp, địa phương, đồng lòng vượt khó, tạo động lực phát triển nông nghiệp trong thời gian đến. Tập đoàn C.P đang đầu tư mạnh vào các vùng nuôi tôm thương phẩm. Tập đoàn đang liên kết với nông hộ cả nước tạo chuỗi cung ứng, cung cấp tôm giống, thức ăn, thuốc, quy trình nuôi tôm… được các chuyên gia hướng dẫn chi tiết theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Nhờ áp dụng đồng thời 3 công đoạn cung ứng tôm bố mẹ, tôm giống, nuôi tôm thương phẩm hiệu quả, doanh thu của tập đoàn luôn đạt khá cao.

Tại Quảng Nam, Công ty CP QNTEK huy động 40 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghệ cao với diện tích ban đầu là 6,5ha tại thôn Phước An, xã Bình Hải (Thăng Bình). Doanh nghiệp đã thả nuôi 20 triệu con giống tôm thẻ chân trắng với mật độ cao là hơn 350 con/m2. Ông Trần Bá Cương – Giám đốc Kỹ thuật Công ty CP QNTEK khẳng định, đây là mô hình nuôi tôm theo quy trình sạch. Công nghệ nuôi tôm tiên tiến nhất hiện nay đang được ứng dụng là công nghệ bọt khí Micro-Nano Oxygen, giữ oxy hòa tan trong nước ≥ 6ppm. Trong quá trình nuôi tôm chỉ sử dụng các men vi sinh có sẵn trong môi trường, không sử dụng men vi sinh bổ sung để phân hủy hữu cơ. Đinh lăng, tỏi, ổi vốn có rất nhiều trên địa bàn tỉnh được doanh nghiệp sử dụng làm các khoáng vi sinh dược liệu cho nuôi tôm. Quá trình nuôi tôm đã xử lý nước thải tuần hoàn bằng công nghệ bọt khí Micro-Nano Ozone, hạn chế tối đa mật độ tảo trong ao nuôi. Tôm nuôi phát triển tốt giúp doanh nghiệp thu được 70 tỷ đồng/vụ.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đi tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Công ty CP QNTEK.

Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao thu được sản lượng, năng suất vượt trội so với nuôi tôm quảng canh truyền thống. Vốn lớn, kỹ thuật sản xuất cao nên những doanh nghiệp lớn đầu tư hiệu quả. “Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phải có vốn lớn, trình độ, năng lực, khả năng quản lý cao hơn thông thường. Hệ quả là đem lại giá trị kinh tế lớn”, ông Ngô Tấn nói.

Tạo cú hích

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, con tôm là thương hiệu của quốc gia nên Quảng Nam nỗ lực phát triển, đóng góp trong xu thế vươn xa cung cấp sản phẩm ra thế giới của cả nước. Toàn tỉnh có đến hơn 2.000ha ao nuôi tôm, tiềm năng này còn bỏ ngỏ nhiều do nông dân với nguồn lực tài chính còn yếu, đầu tư chưa đồng bộ, sản xuất chưa đạt hiệu quả cao. Chủ trương của tỉnh là nỗ lực thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông hộ, tích tụ, tập trung ruộng đất, nuôi tôm quy mô lớn, thu được giá trị kinh tế cao. “Trong bối cảnh nguồn ngân sách đầu tư phát triển ngành nông nghiệp, thủy sản còn khó khăn thì việc kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư sẽ tạo ra cú hích lớn. Qua đó huy động được nhiều nguồn lực, tạo thuận lợi để cơ cấu lại nghề nuôi tôm, thâm canh, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nói.

Nuôi tôm công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, quy trình hiện đại trên phạm vi cả nước đã giúp hoàn thiện hệ thống hạ tầng điện, thủy lợi, kênh cấp, kênh thoát nước, ao lắng xử lý nước đầu vào, ao xử lý nước thải, xóa kiểu đầu tư tự phát, may rủi và thay đổi cách tiếp cận bài bản khoa học của nông hộ đối với nghề nuôi tôm. Ở các tỉnh Bạc Liêu, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế… đã hình thành các vùng nuôi tôm công nghiệp quy mô lớn. Doanh nghiệp liên kết với nông hộ cùng sản xuất, ăn chia thành quả rất rõ ràng nên ngày càng phát triển mạnh.

Ngày 11.3.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg, theo đó giao cho Bộ NN&PTNT từ nay đến năm 2025 phải đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, cần tập trung giải quyết các bất cập của ngành tôm hiện nay về quy mô, sản lượng, giá thành để củng cố, phát triển ngành tôm, tạo đà phát triển, chuẩn bị những bước bứt phá nhanh hơn trong thời gian tới. Theo đó, thống nhất hành động trong 3 trục (Chính phủ, doanh nghiệp, người dân) để quyết tâm xây dựng ngành tôm thành một ngành hàng lợi thế, mang lại giá trị cao nhất và có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Riêng về diện tích nuôi tôm của Việt Nam hiện nay khoảng 740.000 ha, khó tăng diện tích để tăng sản lượng. “Như vậy, muốn tăng năng suất thì cần phải nâng cao chất lượng, hạ giá thành con giống, thức ăn, kiểm soát môi trường nuôi, đảm bảo thú y phòng bệnh, nâng cao chất lượng tôm tại khu vực nuôi. Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm, nhất là nuôi tôm thâm canh, công nghiệp, đầu tư lớn”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Việt Nguyễn

Năm 2021, ngành tôm Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hạn hán, xâm nhập mặn; thời tiết khí hậu bất thường, tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ phát sinh dịch bệnh; diễn biến dịch Covid-19 và cạnh tranh thương mại quốc tế khó lường. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, ngành tôm nước ta đang có cơ hội với nền tảng về tiềm năng, lợi thế tự nhiên, với đội ngũ doanh nghiệp có hơn 20 năm kinh nghiệm từ khâu sản xuất đến chế biến, xuất khẩu. Sự quyết tâm vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị từ Chính phủ, Bộ, ngành, chính quyền địa phương đến doanh nghiệp, người dân sẽ tiếp tục tạo đà cho sản xuất phát triển. Đặc biệt, các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam ký kết sẽ mở rộng cơ hội về thị trường cho sản phẩm tôm.