Nuôi cá bớp trên biển (Mũi Né): Thay vì “di dời”, hãy biến lồng bè thành sản phẩm du lịch
Nuôi cá bớp trên biển (Mũi Né): Thay vì “di dời”, hãy biến lồng bè thành sản phẩm du lịch

Lồng bè nuôi cá bớp ở Mũi Né. Ảnh: Ngọc Lân

Thị trường ưa chuộng

Cá bớp ngày càng ít đi trong những mẻ lưới đánh bắt trên biển. Chính vì vậy, nghề nuôi cá bớp bằng lồng bè đã hình thành ở biển Bình Thuận trong khoảng chục năm nay, trở thành nguồn thu đáng kể cho người nuôi. Theo cá chủ bè, nghề nuôi cá bớp vốn khá nặng, khoảng hơn 5 tỷ đồng/bè. Sau 10 tháng nuôi, bán cá, trừ hết các chi phí thu về khoảng 300 – 400 triệu đồng. Bình quân lợi nhuận 1 tháng khoảng 40 triệu đồng với điều kiện là thuận lợi. Phan Thiết, một trong vài nơi nuôi cá bớp, giá cá tại bè dao động từ 190.000 – 195.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Tám cho biết: “Biển Mũi Né có độ mặn lý tưởng, lưu lượng dòng chảy thích hợp đảm bảo lượng oxy, kết hợp bí quyết các chủ bè nuôi không sử dụng thức ăn công nghiệp – hoàn toàn cho ăn cá tạp tươi, nên thịt cá bớp ngọt, dai, không tanh, so với vài nơi nuôi khác.

Buộc di dời

Bà Nguyễn Thị Hồng Mỹ (chủ bè cá) và các hộ nuôi khác cho hay: Năm 2010 – 2011, nghề nuôi bớp tự phát trên vùng biển Mũi Né. Người nuôi đang lo âu về khu vực nuôi bởi sự đầu tư quá lớn, nhưng khu nuôi chưa được ổn định. Phần lớn tài sản đều thế chấp ngân hàng để có vốn nuôi. 2 năm 2017- 2018, UBND phường Mũi Né thông báo chủ trương của UBND thành phố Phan Thiết buộc người dân nuôi cá bè trên vùng biển Mũi Né phải tháo dỡ, di dời lồng bè.

Theo UBND phường Mũi Né, tại Quyết định số 2662 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thủy sản Bình Thuận thời kỳ 2011 – 2020 (ký ngày 12/12/2011), chỉ có Phú Quý và Tuy Phong được quy hoạch nuôi trồng trên biển (nhưng theo chúng tôi tìm hiểu Quyết định số 2662, không cấm việc nuôi thủy sản tại Mũi Né). Sau nhiều lần vận động trong nhiều năm, kể cả các hộ ký cam kết sau thu hoạch không nuôi nữa; đến nay 6 hộ nuôi vẫn chưa di dời đến đúng vùng nuôi đã quy hoạch. Tháng 4/2018, UBND TP. Phan Thiết đã tổ chức cuộc họp bàn xử lý cưỡng chế các hộ nuôi hải sản bằng lồng bè trên vùng biển Mũi Né; chỉ đạo UBND phường Mũi Né phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn chỉnh hồ sơ cưỡng chế để ngành chức năng thẩm định.

… Gắn kết du lịch

Người nuôi mong sự hỗ trợ từ phía chính quyền xem việc nuôi cá bớp là một nghề, quy hoạch khu nuôi tại biển Mũi Né. Bởi lưu lượng dòng chảy ở đây phù hợp với cá bớp, nên cá phát triển rất tốt, tỷ lệ hao hụt khá thấp khoảng 15 – 20%; thuận lợi vận chuyển thức ăn cho cá. Ngoài việc cung cấp thực phẩm sạch, thì nhiều công ty lữ hành du lịch mong muốn cùng chủ bè đưa du khách ra tham quan bè cá. Tuy nhiên, người nuôi không đủ điều kiện để đưa họ xuống bè.

Mặc dù nuôi cá bớp trên vùng biển Mũi Né tự phát đã tồn tại từ nhiều năm và nghề nuôi đã làm thay đổi cuộc sống nhiều gia đình, tạo việc làm nhiều lao động khác cũng như tạo nên thực phẩm cho vùng biển Mũi Né. Thay vì buộc di dời hoặc cưỡng chế các hộ nuôi, sao không xây dựng mô hình muôi cá bớp lồng bè thân thiện môi trường gắn với du lịch? Nếu tạo sự gắn kết ấy, nghề nuôi cá bớp sẽ góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo ra sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn ngay trên vùng biển Mũi Né. Một khi trở thành sản phẩm du lịch, du khách đến tham quan lồng bè sẽ cùng ngư dân chăm cá, thả mồi, câu cá và thưởng thức món ăn từ cá bớp trong không gian thanh bình.

Trang Minh
Nguồn: Báo Bình Thuận