Ngành tôm Sóc Trăng tăng trưởng mạnh trong năm 2020

Trong năm 2020, có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến toàn thế giới. Rất nhiều quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng âm, trong đó có các cường quốc nuôi tôm. Trong khó khăn chung này, kinh tế Việt Nam vẫn có tốc độ phát triển khá tốt, đặc biệt là ngành tôm. Riêng tại Sóc Trăng được xem là điểm sáng về xuất khẩu tôm của cả nước khi có mức tăng trưởng rất ngoạn mục với kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 30% so với cùng kì năm 2019. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh nằm trong tốp đầu doanh thu xuất khẩu thủy sản cả nước.

Cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước; đầu năm 2020, bức tranh ngành tôm Sóc Trăng khá ảm đảm trước đại dịch Covid-19 khi người nuôi hoang mang, e dè trong việc thả nuôi; doanh nghiệp chế biến phải đối mặt với nguy cơ trì trệ trong sản xuất khi dịch bệnh bùng phát mạnh tại các quốc gia có thị trường tiêu thụ lớn như: Mỹ, Nhật và các nước châu Âu. Những “nút thắt” dần hé mở khi “trong nguy có cơ”. Các doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến thủy sản Sóc Trăng năng động hơn trong việc tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp với từng phân khúc khác nhau. Bên cạnh đó, tỉnh đã chủ động được nguồn tôm nguyên liệu khi tại nhiều vùng nuôi trọng điểm, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, nuôi tôm trong bể cao su, ao nuôi lót bạc đáy… Tính đến thời điểm này, Sóc Trăng khá an toàn trong vụ nuôi năm nay khi diện tích thả nuôi đạt gần trên 51.400 ha với sản lượng trên 167.000 tấn. Thành công trong lĩnh vực nuôi tôm sẽ tạo nguồn nguyên liệu phong phú về sản lượng, kích cỡ; đáp ứng tốt hơn cho công nghiệp chế biến xuất khẩu của tỉnh nhà. Ông Tăng Văn Vững – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng phấn khởi cho biết: “Đến thời điểm này chúng tôi thật sự cảm thấy rất vui khi ngành tôm của mình đã giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định. Giữ được sự ổn định trong điều kiện cả thế giới có nhiều biến động, tôi nghĩ nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam chúng ta đã kiểm soát dịch bệnh khá tốt, vấn đề nuôi tôm của bà con hiện nay đã có những sự chuyển biến về chất, nhiều diện tích đã được chuyển sang nuôi theo hình thức công nghệ cao góp phần tăng sản lượng cũng như chất lượng các sản phẩm. Một vấn đề nữa là công nghệ chế biến cũng như tay nghề của công nhân chúng ta đã tăng lên đáng kể trong những năm qua. Từ đó tạo ra được những sản phẩm chế biến có chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên cả các thị trường khó tính”.

Xuất khẩu thủy sản đạt được kết quả đáng mừng đã khẳng định được hiệu quả của quá trình tăng cường liên kết hợp tác giữa các hợp tác xã nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến. Đây là sự liên kết không chỉ làm tăng lợi nhuận cho người nuôi từ 4.000-5.000 đồng/1kg mà còn giúp bà con hoạch toán được lợi nhuận kinh tế ngay từ đầu vụ khi không còn phải lo lắng nhiều về tình trạng tư thương ép giá hay giá thu mua giữa tôm nuôi theo quy trình VietGAP được đánh đồng bằng với giá tôm nuôi theo tập quán cũ. Chữ tín trong sản xuất được nâng cao nên người nuôi có ý thức hơn trong xu hướng nuôi tôm sạch, nuôi tôm an toàn. Khi đó doanh nghiệp sẽ có nguồn nguyên liệu đầu vào đáng tin cậy phục vụ cho nhu cầu chế biến, giữ vững uy tín đối với đối tác lớn cả trong và ngoài nước. Quá trình liên kết chuỗi cũng là một nhu cầu tất yếu để con tôm Sóc Trăng nói riêng và con tôm Việt Nam nói chung đủ sức cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập. Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm SaoTa Sóc Trăng phân tích thêm: “Người nuôi và nhà sản xuất được xem là 2 mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi giá trị con tôm. Nếu 2 mắt xích quan trọng này có sự phối hợp ăn ý với nhau thì sẽ tạo ra một hiệu quả nhất định. Sự liên kết này rất quan trọng trong việc nâng tầm giá trị của con tôm. Ví dụ nếu 2 chuỗi này phối hợp tốt với nhau thì mọi thông tin về nhu cầu của thị trường, về mùa vụ, về kích cỡ và thậm chí là giá cả sẽ được người nuôi nắm đầy đủ, cụ thể. Từ đó họ sẽ tổ chức thả nuôi đáp ứng đúng những yêu cầu chế biến mà doanh nghiệp cần. Khi đó sẽ tạo ra lợi ích cho cả người nuôi và doanh nghiệp”.

Kim ngạch xuất khẩu tôm tại Sóc Trăng tăng hơn 30% so với cùng kì năm 2019

Có thể nói, kết quả nổi bật này là thành quả tất yếu của cả quá trình chuẩn bị của toàn ngành tôm Sóc Trăng từ khâu quản lí đến nuôi trồng, chế biến. Từ chủ trương đến giải pháp đã được ngành chuyên môn đưa vào thực tiễn vùng nuôi, các chính sách hỗ trợ cũng thông thoáng, tạo điều kiện để người nuôi tôm nâng cao quy trình kỹ thuật nuôi an toàn, quy trình nuôi thâm canh ứng dụng kỹ thuật cao để tăng năng suất và chất lượng. Sự vào cuộc một cách đồng bộ để thực hiện mục tiêu phát triển ngành tôm của Chính phủ đã có những tiến bộ rất đáng kể, tạo nền tảng cho sự phát triển lớn mạnh giữa nghề nuôi và chế biến. Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Để đảm bảo nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ cho chế biến xuất khẩu tôm, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện một số giải pháp trọng tâm như tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới hình thức theo chương trình hợp tác công tư, tổ chức nhiều hội thảo khoa học, tọa đàm chuyên đề khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật, nuôi theo công nghệ tiên tiến nhằm giúp người nuôi tôm tăng năng suất sản lượng đồng thời thực hiện nhiều mô hình trình diễn áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ để nhân rộng; tổ chức lại sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ, phát huy vai trò của cơ quan quản lý trong việc gắn kết giữa người sản xuất và các doanh nghiệp, tăng cường củng cố và thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác để tập trung những hộ nuôi nhỏ lẻ với nhau lại trong đó có sự tham gia của các tác nhân (nhà cung ứng vật đầu vào, nhà thu mua và nông dân), đồng thời chú trọng công tác tập huấn nâng cao năng lực cho hợp tác xã, tổ hợp tác; tăng cường công tác thông tin về thị trường và dự báo thị trường để đáp ứng yêu cầu định hướng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó thực hiện giải pháp liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi tôm trong việc cung ứng nguồn tôm phục vụ xuất khẩu”.

Sự tăng trưởng về sản lượng, tăng trưởng về giá trị kim ngạch xuất khẩu đã khẳng định sự lớn mạnh của doanh nghiệp trong tỉnh cũng như chất lượng nguồn tôm nguyên liệu tại Sóc Trăng. Ước tính đến cuối năm 2020, Sóc Trăng sẽ đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 800 triệu USD và mục tiêu đến cuối năm 2021 đạt 1 tỉ USD là không khó. Khi đó, ngành tôm Sóc Trăng sẽ đóng góp trên 10% vào mục tiêu nâng giá trị ngành tôm cả nước đạt 10 tỉ USD vào năm 2025 của Chính phủ. Và Sóc Trăng có quyền tự hào sẽ là một trong những “thủ phủ” tôm của cả nước, đóng góp quan trọng trong lĩnh vực chế biến thủy sản và kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ con tôm.

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Sóc Trăng