Ngành tôm 2022: Cần linh hoạt thích ứng với yêu cầu từ thị trường nhập khẩu

[Người Nuôi Tôm] – Vượt qua khó khăn năm 2021, ngành tôm tiếp tục phải thực hiện hàng loạt giải pháp để thực hiện mục tiêu xuất khẩu đạt giá trị trên 4 tỷ USD cho năm 2022.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí xung quanh những hướng đi của ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu đề ra của ngành thủy sản năm 2022.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Ảnh: Phạm Huệ

 

Phóng viên (PV): Năm 2022, mục tiêu của ngành tôm dự kiến đạt 3,9 – 4,1 tỷ USD. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, vẫn có những rào cản nhất định, ví dụ như những quy định khắt khe từ những thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam. Vậy theo Thứ trưởng, ngành tôm Việt Nam cần phải thay đổi như thế nào để đáp ứng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trong năm 2021, dịch Covid-19 đã gây khó khăn cho toàn ngành kinh tế, không riêng ở nước ta mà trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đã xuất khẩu nông sản sang gần 200 trị trường của các nước và vùng lãnh thổ. Điều này cho thấy rằng, sự lan toả của nông sản Việt Nam nói chung và tôm Việt Nam nói riêng có sức mạnh rất lớn.

Với những khó khăn về Covid-19, rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật thì đây không phải lần đầu Việt Nam đối mặt. Tháng 7, 8 và 9/2021, sản lượng, giá cả và lượng tôm xuất khẩu giảm sâu. Tuy nhiên, đến tháng 10/2021, khi mà dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, cơ hội tăng trưởng cho ngành tôm trong 3 tháng cuối năm là rất cao. Điều đó cho thấy năng lực thích ứng của ngành hàng này là rất lớn.

Sang năm 2022, tình hình Covid-19 dự kiến còn diễn biến phức tạp, mặc dù các nước đã tiêm vaccine mũi thứ 2, 3 với tỷ lệ cao. Tuy nhiên, Việt Nam đã thực hiện 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), tất cả các thị trường đều có tiêu chuẩn, quy chuẩn, do vậy các nhà sản xuất, chế biến trên cơ sở đó cần rút kinh nghiệm, đánh giá cũng như nhận định chuẩn xác yêu cầu thị trường để chúng ta có những giải pháp kỹ thuật, xúc tiến thương mại cũng như tiếp cận thị trường một cách chủ động hơn. Đảm bảo được những điều kiện trên, chắc chăn năm 2022, những khó khăn còn tồn tại sẽ được nông sản Việt Nam nói chung, ngành tôm nói riêng khắc phục và đạt được những sản lượng 980.000 tấn, xuất khẩu 3,9 – 4,1 tỷ USD.

 

PV: Đã có những kiến nghị về một trong những giải pháp cho ngành tôm, đó là tạo những kênh vốn ổn định nhằm hỗ trợ cho bà con nuôi tôm, giúp công tác sản xuất của người nuôi tôm ổn định, từ đó hướng ra thị trường xuất khẩu. Về phía Bộ NN&PTNT sẽ có những hỗ trợ như thế nào để kết nối người nuôi với ngân hàng, thưa ông?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Khó khăn trong Covid-19 không chỉ về tín dụng, ngân hàng mà còn trong các khâu lưu thông, nguồn nhân lực, tổ chức vùng nuôi… Nắm bắt được tình hình này, Bộ NN&PTNT thường xuyên có những báo cáo lên Chính phủ. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 105, giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, Ngành nhằm triển khai những giải pháp kịp thời.

Chính vì thế, việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân sản xuất đều được Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho triển khai với địa phương. Về phía Bộ NN&PTNT, cũng đã có đề xuất với Chính phủ, cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như những đối tượng sản xuất trong Nghị quyết 105. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và có những kết quả khả quan.

Đối với tôm, là một ngành hàng có sản lượng và giá trị xuất khẩu rất lớn, Bộ sẽ sắp xếp những buổi làm việc chuyên đề với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để người nuôi có được nguồn vay đảm bảo, tháo gỡ khó khăn về vốn.

 

PV: Một băn khoăn được nhiều người nuôi tôm đề cập đến đó chính là vấn đề giá vật tư đầu vào đang tăng cao, chiếm đến 65% giá thành sản xuất. Vậy trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ có những giải pháp gì để giúp bà con nuôi tôm bình ổn được giá cả thị trường không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Giá thức ăn chăn nuôi và thủy sản của nước ta đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu đầu vào, giá thành thức ăn chiếm khoảng 65% trong giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, yếu tố vận chuyển, logistic cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề trên toàn thế giới cũng như Việt Nam. Bộ NN&PTNT đã có những đề án để giải quyết vấn đề này.

Sản xuất theo chuỗi khép kín là một trong những hướng giải quyết trọng tâm. Trong đó, con giống, thức ăn, quy trình nuôi, an toàn sinh học, thú y phòng bệnh, sơ chế, chế biến đều phải trở thành một chuỗi khép kín.

Không chỉ với thức ăn thủy sản, chúng ta cần quan tâm đến những yếu tố khác nữa. Đối với vấn đề thức ăn cho tôm, sẽ cần có những giải pháp nguồn nguyên liệu thay thế cho nhập khẩu, đảm bảo được cả lượng, cả chất, giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

 

Ngành tôm nước ta đang có cơ hội với nền tảng về tiềm năng, lợi thế tự nhiên cùng đội ngũ doanh nghiệp có hơn 20 năm kinh nghiệm từ khâu sản xuất đến chế biến, xuất khẩu

 

PV: Hiện nay, thị trường Mỹ đang chiếm khoảng 50% giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam. Trong khi mới đây Ấn Độ đã bị quốc gia này đánh thuế bán phá giá lên 7,15%. Theo Thứ trưởng, đây có phải là cơ hội của ngành Tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ trong năm 2022 không?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Ngành tôm Việt Nam cũng đã bị rà soát, kiểm tra điều trần trong cả quá trình, với một thực tế tôm Việt Nam được làm từ nguyên liệu trong nước và rất minh bạch trong vấn đề nhập khẩu. Tiêu biểu có thể kể đến là Tập đoàn Minh Phú đã thắng kiện, được bỏ áp thuế chống bán phá giá. Chính vì thế, chúng ta hoàn toàn có niềm tin vào cơ hội rộng mở của tôm Việt trên thị trường tiềm năng này.

Đối với Ấn Độ, chúng ta có thể thấy giá tôm Việt Nam trên các thị trường đều cao hơn so với Thái Lan, Ecuador và Ấn Độ. Điều này cho thấy ngành tôm Việt Nam đã làm rất chặt chẽ và nghiêm túc.

Với thị phần trên 50% tại thị trường Mỹ, đây là một cơ hội tiềm năng. Dư địa ngành tôm nước ta còn rất lớn. Diện tích nuôi có thể đạt tới 950.000 ha, sản lượng nuôi có thể đạt trên 980.000 tấn. Như vậy, đây là một cơ hội chúng ta có thể nắm bắt để thúc đẩy sản xuất của năm 2022 và những năm tiếp theo.

 

PV: Hiện, ngành tôm Việt Nam đang được hưởng ưu đãi từ 16 FTA khác nhau, mang về nhiều lợi thế. Trong đó ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng là ngành được hưởng lợi nhiều. Vậy trong năm 2022, làm thế nào để ngành tôm tận dụng tốt hơn những ưu đãi từ những hiệp định này, thưa ông?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Ngoài việc tái cơ cấu trên 3 trục sản phẩm, sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng và sản phẩm OCOP thì chúng ta cần tập trung vào xây dựng hạ tầng cơ sở, tập trung vào khoa học công nghệ; thủy lợi phòng chống thiên tai, chế biến. Tất cả những giải pháp này sẽ giúp cho nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ngành tôm chuyển nhanh từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp.

Đồng thời, nguồn lực rất lớn mà chúng ta đã xác định đó là áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, đây là yếu tố vô cùng quan trọng. Mỗi thị trường nhập khẩu thủy sản của chúng ta đều bắt buộc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh. Ngành tôm Việt Nam cần nhanh chóng thích ứng với những yêu cầu từ các thị trường, đặc biệt là những thị trường lớn như Nhật Bản,Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, để xuất khẩu chính ngạch với giá trị cao, chủ động.

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Huệ (ghi)

 

Tin mới nhất

T6,03/05/2024