Ngành hàng tôm trước thách thức mới

Chuyển động thị trường tôm đầu năm còn chậm, các doanh nghiệp trong ngành hàng tôm Việt Nam khó khăn bủa vây nên rất cần có giải pháp vượt qua thách thức.


Thu hoạch tôm vụ cuối năm 2022 ở Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Sau thành công là nỗi lo

Ở ĐBSCL bước vào tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh tôm nguyên liệu có dấu hiệu giảm 2.000 – 3.000 đ/kg. Tuy nhiên, vào thời điểm này các nhà máy chế biến thủy sản đã giảm bớt nhịp độ sản xuất.

Hơn nữa, vùng nuôi tôm nước lợ các tỉnh ven biển chuẩn bị vào vụ nuôi chính năm mới nên không ảnh hưởng nhiều đến người nuôi tôm. Song, người nuôi tôm lo ngại hướng giảm giá sâu hơn và kéo dài sẽ ảnh hưởng phần nào đến tâm lý chần chừ, không vội vào vụ sớm.

Nhìn lại năm 2022, chuỗi ngành hàng tôm thắng lớn, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,2 tỷ USD, tăng 13% so với 2021, đóng góp vào thành tích ấn tượng chung toàn ngành thủy sản đạt kỷ lục gần 11 tỷ USD và đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới.

Thế nhưng, thẳng thắn nhìn nhận trong nỗ lực tận dụng thời cơ thị trường sau một năm 2021 chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, giới doanh nghiệp trong ngành hàng tôm cho rằng về mặt hiệu quả không cao.

Giám đốc một doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Sóc Trăng phân tích: Mức tăng trưởng xuất khẩu tôm năm 2022 thật ra chỉ bằng năm 2021, vì khoảng hơn 10% tăng ảo do cước phí thị trường, cho nên có thể nói sự tăng trưởng của ngành tôm năm 2023 chỉ là tăng ảo và bản thân doanh nghiệp cũng không hưởng được phần tăng thêm khoảng 10% này.

Về lượng tôm tiêu thụ 2022 có tăng, nhưng chủ yếu do tồn kho từ năm 2021 nên đầu năm các doanh nghiệp tập trung xuất rất nhiều. Đầu năm tăng 20-30%, cuối năm chỉ còn 10%.

Như vậy, mức tăng này do cước tàu tăng 10% và còn lại là do lượng xuất khẩu tăng. Còn giá bán không thể nói tăng hơn năm 2021 được vì sức cung quá lớn và giá xuất khẩu thấy tăng nhưng thật ra đã cộng thêm phần cước vận chuyển tăng thêm.

Về căn bản thành tích của ngành tôm năm nay 2022 đạt được thật sự ấn tượng. Đạt kỳ tích mới sẽ trọn vẹn hơn, nếu đứng về góc nhìn và cảm nhận của doanh nghiệp, bởi đối với doanh nghiệp không phải là tăng trưởng doanh số mà cái chính là lợi nhuận. Vì vậy, phải đợi đến khi các doanh nghiệp có báo cáo tài chính năm mới đánh giá đầy đủ được niềm vui này trọn vẹn.

Ghi nhận ý kiến doanh nhân trong ngành hàng cho hay hiện tại không ít doanh nghiệp đang gặp khó khăn dồn dập. Khó khăn trước hết là đối với một số doanh nghiệp xem thị trường Mỹ là thị trường lớn, hiện gặp sự cạnh tranh từ nguồn tôm của Ecuador đang bán sang.

Tình thế tại thị trường này, nếu doanh nghiệp nào không chuyển thị trường sớm được buộc lòng phải bán rẻ, chấp nhận lỗ vốn và sắp tới nếu không có giải pháp khắc phục thì khó khăn sẽ còn kéo dài.

Trong khi đó bắt vào chuyện mới cung-cầu ngành hàng tôm năm 2023, Ecuador tuyên bố tăng sản lượng tôm lên khoảng 1,5 triệu tấn, tương đương mức tăng 20%.

Trong khi thế giới có 5 triệu tấn, nên với mức tăng trên của riêng Ecuador đã làm sản lượng tôm thế giới tăng thêm khoảng 5%, mà nhu cầu tôm thế giới hàng năm cũng chỉ tăng ở mức 5%. Hay nói cách khác, chỉ riêng Ecuador đủ sức đáp ứng nhu cầu tăng thêm của thị trường tôm thế giới trong năm 2023.

Thế nhưng chợ tôm đâu chỉ có Ecuador, các nước nuôi tôm lớn, như: Ấn Độ, Indonesia,… đều có kế hoạch tăng thêm, thậm chí cả Trung Quốc. Như vậy có thể thấy sức cung sẽ có xu hướng cao hơn sức cầu dẫn đến hệ quả là giá tiêu thụ sẽ giảm. Thứ hai là lạm phát chưa biết thời điểm dừng, khiến sức mua có hạn, để kích cầu thì giá bắt buộc sẽ phải giảm nữa.


Thu hoạch tôm ở trại nuôi tôm Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng). Ảnh: Hữu Đức.

Đối phó thực tại

Trong giữa lúc thị trường tiêu thụ dự báo đương đầu khó khăn, cần nỗ lực đối phó, tìm giải pháp gia tăng sức cạnh tranh thì ngay khâu đầu từ vùng nuôi theo chuỗi ngành hàng tôm lại đối mặt thách thức mới.

Một số trại nuôi tôm quy mô lớn và người nuôi tôm ở ĐBSCL đã lên tiếng. Điểm lo lắng nhất là làm thế nào hạ giá thành nuôi tôm.

Thực tại ngay đầu năm (từ 5/1), các mắt xích trong chuỗi giá trị đều thông báo tăng giá. Con giống, thức ăn đã tăng giá. Ở vùng nuôi tôm hiện còn lo lắng dịch bệnh vi bào tử trùng trên tôm EHP (Enterocytozoon hepatopenaei) và chưa có giải pháp ngăn chặn rõ ràng.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) – Doanh nghiệp hiện có vùng nuôi tôm công nghiệp trên 200ha, nhận xét: Chi phí đầu vào đã tăng lại thêm dịch bệnh làm tỷ lệ nuôi thành công thấp nên giá thành sản xuất tôm sẽ càng cao, sức cạnh tranh sẽ càng thấp xuống.

Người nuôi tôm đang mong các Bộ ngành sớm vào cuộc vấn đề này, vì nếu không người nuôi tôm sẽ rất khó khăn. Nguy cơ đang bủa vây ngành tôm trong giai đoạn này nếu chúng ta không có giải pháp hữu hiệu.

Các doanh nghiệp đầu vào cần có động thái chia sẻ với người nuôi vì thật ra tỷ giá USD/VND gần như không tăng. Mầm bệnh EHP có trong thức ăn rươi (cần kiểm tra mầm bệnh từ nguồn xi phông ao tôm bố mẹ và ao tôm giống).

Theo quy luật, quý I hàng năm các nước Nam bán cầu bắt đầu vào vụ thu hoạch tôm (Indonesia, Ecuador…), trong khi vụ nuôi tôm ở ĐBSCL mới bắt đầu. Mặt khác, theo yêu cầu tất cả lô hàng đều phải có truy xuất nguồn gốc và việc cấp mã số cơ sở nuôi hiện vẫn đạt rất thấp.

Bên cạnh đó, vùng nuôi tôm diện tích rộng lớn nhưng phần nhiều là hộ nuôi tôm nhỏ lẻ. Tiến trình hình thành các HTX nuôi tôm còn chậm. Doanh nghiệp có vùng nuôi tuy có thuận lợi hơn nhưng nếu muốn đầu tư vùng nuôi hiện rất khó do giá đất tăng cao và khó có diện tích đủ lớn như mong muốn.

Những thách thức hiện hữu phía trước của ngành hàng tôm đang cần có giải pháp tháo gỡ.

Hữu Đức

Báo Nông Nghiệp