Một số khuyến cáo trong nuôi tôm

Thời tiết xấu như mưa lớn, giông lốc… làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi, thậm chí có thể chết tôm tại các ao nuôi. Để giảm thiểu rủi ro, gây thiệt hại cho người nuôi cần chú ý…

Trong quá trình nuôi: Đảm bảo mực nước trong ao luôn duy trì từ 1,8-2m; chạy máy sục khí, quạt nước đảm bảo ôxy trong nước đạt trên 4mg/l. Duy trì môi trường nước ao ổn định luôn đảm bảo pH 7,0-8,2; độ kiềm từ 120-180mg/l; độ mặn trong khoảng 15-20‰. Định kỳ 5-7 ngày bổ sung men vi sinh có gốc Bacillus để ổn định môi trường ao nuôi. Thức ăn cho tôm đảm bảo chất lượng và bổ sung thêm các loại men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa, khoáng vi lượng và một số vitamin C, B1 cần thiết để tăng sức đề kháng cho tôm.

Khi gặp thời tiết bất lợi: Như mưa to, giông bão, nhiệt độ giảm thấp… cần tăng thời gian chạy sục khí, quạt nước. Dừng hoặc giảm lượng thức ăn cho tôm ăn so với các bữa ăn trước. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sức khỏe, khả năng bắt mồi của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Bờ ao cao và chắc chắn đảm bảo nước mưa từ trên bờ không chảy xuống ao gây đục và ô nhiễm nước ao. Ngoài ra cần bổ sung thêm khoáng Dolomite và vôi CaO té đều khắp mặt ao để duy trì pH 7,0-8,2; độ kiềm từ 120-180mg/l; độ mặn trong khoảng 15-20‰. Khi thời tiết, môi trường nước ao nuôi ổn định tiến hành cho tôm ăn lại bình thường theo nhu cầu của tôm.

NGỌC NHƯ (tổng hợp) – Báo Phú Yên,