Dinh dưỡng tốt, phòng bệnh hiệu quả, thành công sẽ cao

Với 2 nội dung chính là: “Giải pháp tổng hợp kiểm soát dịch bệnh” và “Dinh dưỡng tăng cường sức khỏe tôm nuôi” do TS. Trần Hữu Lộc – Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh và TS. Nguyễn Duy Hòa – Giám đốc kỹ thuật Motiv, Tập đoàn Cargill trình bày, Hội nghị chuyên đề: Dinh dưỡng và Phòng bệnh ở tôm năm 2020 do Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng phối hợp cùng UBND TX. Vĩnh Châu tổ chức vào ngày 3-10 đã cung cấp một lượng lớn thông tin hữu ích cho người nuôi tôm trong tỉnh.

TS Nguyễn Duy Hòa trả lời các câu hỏi của người nuôi tôm về dinh dưỡng và sức khỏe tôm nuôi. Ảnh: TÍCH CHU

Theo TS Lộc, đầu năm nay, bệnh đốm trắng xuất hiện khá nhiều nhưng những tháng gần đây chủ yếu là bệnh do vi bào tử trùng (EHP) và các bệnh liên quan đến đường ruột tôm nuôi, mà phổ biến là bệnh phân trắng, trong đó, bệnh phân trắng là vấn đề hiện làm đau đầu các nhà nghiên cứu, bởi cho đến nay gần như chưa có một cơ sở khoa học nào về nguyên nhân cũng như bản chất của bệnh này. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình bệnh phân trắng trong những năm gần đây, nhất là những tháng đầu năm 2020 này thì phần lớn diện tích tôm nuôi bị bệnh phân trắng thường ở giai đoạn từ 30 – 40 ngày tuổi trở lên. Vì vậy, giả thuyết về nguyên nhân bệnh phân trắng thường nghiêng về hướng có liên quan đến ao nuôi phú dưỡng (dơ), nhiều tảo, thức ăn dư thừa và một phần có liên quan đến EHP. Nhấn mạnh mối nguy hại do bệnh phân trắng, TS Lộc cho rằng “đừng nên để quá trễ”. TS Lộc phân tích thêm: “Một khi chúng ta phát hiện tôm đã bị bệnh phân trắng thì cơ hội điều trị thành công chỉ còn khoảng 30%. Vì vậy, người nuôi cần thường xuyên theo dõi để phát hiện sớm các biểu hiện bất thường của tôm có thể dẫn đến bệnh phân trắng và tiến hành xử lý ngay bằng các biện pháp, như: cắt tảo, thay nước, giảm lượng thức ăn, bổ sung men tiêu hóa…”.

Cũng theo TS Lộc, khi tôm nuôi bị nhiễm vi bào tử trùng kết hợp với vi khuẩn thì các biểu hiện bệnh phân trắng là rất rõ rệt. TS Lộc giải thích: “Khi ao nuôi nhiễm vi bào tử trùng nặng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công phá hủy tế bào gan của tôm một cách mạnh mẽ làm cho bệnh phân trắng càng trở nên trầm trọng hơn”. Để phòng ngừa bệnh phân trắng, có rất nhiều việc phải làm đối với người nuôi tôm, từ việc phải chọn con giống sạch bệnh cho đến các giải pháp ngăn chặn bệnh đường ruột tôm nuôi cho thật tốt.

Còn theo TS Hòa, việc thiết kế ao nuôi tốt, đúng quy trình kỹ thuật, phù hợp với mô hình nuôi cũng là một giải pháp tốt giúp giảm rủi ro dịch bệnh, tăng tỷ lệ thành công, kể cả đối với nuôi ao bạt lẫn ao đất. Liên quan đến vấn đề tiết kiệm chi phí nuôi tôm thông qua con đường thức ăn, TS Hòa cho rằng, tiết kiệm ở đây không có nghĩa là giảm lượng thức ăn hay chọn mua thức ăn giá rẻ một cách tùy tiện vì nếu làm như thế chẳng những không tiết kiệm được chi phí mà còn phản tác dụng do tôm nuôi chậm lớn (thức ăn kém chất lượng), môi trường dễ ô nhiễm (tôm hấp thu ít, thải nhiều)… từ đó làm tăng FCR và nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Trả lời câu hỏi về giải pháp phòng trị bệnh để nuôi tôm hiệu quả, theo TS Lộc, đối với dịch bệnh trên tôm, giải pháp tốt nhất là ngừa bệnh. Giải thích thêm về giải pháp này, TS Lộc cho biết: “Để ngừa bệnh trên tôm hiệu quả phải bắt đầu từ con giống cho đến ao nuôi và nguồn nước. Vì vậy, con giống phải được xét nghiệm, đảm bảo không có mang bất kỳ mầm bệnh nguy hiểm nào thì mới được thả nuôi. Đối với ao nuôi, nhất là ao đất cũng cần lấy mẫu xét nghiệm xem ao có mang mầm bệnh hay không và nguồn nước trước khi đưa vào ao nuôi phải được xử lý theo đúng quy trình”.

Đồng tình với TS Lộc, TS Hòa cho rằng, để có nguồn nước nuôi tôm tốt, cần thiết kế ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng một cách khoa học. TS Hòa chia sẻ: “Đối với ao lắng, tốt nhất là nên thiết kế cao, sâu và dài, kết hợp thả thêm cá chẽm hay cá rô phi. Việc thiết kế ao lắng sâu và dài rất có lợi là lắng tụ được nhiều chất lơ lửng, kể cả các bào tử của vi bào tử trùng gây bệnh xuống đáy ao. Các chất này cùng với ốc đinh sẽ là nguồn thức ăn dồi dào cho cá chẽm. Còn việc ao lắng cao sẽ giúp tiết kiệm tiền điện vì không phải bơm qua ao xử lý”.

Không chỉ quan tâm đến vấn đề dịch bệnh và dinh dưỡng sức khỏe tôm nuôi, người nuôi tôm còn băn khoăn tới vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải nuôi tôm chưa được xử lý. Rất tâm đắc với ý kiến trên, TS Hòa khẳng định: “Với tốc độ phát triển nhanh diện tích tôm thâm canh, siêu thâm canh như hiện nay, nếu chúng ta không có giải pháp xử lý nguồn nước thải một cách triệt để và hiệu quả thì ngay cả mô hình nuôi lót bạt cũng chỉ tồn tại 5 – 10 năm nữa. Hiện tại, có nhiều phương pháp xử lý nước thải nuôi tôm hiệu quả, chi phí thấp rất cần ngành chức năng, địa phương và người nuôi tôm cập nhật và áp dụng để nghề nuôi tôm được phát triển bền vững”.

Theo Ths Quách Thị Thanh Bình – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, tính đến ngày 2-10, toàn tỉnh thả nuôi trên 45.000ha tôm nước lợ, đạt 90% kế hoạch và bằng 83,6% so với cùng kỳ. Đã có hơn 27.000ha tôm được thu hoạch với sản lượng trên 107.000 tấn. Trong số 15.000ha đang còn tôm, phần lớn là tôm giai đoạn 60 – 105 ngày tuổi. Diện tích thiệt hại đến thời điểm trên chỉ mới có 2.954ha, chiếm 6,6% diện tích thả nuôi, nguyên nhân chủ yếu là do biến động môi trường, bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng, bệnh phân trắng bệnh vi bào tử trùng.

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng