Dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp: Các địa phương chủ động ứng phó, không để lây lan

Do thời tiết bất lợi, một số vùng nuôi thủy sản không đảm bảo môi trường nên tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi từ đầu năm đến nay ở Phú Yên diễn biến rất phức tạp, diện tích tôm bị bệnh chiếm khoảng 10% diện tích thả nuôi và tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Người nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (TX Đông Hòa) đang kiểm tra tôm nuôi. Ảnh: ANH NGỌC

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT, các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp khống chế dịch bệnh nhằm tránh lây lan.

Dịch bệnh gia tăng

Theo Sở NN-PTNT, từ đầu năm 2020 đến nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh hơn 900ha, chủ yếu ở TX Đông Hòa, huyện Tuy An và TX Sông Cầu. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài và một số vùng nuôi không đảm bảo môi trường nên tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi có diễn biến rất phức tạp. Ông Nguyễn Văn Bút, người nuôi tôm ở xã Hòa Tâm (TX Đông Hòa), cho biết: Gia đình tôi đã thả nuôi hai vụ tôm với diện tích 1,8ha tại vùng nuôi Phước Giang, xã Hòa Tâm. Vụ thứ nhất, do nắng nóng kéo dài, tôm nuôi không phát triển. Sau hơn 2 tháng nuôi, do tôm không lớn nên gia đình đã xuất bán, số tiền thu lại vừa đủ chi phí, chưa tính công. Sang vụ thứ hai, nắng nóng tiếp tục kéo dài, nhưng đến thời điểm tôm nuôi hơn 2 tháng lại xuất hiện mưa giông làm cho tôm trở bệnh và chết. Mặc dù tôm nuôi vụ này phát triển hơn vụ thứ nhất, nhưng do tôm chết nhiều, lỗ hơn 10 triệu đồng.

Ông Lê Thanh Sang ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa), cho biết: Từ đầu năm đến nay, đa số người nuôi tôm ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch đều không thành công, bởi thời tiết bất lợi, tôm nuôi kém phát triển, một số diện tích tôm nuôi chết do bệnh. Trước khi thả tôm giống, hầu hết người nuôi cải tạo và xử lý hồ nuôi rất kỹ, chọn mua con giống ở cơ sở có uy tín nhưng bệnh trên tôm nuôi vẫn xảy ra. Nguyên nhân có thể là thời điểm thả tôm giống gặp thời tiết bất lợi nên sức đề kháng của tôm bị yếu, do đó tôm nuôi không lớn và phát sinh bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN-PTNT), từ đầu năm đến nay có 88ha tôm nuôi nước lợ bị bệnh, chiếm 10% diện tích thả nuôi và tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2019, trong đó ở TX Đông Hòa 55ha, huyện Tuy An gần 32ha, TX Sông Cầu 1ha. Các loại bệnh xảy ra trên tôm nuôi gồm đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và do môi trường bị ô nhiễm. Phần lớn bệnh xảy ra ở vùng nuôi có diện tích lớn, một số diện tích tôm bị bệnh nhưng người nuôi không báo cáo, tự xử lý, do vậy nguy cơ lây lan bệnh rất cao. Chi cục Chăn nuôi và thú y đã tổ chức kiểm tra tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống tại các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn địa phương và người nuôi thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Chi cục đã phối hợp các địa phương phân bổ 21 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20% do UBND tỉnh cấp để sát trùng phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi.

Khẩn trương khống chế

Hiện nay môi trường nhiều vùng nuôi ở Phú Yên đang bị suy thoái, ô nhiễm bởi hoạt động nuôi, chất thải hữu cơ tích tụ, tồn đọng trong vùng nuôi không được rửa trôi. Ngoài ra, hoạt động của các tổ cộng đồng nuôi tôm còn nhiều hạn chế, ý thức một số hộ nuôi còn kém, chưa có sự đoàn kết trong công tác bảo vệ môi trường, chưa quan tâm đến việc kiểm dịch con giống, chưa chấp hành các khuyến cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành. Nhiều vùng nuôi có hệ thống công trình nuôi không đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, hầu hết không có ao lắng, ao xử lý nước cấp, lấy nước trực tiếp từ ngoài vào ao nuôi, hệ thống cấp thoát nước chưa riêng biệt…

Ông Ngô Xuân Lai, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở NN-PTNT), cho biết: Kết quả quan trắc môi trường nước cấp tại các vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh gần đây nhất cho thấy có một số chỉ tiêu nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép. Cụ thể tại một số vùng nuôi có chỉ tiêu Fe vượt ngưỡng giới hạn cho phép từ 1,3-1,9 lần; NH3 vượt từ 1,5-2,7 lần; NO2 vượt từ 1,5-19 lần; PO4 vượt từ 1,4-4,5 lần; ôxy hòa tan thấp hơn ngưỡng giới hạn cho phép…

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế vừa chỉ đạo Sở NN-PTNT tăng cường tổ chức, giám sát, lấy mẫu quan trắc, cảnh báo môi trường, xét nghiệm mầm bệnh, phát hiện sớm ổ dịch, cảnh báo kịp thời cho người nuôi trồng thủy sản; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho người nuôi tuân thủ thả giống theo lịch thời vụ, chủ động áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, phòng bệnh, khuyến khích xây dựng chuỗi sản xuất, cơ sở, vùng an toàn dịch động vật theo quy định. Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã ven biển phối hợp với các cơ quan chức năng truyền tải thông tin quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh đến người nuôi trồng thủy sản, vận động người nuôi khai báo kịp thời khi phát hiện dịch bệnh xảy ra trên thủy sản nuôi, sử dụng hóa chất xử lý môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm, ngăn ngừa khống chế dịch bệnh không để lây lan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế: Để ngăn chặn dịch bệnh trên tôm nuôi, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với các địa phương ven biển phân bổ số hóa chất Sodium Chloritecho 20% để thực hiện sát trùng vùng nuôi, chủ động ứng phó, khống chế dịch bệnh trên thủy sản nuôi. Các địa phương có nuôi thủy sản cần chủ động rà soát, đề xuất tỉnh hỗ trợ hóa chất sát trùng dự phòng và sử dụng hóa chất được hỗ trợ để xử lý môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm, ngăn ngừa và khống chế dịch bệnh.

Nguồn tin: Báo Phú Yên