Dấu hiệu, cách phòng và điều trị hiệu quả bệnh phân trắng trên tôm

Không có phương pháp chữa bệnh phân trắng thành công nhất, chỉ có cách chữa trị phù hợp nhất.

Nhận diện tôm bệnh…

Khi bị phân trắng, tôm thường nổi lên mặt nước, bơi lờ đờ, dạt gần bờ, kéo đàn bơi lòng vòng dọc bờ, ngang ao, búng nhảy. Quan sát tôm thấy xuất hiện điểm đỏ gốc râu, phần đầu ngực, thân, phần phụ khi nhiễm Vibrio. 

Tôm bệnh thường giảm hoặc bỏ ăn. Ảnh: mongabay

Tôm bị bệnh phân trắng thường giảm hoặc bỏ ăn, thời gian canh vó kéo dài. Cơ thể tôm phát triển không cân đối, mềm vỏ, ốp thân, thịt không đầy vỏ, lột xác dính vỏ, thân nhợt nhạt, vỏ sẩn sùi, thô ráp. Xuất hiện phân trong vó có màu trắng, trắng đục, vàng đục, phân nhão, dễ nát, dễ rã. Cuối góc ao phân trắng nổi trên mặt nước, gom tụ nhiều, sau quạt nước xuất hiện nhiều phân trắng nổi.

Tôm bị nhiễm ký sinh trùng, thường có đường ruột zic zac. Đốt cuối có dấu hiệu sưng to, màu đục hạt gạo. Kết hợp các tác nhân cơ hội cộng gộp, tấn công liên tiếp, dẫn đến ruột tôm hư hại. Tôm tiết dịch tiêu hoá kém, dẫn đến sự lên men thức ăn trong ruột, trong quá trình tiêu hoá, dẫn đến phân trắng, hoại tử gan tuỵ. Kết hợp với điều kiện thuận lợi, vi khuẩn thuộc nhóm Vibrio cơ hội tấn công, làm cho gan tuỵ sưng, giảm khả năng tiết dịch tiêu hoá, gây teo hoặc nhũn gan tuỵ. Khi ruột hư hại, dẫn tới quá trình lên men thối, gan nhạt màu. Gan mất chức năng tiêu hoá, hấp thụ, khả năng dự trữ dinh dưỡng cũng như khả năng miễn dịch giảm. Dịch trong ruột tôm có màu trắng, vàng nâu, dần chuyển sang giai đoạn phân trắng.


Bệnh phân trắng trên tôm thẻ. Ảnh: TSVD

Ruột tôm mờ, ruột không đầy thức ăn, thức ăn trong ruột lẫn dịch lỏng, dịch di chuyển qua lại khi dùng tay bóp nhẹ thân tôm, đôi khi ruột trống, không có thức ăn. Tôm yếu, nhấc vó khỏi mặt nước ít búng nhảy, tôm phân đàn, rớt đáy số lượng tăng dần khi tỷ lệ tôm bị phân trắng tăng cao.

để có cách phòng …

Để phòng bệnh phân trắng hiệu quả cần kết hợp nhiều yếu tố, nhất là môi trường, nên dùng chế phẩm sinh học xử lý nền đáy, nước nuôi, bổ sung chế phẩm thường xuyên. Bà con chọn chế phẩm sinh học có thành phần vi sinh phân huỷ hữu cơ như Bacillus, Thiobacillus, Clostridium, Lactobacillus, Nitrosomonas, Nitrobacteria, kết hợp các enzyme hữu cơ, xúc tác cho quá trình phân hủy của các vi sinh vật như: Protease, Phytase, Lypase, Amyllase, Cellulace, Chitinnase…hỗ trợ oxy, để vi khuẩn có lợi tồn tại, nhân sinh khối, tham gia phân huỷ chất hữu cơ, khí độc.

Bổ sung chất hỗ trợ gan, trộn vào thức ăn hàng ngày, tăng sức đề kháng. Trộn thêm enzyme, vi sinh đường ruột, acid hữu cơ, hỗ trợ tiêu hoá. Sổ ký sinh trùng thường xuyên, phòng ký sinh trùng cho tôm, giúp tôm bắt mồi, tiêu hóa tốt, sinh trưởng nhanh. Các thuốc sổ ký sinh như Praziquantel, Menbendazole, Fenbendazole, Albendazole … xổ cho KST ra ngoài.

Nên xổ ký sinh trùng khi tôm khoẻ, dùng hoá chất diệt KST khi xổ ra ngoài môi trường. Dùng hỗ trợ gan, hỗ trợ đề kháng, lợi khuẩn đường ruột cho tôm,.. sau khi xổ ký sinh trùng.

Kiểm soát tảo độc, không cho tảo phát triển mất kiểm soát, thông qua quản lý nguồn dinh dưỡng nuôi tảo. Đồng thời, nên bổ sung khoáng hữu cơ, Vitamin C, Beta glucan, Premix… cho tôm giống.


Phòng bệnh chủ động ngay từ giai đoạn con giống giúp hạn chế tối đa dịch bệnh trên tôm. Ảnh: redbarn

và điều trị hiệu quả

Khi điều trị phân trắng, bà con ngưng không cho cho tôm ăn 1-2 ngày. Thay 30 – 50% nước (nếu tôm còn khoẻ), tiến hành diệt khuẩn, diệt tảo độc trong ao nuôi bằng BKC, Iodine, H2O2, KMnO4. Chọn loại hoá chất phù hợp tình trạng ao nuôi, liều dùng tuỳ thuộc sức khoẻ tôm.

Hỗ trợ thêm bón vôi cải thiện môi trường, bón Yucca kết hợp Zeolite và oxy hạt, hạn chế khí độc, bón chế phẩm sinh học gây lại hệ vi sinh có lợi trong ao. Dùng CaCO3, CaMg(CO3)2, NaHCO3 tăng kềm. Giữ ổn định pH bằng phèn nhôm Al2(SO4)3.14H2O, liều 5 kg phèn nhôm/1.000m3 nước.

Điều trị phân trắng bằng thảo dược, bà con dùng lá trầu không, hạt cau, trâm bầu, trà xanh, đọt ổi, vỏ măng cụt, tinh tỏi… Xay nhuyễn các loại thảo dược, nấu thành nước hoặc gel…kết hợp Berberine, Carbomango, trộn vào thức ăn, liều lượng 10 – 20 ml/kg thức ăn (dạng nước), hoặc 5 – 10 g/kg thức ăn (dạng gel). Cho tôm ăn 5 ngày liên tục, mỗi ngày 3 – 4 lần ăn.

Kháng sinh cũng là một biện pháp trị bệnh phân trắng trên tôm, tuy nhiên lạm dụng kháng sinh, làm tôm chậm lớn, chai còi, khiến cho vi khuẩn dễ lờn thuốc, giảm tác dụng khi điều trị, bà con nên hạn chế sử dụng.

Phòng bệnh chủ động, tăng cường sức khoẻ tôm góp phần hạn chế tối đa bệnh phân trắng xảy ra trong quá trình nuôi. Để điều trị phân trắng cho kết quả cao, bà con cần kết hợp xử lý vi khuẩn, ký sinh trùng, tảo độc, ổn định các thông số môi trường. Bệnh phân trắng điều trị cho kết quả cao khi ngưng không cho tôm ăn 1 – 2 ngày, điều trị khi bệnh mới bắt đầu.

Lý Vĩnh Phước @ly-vinh-phuoc

Tepbac.com