Đậu hà lan vàng (Pisum sativum): Thay thế bột đậu nành trong thức ăn tôm thẻ chân trắng

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Bổ sung đậu Hà Lan vàng với tỷ lệ 5-15% có thể thay thế bột đậu nành trong khẩu phần ăn của tôm thẻ chân trắng mà không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống, thành phần cơ thể và hiệu quả sử dụng thức ăn.

Đậu Hà Lan vàng (Pisum sativum)

Phương pháp nghiên cứu

Bốn chế độ ăn iso-nitrogenous (CP-36%) và iso-caloric (DE=14,21MJ/kg), đáp ứng tất cả các nhu cầu dinh dưỡng khác của tôm chân trắng đã được sử dụng ở nghiên cứu này.

+ Đối chứng: Không bổ sung đậu Hà Lan vàng trong thức ăn.

+ Nghiệm thức 1: Bổ sung 5% đậu Hà Lan vàng trong thức ăn.

+ Nghiệm thức 2: Bổ sung 10% đậu Hà Lan vàng trong thức ăn.

+ Nghiệm thức 3: Bổ sung 15% đậu Hà Lan vàng trong thức ăn.

3.000 con tôm thẻ chân trắng giống (khối lượng ban đầu từ 1,0-2,0g) được lấy từ một trại giống thương mại ở miền Nam Việt Nam, nuôi trong một trạm thí nghiệm ở TP.HCM và được thuần hóa trong ba bể thủy tinh 1.000L (độ mặn 15ppt) trước khi bước vào thử nghiệm cho ăn (bể 120L, cho ăn 4 lần mỗi ngày). Các thông số năng suất được đánh giá trong thử nghiệm kéo dài 8 tuần bao gồm tốc độ tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn, đặc điểm cảm quan, hình thái mô học và thành phần cơ thể.

Kết quả nghiên cứu

Kết thúc thử nghiệm, nghiệm thức 1 bổ sung 5% đậu Hà Lan vàng không cho thấy bất kỳ tác động bất lợi nào đối với sự tăng trưởng và chuyển hóa thức ăn, nhưng trong nghiệm thức 3 (15% đậu vàng) đã làm ảnh hưởng đến các thông số này. Nghiệm thức 2 bổ sung 10% đậu vàng không làm giảm đáng kể đến tăng trưởng và chuyển đổi thức ăn, nhưng giá trị số lượng thực tế thấp hơn một chút so với đối chứng và nghiệm thức 5% đậu Hà Lan vàng, điều này cho thấy rằng vào cuối 8 tuần thử nghiệm, các thông số này có thể đã bị ảnh hưởng bất lợi. Đáng chú ý, lượng thức ăn ăn vào và khả năng sống sót của tôm ở cả 4 nhóm đều giống nhau.

Việc bổ sung đậu Hà Lan vàng trong khẩu phần ăn không ảnh hưởng đến thành phần cơ thể (độ ẩm, protein, axit amin, lipid, tro, canxi, phospho) của tôm và chỉ có hiệu quả giữ nitơ giảm nhẹ ở mức 15% so với khẩu phần đối chứng. Chế độ bổ sung không có tác dụng lên các thông số cảm quan về màu sắc, mùi, vị hoặc kết cấu. Những kết quả này chỉ ra rằng đậu Hà Lan vàng có thể thay thế bột đậu nành trong khẩu phần ăn của tôm thẻ chân trắng với tỷ lệ lên tới 10% mà không ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng, tỷ lệ sống hoặc việc sử dụng thức ăn. Cho ăn đậu Hà Lan vàng với tỷ lệ lên tới 15% không ảnh hưởng xấu đến thành phần cơ thể của tôm và không có phản ứng bất lợi nào về cảm quan của sản phẩm đã nấu chín.

Đánh giá hình thái mô học cho thấy tôm được cho ăn tới 10% đậu Hà Lan vàng không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về hình thái đường ruột hoặc gan tụy, và việc bổ sung 15% chỉ có ảnh hưởng nhẹ đến chiều cao lông nhung nhưng không có tác dụng phụ nào khác trên niêm mạc ruột hoặc gan tụy.

Mức độ an toàn thực tế về mặt thương mại của đậu Hà Lan vàng có thể được đưa vào công thức thức ăn thủy sản giống như những công thức được sử dụng trong thử nghiệm nghiên cứu này là khoảng 5-15%. Tất nhiên, giả định rằng giá thị trường của đậu Hà Lan vàng làm thức ăn thủy sản sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho công ty thức ăn thủy sản và nhà sản xuất.

Hà Anh (Theo Aquafeed)