Đảm bảo môi trường trong phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng không ngừng có những cải tiến trong việc áp dụng các hình thức nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh… Nhờ mạnh dạn đầu tư các mô hình nuôi mới mà nhiều năm liền, ngành tôm Sóc Trăng có sự gia tăng về sản lượng và chất lượng. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh các mô hình trên có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường và phát tán mầm bệnh nếu không có giải pháp xử lí chất thải triệt để. Để giải quyết tốt tình trạng này, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm quản lí tốt yếu tố môi trường trong quá trình phát triển nghề nuôi.

Hiện toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 687 ha nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ sinh học, nuôi tôm 02 giai đoạn, kĩ thuật lọc tuần hoàn, tuần hoàn khép kín. Việc ứng dụng tốt các mô hình trên giúp hạn chế tối đa tỉ lệ tôm nuôi bị nhiễm bệnh, năng suất bình quân đạt từ 20 – 30 tấn/1 ha. Theo các chuyên gia, các mô hình nuôi này có mật độ và năng suất rất cao, nhưng lượng chất thải xả ra môi trường là rất lớn; nếu không được đầu tư xử lí đúng quy trình sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng cho vùng nuôi. Từ thực tế này, không chỉ hướng đến mục tiêu nâng tầm giá trị con tôm Sóc Trăng theo hướng sạch, an toàn; ngành Thủy sản của tỉnh còn tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, khảo sát; khuyến khích hộ nuôi tuân thủ tốt các quy định về địa điểm ao nuôi, cơ sở hạ tầng và quy trình xử lí chất thải theo Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cơ sở nuôi tôm nước lợ – điều kiện đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Bà Quách Kim Hòa – Phó trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Cụ thể quy chuẩn này quy định rõ địa điểm nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng của địa phương hoặc có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền; ao lắng có diện tích tối thiểu 15% tổng diện tích ao nuôi; ao xử lí nước thải đặt cách ao nuôi và ao lắng của hộ liền kề ít nhất là 10 mét”.

Mỹ Xuyên là 01 trong những địa phương thành công với mô hình luân canh tôm – lúa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều hộ có điều kiện cũng như thuận lợi về nguồn nước đã bắt đầu chuyển sang hình thức nuôi tôm siêu thâm canh. Hiện toàn huyện đã có 150 hộ thực hiện mô hình với tổng diện tích đã ghi nhận được là 280 ha. Bên cạnh ý thức tốt của một số hộ trong việc việc xử lí chất thải trong quá trình nuôi, nhiều hộ khác vẫn còn chưa xây dựng được quy trình xử lí do những hạn chế về diện tích mặt bằng cũng như chi phí đầu tư. Nguy cơ xảy ra tình trạng xả thải trực tiếp vào ao mương, kênh rạch gần khu vực dẫn đến ô nhiễm môi trường ao nuôi… đang là những áp lực lớn được đặt ra đối với quá trình phát triển nghề nuôi của huyện. Ông Tăng Thanh Chí – Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Không thể phủ nhận việc phát triển các mô hình nuôi này đã mang đến cho hộ nuôi năng suất và lợi nhuận cao hơn, nhưng lượng chất thải xả ra cũng rất khó kiểm soát. Chúng tôi cùng các đơn vị cấp xã thường xuyên tổ chức kiểm tra, khuyến cáo bà con nhất định phải có các quy trình xử lí chất thải đạt quy chuẩn, đặc biệt là hộ nuôi phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường”.

Chi cục Thủy sản kiểm tra quy trình xử lí chất thải tại mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Mỹ Xuyên

Hộ anh Nguyễn Văn Tèo ở ấp Cổ Cò, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên đã có gần 10 năm gắn bó với nghề nuôi tôm và năm nay là năm thứ tư anh áp dụng quy trình nuôi tôm trong ao nổi. Anh Tèo cho biết, quy trình kỹ thuật nuôi tôm trong ao nổi mang đến nhiều lợi ích, nhất là vấn đề xử lý nguồn nước hiệu quả qua hệ thống xi phông. Xác định việc quản lý môi trường tránh tác động đến nguồn nước nuôi tôm, anh đã áp dụng quy trình xử lý nước thải, chất thải trong ao nuôi bằng hệ thống Biogas để tận dụng khí sinh học làm chất đốt. Theo đó, các chất rắn khi lắng xuống hố biogas được xử lí bằng Chlorine mới đưa ra ao lắng, lúc này nước trong ao lắng tiếp tục được xử lí bằng Chlorine trước khi thải ra ao trữ nước để phục vụ cho những đợt nuôi tiếp theo, tạo thành quy trình khép kín. Giải pháp này giúp anh thực hiện thành công phương châm chính của nghề nuôi là “nuôi nước trước khi nuôi tôm”, đồng thời đảm bảo môi trường sạch, không gây phát sinh mầm bệnh.

Để thực hiện tốt việc kiểm soát yếu tố môi trường trong quá trình phát triển các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã ban hành Quyết định số 24/QĐ–UBND ngày 16/10/2018 Quy định về bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó có quy định cụ thể về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản thâm canh và bán thâm canh. Quyết định này cũng nêu rõ, đối với các cơ sở nuôi vi phạm sẽ bị xử lí theo Nghị định 155 của Chính phủ. Bà Quách Kim Hòa – Phó trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm: “Cụ thể là mức phạt từ 3 đến 5 triệu đồng nếu cơ sở không thu gom, xử lí rác hoặc các chất bùn hay thức ăn tồn đọng trong quá trình vệ sinh ao hoặc thải nước thải ra môi trường vượt thông số so với quy chuẩn quy định. Mức phạt thứ 2 là từ 5 đến 10 triệu đồng đối với cơ sở không phục hồi lại môi trường nước sau khi nuôi trồng thủy sản”.

Ứng dụng tốt các phương pháp kĩ thuật tiên tiến, quy trình nuôi ứng dụng công nghệ cao là xu thế phát triển tất yếu của nghề nuôi tôm nước lợ trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, để nghề nuôi có sự phát triển bền vững và khẳng định tốt vai trò là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh thì đòi hỏi người nuôi phải từng bước sản xuất theo hướng có trách nhiệm với cộng đồng, trước mắt là thực hiện cam kết bảo vệ tốt môi trường ao nuôi, vùng nuôi.

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Sóc Trăng