Công nghệ mới nâng tầm nuôi tôm

Nuôi tôm siêu thâm canh có ứng dụng công nghệ cao giúp kiểm soát dịch bệnh, tránh ô nhiễm môi trường, luôn cho năng suất ổn định và chất lượng tôm nuôi đạt yêu cầu.


Bạc Liêu đang phát triển các mô hình nuôi tôm công nghệ cao chia làm 2 – 3 giai đoạn và thích nghi với biến đổi khí hậu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nuôi tôm siêu thâm canh

Lâu nay ai cũng biết Bạc Liêu là “thủ phủ” nuôi tôm trọng điểm của cả nước. Những năm gần đây, Bạc Liêu luôn chọn con tôm là đối tượng chủ lực để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Khi Bạc Liêu được xác định trở thành trung tâm công nghiệp ngành tôm cả nước, nghề nuôi tôm tại Bạc Liêu đã có bước phát triển đáng kể, các kỹ thuật tiên tiến đã được người nuôi mạnh dạn áp dụng nhằm ứng phó với thời tiết cực đoan, hạn chế rủi ro do bệnh dịch và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này dần lan tỏa và được tỉnh khuyến khích người dân ứng dụng để thúc đẩy phát triển ngành tôm ở địa phương, xứng đáng là “thủ phủ” tôm của cả nước.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Bạc Liêu, tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh khoảng 145.000ha, trong đó nuôi tôm siêu thâm canh trên 1.800ha, diện tích mặt nước nuôi 185,22ha, với 1.600 ao/hồ nuôi. Ưu điểm của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hồ nổi tròn đạt tỷ lệ sống từ 70 – 90%. Hạn chế được dịch bệnh xâm nhập vào khu nuôi do hạn chế bơm nước mới trực tiếp từ sông, rạch vào cũng như bơm xả ra môi trường bên ngoài góp phần bảo vệ môi trường.


Nuôi tôm công nghệ cao cho lợi nhuận gấp 3 lần so với nuôi tôm truyền thống ngoài ao đất.

Với cách nuôi này, tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh cho sản lượng từ 50 – 55 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng/ha, cao gấp 3 lần so với nuôi tôm truyền thống ngoài ao đất.

Anh Hoàng Văn Hải, ở ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu (Bạc Liêu) từng có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nuôi tôm theo cách truyền thống đã đầu tư chuyển sang nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao được 2 năm nay. Anh Hải cho biết, gia đình có 3ha đất phục vụ nuôi tôm, trong đó anh đầu tư thiết kế 2 ao nuôi công nghệ cao và 1 ao xử lý nước thải. Bình quân mỗi ao nuôi rộng 1.400m2 và áp dụng kỹ thuật mới nuôi 2 – 3 giai đoạn tùy theo mùa vụ để giúp tôm nhanh lớn, giảm dịch bệnh. Chính vì vậy, nhiều vụ tôm qua gia đình anh luôn thắng lợi và có lãi cao hơn rất nhiều so với cách nuôi truyền thống trước đây từ 30 – 40%.

Theo anh Hải, nuôi tôm công nghệ cao tuy đầu tư ban đầu nặng vốn nhưng có rất nhiều cái hay về sau như chống ô nhiễm nguồn nước nuôi trong hồ, nhân viên chăm sóc tôm không đi trên bờ nên không lây nhiễm bệnh giống như mô hình nuôi trong ao đất. Đồng thời, ít lội dưới ao nên đáy ao rất tốt. Không những thế còn tiết kiệm điện, nước và quản lý các khâu kỹ thuật nuôi khác cũng dễ.


Ưu điểm của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hồ nổi tròn đạt tỷ lệ sống từ 70 – 90%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đặc biệt nuôi tôm siêu thâm canh giảm thiểu hiện tượng tôm chết sớm trong giai đoạn 25 – 30 ngày sau khi thả giống (bệnh hoại tử gan tụy cấp AHDNP), bình quân có thể thả nuôi 3 – 4 vụ tôm/năm. Mô hình này không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi, ít tác động xấu đến môi trường, tạo môi trường ao nuôi an toàn cho tôm phát triển, hạn chế bệnh dịch. Mật độ thả nuôi cao từ 150 – 300 con/m2, thời gian nuôi ngắn 2,5 – 3,5 tháng có thể thu hoạch bán.

Anh Hải chia sẻ thêm, vụ tôm vừa rồi anh nuôi 2 ao, từ đầu vụ đến cuối vụ sử dụng toàn bộ sản phẩm thức ăn của Công ty GrowMax giúp đàn tôm mau lớn, ít bệnh nên tỷ lệ hao hụt trên đầu con giảm khá lớn. Chính vì vậy 2 ao tôm của anh thu hoạch trên 15 tấn, sau khi trừ hết chi phí anh lãi trên 1 tỷ đồng.

Thích nghi với biến đổi khí hậu

Còn anh Trần Tuấn Em có 8 hồ nổi nuôi tôm công nghệ cao (cách điểm nuôi tôm của anh Hoàng Văn Hải chưa đầy 2km) và ứng dụng hệ thống tuần hoàn lọc nước của Công ty GrowMax hỗ trợ triển khai. Bình quân mỗi hồ rộng 500m2 vừa thu hoạch xong vụ tôm thứ 2, đang thả lứa thứ 3. Vụ nuôi này anh chọn thức ăn của Công ty GrowMax từ đầu đến cuối vụ, nhận thấy tôm lớn khỏe, ăn mạnh, màu nước trong xanh ổn định, không cợn… nhờ hệ thống tuần hoàn lọc nước có thể tái sử dụng, chính vì vậy các hồ nuôi tôm của gia đình anh không cần thay nước mới, giúp tiết giảm được chi phí khá lớn về mặt nhân công, điện, quản lý tốt được nguồn nước nuôi tôm, thuận lợi chăm sóc. Anh Tuấn Em khẳng định năng suất cao hơn từ 30 – 40% so với nuôi truyền thống trong ao đất.


Nuôi tôm theo công nghệ cao, cho tôm ăn bằng thức ăn công nghiệp của Công ty GrowMax giúp môi trường nước ổn định, ít cợn, tôm nhanh lớn, tỷ lệ hao hụt đầu con giảm nhiều so với cách nuôi thông thường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhờ nuôi tôm đổi mới công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu nên người nuôi yên tâm hơn, tôm ít dịch bệnh, hiệu quả lại cao. Mô hình nuôi mới của anh Trần Tuấn Em bình quân mỗi năm có thể nuôi chia nhiều giai đoạn có thể thu hoạch từ 8 – 9 lứa tôm/năm, đạt năng suất bình quân từ 60 – 70 tấn, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng. Riêng vụ tôm đang thả nuôi, anh cho tôm ăn bằng thức ăn công nghiệp của Công ty GrowMax, theo hệ số thức ăn 1.3 (bình quân 1,3kg thức ăn cho ra 1kg tôm thương phẩm), hiện giá tôm đang ở mức khá tốt. Anh Trần Tuấn Em nuôi tôm đạt trọng lượng từ 25 – 26 con/kg mới cho thu hoạch, ước sản lượng trên 2,6 tấn tôm/hồ 500m2, bán giá 200 ngàn đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí có thể lời trên 40%.

Ông Cao Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Artemia Vĩnh Châu – Bạc Liêu ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu (Bạc Liêu) cho biết: HTX được thành lập từ năm 2003, được nhà nước cấp 11ha đất với 18 thành viên để đầu tư phát triển Artemia và nuôi tôm. Gần 3 năm nay HTX đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 5.000m2 gắn với thích ứng biến đổi khí hậu.


Nuôi tôm công nghệ cao tuy đầu tư ban đầu nặng vốn nhưng có rất nhiều cái hay về sau như chống ô nhiễm nguồn nước nuôi trong hồ, tôm lớn nhanh, ít dịch bệnh… Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bình quân, xây dựng 1ha nuôi tôm thẻ siêu thâm canh cần khoảng 3 tỷ đồng để xây dựng nhà lưới bao phủ ao tôm, lót bạt dưới đáy ao, lắp đặt hệ thống phao, oxy đáy, thức ăn, thuốc thủy sản, con giống. Trong quá trình nuôi, việc cho tôm ăn hoàn toàn được thực hiện bằng máy tự động để tôm ăn liên tục, hạn chế thức ăn nằm lâu tan trong nước, gây ô nhiễm đáy ao… Với phương cách này, tôm phát triển đồng đều, tăng năng suất gấp 2 – 3 lần so với nuôi tôm thâm canh ao đất.


Năm nay giá tôm khá ổn định, nông dân nuôi tôm công nghệ cao ở Bạc Liêu rất phấn khởi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Lưu Hoàng Ly – Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, tỉnh đang phát triển các mô hình nuôi tôm công nghệ cao chia làm 2 – 3 giai đoạn và thích nghi với biến đổi khí hậu. Ngành nông nghiệp Bạc Liêu nhận định đây là những mô hình tiêu biểu cần tiếp tục nhân rộng. Với những hiệu quả từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao mang lại, cần khuyến khích đẩy mạnh phát triển giúp bà con nông dân tăng tỷ lệ thành công, góp phần phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới.

Lê Hoàng Vũ – Trọng Linh

Nongnghiep.vn