Công nghệ chưa theo kịp nghề nuôi tôm

Nuôi tôm là một nghề có sức hấp dẫn lớn bởi tỉ suất lợi nhuận rất cao (20-30%/tháng), vòng quay vốn nhanh (3-4 tháng/vụ), có thể nuôi nhiều vụ liên tục trong năm. Do vậy, đây là một nghề làm giàu rất nhanh. Tuy nhiên, số người thực sự giàu nhờ nuôi tôm thì lại không nhiều, chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với hàng chục ngàn người tham gia vào nghề này. Vậy nên cần nhìn vào những rủi ro một cách sâu sắc để giảm rủi ro nghĩa là góp phần cho thành công.

Với nhiều sản phẩm nông nghiệp thủy sản khác, thì khâu bán sản phẩm sau thu hoạch luôn là nỗi lo lớn nhưng với tôm thì không phải lo lắng nhiều. Tôm có thể gọi thương lái đến bán bất cứ lúc nào và giá cả cũng tương đối rõ ràng, thông thường giá bán cao hơn giá thành. Vậy thì vì đâu nên lỗ? Có hai khả năng là không có tôm để bán và chi phí nuôi quá cao.


Vì đâu nên lỗ khi khâu bán sản phẩm không phải là nỗi lo của nghề nuôi tôm. Ảnh: Tepbac.

Tôm là động vật biến nhiệt nghĩa là nhiệt độ bên trong cơ thể tôm sẽ biến động theo nhiệt độ môi trường nước. Cứ nhiệt độ nước tăng hay giảm 3oC thì các quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể tôm tăng hoặc giảm cả chục lần. Ngoài ra, tôm còn nhạy cảm với các yếu tố thủy lý thủy hóa khác. Sự biến động của một hay nhiều yếu tố môi trường đều có thể tác động làm tôm căng thẳng và phát sinh vấn đề. Thật giống cô nàng đỏng đảnh!

Tôm là động vật bậc thấp nên hệ thống miễn dịch thường không tốt bằng các nhóm động vật bậc cao hơn chẳng hạn như cá. Có cả bệnh do virus, vi khuẩn, nấm …. Luôn thường trực và cứ 5-7 năm lại xuất hiện một đợt dịch làm chao đảo nghề tôm thế giới.

Một đối tượng mong manh và nhạy cảm thì quả thật là nuôi không dễ. Để đối phó và kiểm soát rủi ro trong nuôi tôm mà người nuôi đã đầu tư rất nhiều thậm chí là quá mức dẫn đến việc có tôm để bán nhưng chi phí quá cao dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp hoặc thua lỗ. Chúng ta cần tìm hiểu hiện trạng để có thể tìm ra giải pháp hợp lý cho nghề nuôi tôm.


Trong nuôi tôm, đầu tư quá mức dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Ảnh: Tepbac.

Công nghệ nuôi tôm hiện tại còn nhiều vấn đề

Công nghệ nuôi tôm hiện nay đang tồn tại vấn đề ở 3 khía cạnh chính: Công trình nuôi, trang thiết bị và quy trình nuôi.

Công trình nuôi tôm

Đa phần các công trình nuôi tôm hiện nay đều manh mún và không đồng bộ. Các trại nuôi được chuyển đổi từ hình thức nuôi cũ sang hình thức nuôi mới hoặc đầu tư mở rộng nên thường thiếu thiết kế, bố trí công trình chưa hợp lý gây khó cho vận hành.

Trang thiết bị nuôi tôm

Trang thiết bị nuôi tôm hiện nay vẫn lạc hậu, thiếu đồng bộ. Thiết bị nuôi chưa tối ưu nhưng mức tiêu thụ điện năng cao lên đến 3,000 kw/1 tấn tôm.

Điểm yếu chung của các trại nuôi tôm hiện nay sử dụng mái che tốn kém nhưng không bền, hiệu quả che mưa nắng kém, chưa có máy xử lý nước để thay thế hoá chất, người nuôi không dùng máy mà thường san chuyển tôm bằng tay,… Hầu hết trang thiết bị rất mau hư và sau 2 năm cần phải thay mới hoặc sửa chữa lớn.


Mái che tốn kém nhưng không bền, hiệu quả che mưa nắng kém. Ảnh: Tepbac.

Các thiết bị nuôi thiết yếu như quạt nước, sục khí và máy cho ăn cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Quạt nước có vai trò chính là tạo dòng chảy, đảo nước tránh phân tầng, góp phần tăng hàm lượng oxy hòa tan (DO) và hoạt động tốt ở mực nước nhỏ hơn 1.4 m. Với độ sâu mức nước lớn hơn 1.5 m thì hiệu quả tạo dòng gom chất thải đáy ao sẽ giảm rõ rệt và tiêu hao điện năng lớn. Quạt nước cũng là yếu tố gây lây lan mầm bệnh do nước được đưa lên không trung và theo gió bay đi.

Sục khí hiện nay chủ yếu dùng máy thổi hoặc nén khí thì giới hạn DO ở mức 5-6 ppm chứ khó có thể hơn. Nếu muốn duy trì DO ở mức cao thì phát sinh vấn đề cản trở dòng chảy khó gom chất thải.

Khi quạt nước và sục khí hoạt động liên tục sẽ phối hợp làm tan rã phân tôm hay chất thải vô nước khi sục khí thì đẩy phân tôm lên cho quạt nước đập làm tan vỡ ra. Chúng giới hạn độ sâu nước nuôi (thường <1.4 m) và DO ( thường 5-6 ppm) nghĩa là giới hạn về năng suất (4-6 kg/m2).


Bố trí kết hợp quạt nước và sục khí trong mô hình nuôi tôm. Ảnh: Tepbac.

Máy cho ăn có tích hợp điều khiển tự động nhưng chưa tích hợp được nhiều dữ liệu khác do thiếu tính đồng bộ thiết bị và công trình, việc phun khi cho ăn dễ thất thoát thức ăn và đặc biệt là những viên thức ăn rơi vãi trên cầu nhá hay trên bạt, nếp gấp của bạt bị ẩm mốc chỉ sau hơn 1 ngày sẽ gây bệnh đường ruột khi tôm ăn phải (đôi khi phân trắng từ đây).

Quy trình nuôi tôm

Một số vấn đề nổi cộm của quy trình nuôi hiện nay:

– Xử lý nước bằng hoá chất: Chủ yếu là Chlorine, BKC, KMnO4…chỉ có tác động đến tảo và vi khuẩn (cũng còn chưa triệt để) và ít có tác động đến kim loại nặng.

– Quy trình nuôi nước trong nhưng không thể kiểm soát thành phần mật độ tảo nên phải thay nước nhiều ( 30-50%) hay phải cắt tảo….

– Không quan tâm đến xử lý nước thải (hệ thống, diện tích ao xả thải kém) .

– Lạm dụng thuốc kháng sinh, hoá chất (do tôm thường có dấu hiệu bệnh)

– Phải thu tỉa vì quá tải nên sản lượng có cao nhưng thu nhập không cao vì tôm cỡ nhỏ không có giá cao.

– Màu sắc tôm kém do tôm thường bị căng thẳng và thiếu tảo

Vì vậy, hiệu quả kinh tế hiện nay còn thấp:

– Chi phí vận hành cao: hoá chất xử lý, nhân công, sửa chữa, khấu hao.

– Hệ số thức ăn cao do khả năng tiêu hoá, hấp thụ thức ăn kém ( do DO thiếu cấp độ 1)

– Tôm chậm lớn ADG chỉ đạt mức 0.3-0.4 g/ngày.

– Tỉ lệ thành công 60-70%

– Giá thành cao 90,000 – 105,000 đồng/kg nhưng giá bán bình quân không cao (120,000 -140,000 đồng/kg).

– Tỉ suất lợi nhuận 30%/4 tháng.

Giải pháp công nghệ đề xuất ứng dụng

Khi giải quyết các vấn đề hiện tại, mô hình nuôi tôm có khả năng cải tiến năng suất để đạt tỉ lệ thành công lên 90%, tôm lớn nhanh hơn với ADG đạt 0.5 g/ngày, năng suất đạt 11 – 12 kg/m2, giá thành thấp 80,000 đ/kg, với giá bán cao 200,000 đ/kg sẽ có tỉ suất lợi nhuận 150 – 200%/3 tháng.


Cải tiến công nghệ nuôi tôm có thể đạt tỷ lệ nuôi thành công lên 90%. Ảnh: Tepbac.

Để đạt được kỳ vọng năng suất trên, đề xuất ứng dụng các giải pháp công nghệ sau:

• Thiết bị xử lý nước thay cho việc xử lý hoá chất.

• Thay thế thiết bị tạo dòng chảy và oxy đảm bảo việc nâng mức nước và tăng DO > 10ppm, mức nước nuôi có thể đạt 2-3 m.

• Tích hợp thiết bị đo với phần mềm điều khiển dòng chảy để ổn định và tiết kiệm điện năng.

• Máy cho ăn không rơi vãi và tích hợp đồng bộ các yếu tố ảnh hưởng đến tập tính ăn của tôm sao cho hiệu quả.

• Máy chuyển tôm.

• Công nghệ vi sinh: Phân lập nuôi cấy lợi tảo và lợi khuẩn.

Lục Thanh Tùng

Tepbac.com