Chuẩn mực ‘tôm đạo đức’ từ ao nuôi tới bàn ăn

Nuôi tôm bằng smartphone, với máy cho ăn tự động, cho thu hoạch tôm theo từng ngày…, đây là những công nghệ mới do TS Nguyễn Thanh Mỹ áp dụng ở tỉnh Trà Vinh.

“Số hóa” nuôi tôm

Tháng 11/2020, TS Nguyễn Thanh Mỹ (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần RYNAN Technologies Vietnam) thành lập Công ty Salicornia Ngón Biển. Đứng trên vùng nuôi tôm 7,5ha Công ty đầu tư hệ thống ao nuôi ứng dụng công nghệ mới ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, TS Nguyễn Thanh Mỹ tự tin việc sáng chế ra những thiết bị mới – số hóa sẽ đem lại những bứt phá cho lĩnh vực nuôi tôm.

TS Nguyễn Thanh Mỹ từng đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và có nhiều bằng phát minh hữu dụng. Ông là một trong những nhà đầu tư kinh tế thành công tại quê hương Trà Vinh của mình. Trong lĩnh vực nông nghiệp, TS Nguyễn Thanh Mỹ từng đưa ra các thiết bị công nghệ cảm ứng đo độ mặn trên sông để báo động tình trạng xâm nhập mặn giúp nông dân nhận cảnh báo sớm, bảo vệ mùa màng an toàn, hay thiết bị đo mực nước trên ruộng lúa thông qua điện thoại thông minh, giải pháp ứng dụng phân bón thông minh trong sản xuất lúa ở ĐBSCL…


TS Nguyễn Thanh Mỹ sáng chế máy đóng gói bảo quản tôm tươi được 3 tháng, thuận lợi cho tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: Hữu Đức.

Bước vào lĩnh vực thủy sản, ông Mỹ khiêm nhường, tự nhận: “Câu chuyện nuôi tôm, tôi là người ngoại đạo. Tôi tìm tòi học hỏi, nghiên cứu chỉ nhằm muốn đóng góp chút sáng kiến công nghệ mới giúp người nuôi tôm”. Ông tỏ rõ ý muốn đóng góp, cùng hướng vào hành trình chuẩn mực “Tôm đạo đức từ ao nuôi tới bàn ăn”.

Theo ông, tôm Việt Nam nuôi chủ yếu để xuất khẩu và cơ hội còn rất lớn. Tuy nhiên, ông đồng cảm với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, bởi không phải lúc nào hàng của họ cũng đạt đúng chuẩn, bởi nhiều lý do về dư lượng thuốc kháng sinh, tôm không đúng kích cỡ…

Ông Mỹ nhận xét: Từ đầu năm 2020, khi tìm hiểu về ngành tôm Việt Nam, ông thấy có bốn vấn đề lớn: Thứ nhất là năng suất thấp, mỗi ha chỉ cho ra 1 – 2 tấn tôm/năm, trong khi so với Ấn Độ là 6 – 7 tấn/ha. Thứ hai là do vi khuẩn, ký sinh trùng, hộ nông dân nuôi tôm sử dụng nhiều thuốc kháng sinh, dẫn tới chuyện siêu vi khuẩn kháng kháng sinh. Cuối cùng là cái khó do chuỗi giá trị ngành tôm Việt Nam hơn 75% phụ thuộc vào thương lái.

Cuối cùng là chi phí sản xuất cao, vì hầu hết những công ty sản xuất thức ăn cho tôm là của nước ngoài và họ phải nhập khẩu gần như 100% nguyên liệu đầu vào. Trong khi nuôi tôm, thức ăn cho tôm chiếm 55 – 60% chi phí sản xuất.

Nghĩ mới, cách làm mới, TS Mỹ dẫn giải: Trong chuyển đổi số có ba bước là số hóa dữ liệu, số hóa quy trình (tự động hóa quy trình) và chuyển đổi số. Mục đích của các bước này nhằm để thu thập được dữ liệu lớn, thông minh, giúp tạo giá trị mới.


Khu vực ao nuôi tôm hoàn toàn tự động của Công ty Salicornia Ngón Biển tại huyện Duyên Hải (Trà Vinh). Ảnh: Hữu Đức.

Theo TS Mỹ, khó nhất trong nuôi tôm là làm cách nào để tự động thu thập được dữ liệu. Tự động dựa trên trí tuệ nhân tạo thì chi phí quá cao đối với nông dân hiện nay. Vì vậy, giải pháp của TS Mỹ đưa ra với 3 cấp độ là thủ công, bán tự động và tự động. Một ví dụ tại vùng nuôi của Công ty Salicornia Ngón Biển, chỉ cần dùng điện thoại thông minh chụp qua con tôm thì hệ thống có thể phân tích được hôm nay tôm trọng lượng bao nhiêu, có phát triển đúng không, tôm có bị bệnh không…

Hiện nay tại vùng nuôi tôm của Công ty Salicornia Ngón Biển đang trải nghiệm quy trình nuôi tôm theo hệ thống ao nổi phủ bạt, lắp đặt xi-phông đáy ao và được nối kết liên hoàn cùng hệ thống ao lắng, lọc, kênh nhân tạo cấp nước vào các ao nuôi. Sau cùng là kênh thải nước từ ao nuôi tôm ra khu vực xử lý trước khi đưa qua khu vực trồng cây rừng (đước, mắm) thuộc vùng ngập mặn để tiếp tục xử lý môi trường. Bên cạnh đó, công nghệ mới được ứng dụng như dùng thiết bị công nghệ giàu oxy, máy tự động cho tôm ăn; thiết bị chống đóng rong, tảo trong ao; máy xua đuổi chim, cò quần tụ quanh ao tôm…

Nuôi tôm bằng smartphone và máy cho ăn tự động

TS Mỹ thấu cảm nhiều hộ nuôi tôm hiện nay còn rất nhiều khó khăn, vì vậy nếu những sáng chế cho ra những thiết bị đắt tiền, họ sẽ rất khó trong tiếp cận đầu tư. Vì vậy, mô hình Công ty Salicornia Ngón Biển đang áp dụng được người nuôi tôm đồng tình cao vì giảm được chi phí đầu vào, từ con giống, vật tư kỹ thuật, thức ăn…, giúp giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, quy trình áp dụng nuôi tôm phải đồng nhất, chất lượng sản phẩm phải đồng đều. Đặc biệt, từ mô hình này, người nuôi sẽ đảm bảo về truy xuất nguồn gốc. Tôm nuôi theo quy trình an toàn, đạt tiêu chuẩn tôm xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu…


Theo đó, Công ty Salicornia Ngón Biển đã ứng dụng Rynan Mekong trong App Store cài đặt trên smartphone, giúp người nuôi điều khiển từ xa, cập nhật tình hình con tôm, quan trắc nước qua màn hình điện thoại khiến việc nuôi tôm thuận lợi và kinh tế hơn trước nhiều.

Quy trình này cũng áp dụng máy cho tôm ăn thông minh model AIF 100 (giá 30 triệu đồng/máy) là loại máy có 3 chế độ hoạt động (chế độ thủ công, chế độ tự động và chế độ kết hợp thuật toán trí tuệ nhân tạo). Phần chế độ kết hợp thuật toán trí tuệ nhân tạo sẽ kết hợp với các trạm quan trắc, thiết bị đo chỉ tiêu môi trường, đo chỉ tiêu của tôm, cá để cho ra được lượng thức ăn trong một ngày là bao nhiêu.

Loại máy này giúp tiết kiệm thức ăn lên tới 20%. “Để thuyết phục người nuôi chịu bỏ ra 30 triệu đồng mua máy cho tôm ăn thông minh, chúng tôi tạo điều kiện cung cấp máy cho người nuôi dùng. Người nuôi tôm tự mua thức ăn, làm theo quy trình kỹ thuật sử dụng máy của chúng tôi. Chúng tôi cũng sẵn sàng bảo lãnh ngân hàng để bà con vay vốn mua máy. Sau đó, Công ty chúng tôi thu mua tôm lại cho bà con với giá cao hơn so với thị trường”, TS Mỹ cho biết.

Hiện nay, mô hình nuôi tôm của Công ty Salicornia Ngón Biển đang triển khai ở Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, trên cơ sở có sự liên kết giữa các HTX. Công nghệ, thiết bị nuôi do Công ty Salicornia Ngón Biển chủ động sản xuất được trong nước (có sẵn ở Trà Vinh). Do thiết bị sản xuất trong nước nên giá cũng khá rẻ, có thể đưa vào áp dụng trong phạm vi một HTX nuôi tôm. Công ty có thể liên kết, cho thuê thiết bị hoặc bán cho người nuôi tôm có trả chậm và có ngân hàng đồng hành.

Thu hoạch tôm theo ngày

Hiện nay, khu vực ao nuôi tôm của Công ty Salicornia Ngón Biển hướng theo mô hình nuôi tôm khép kín trong nhà. Ở trên dùng mái năng lượng mặt trời, ở dưới nuôi tôm. Tôm có thể thu hoạch hằng ngày chứ không phải 100 ngày mới thu hoạch. Cách này giải quyết được về sức ép số lượng, bán thẳng cho người tiêu dùng.


TS Nguyễn Thanh Mỹ (phải) giới thiệu với nhà đầu tư về công nghệ nuôi tôm giàu oxy. Ảnh: Minh Đãm.

Theo TS Nguyễn Thanh Mỹ: Thị trường tiêu thụ tôm trong nước hiện nay còn rất lớn, nhưng chưa được chú trọng. Thực phẩm chế biến từ tôm là một cách để người nuôi tôm nâng cao giá trị. Từ tôm, có thể chế biến nhiều món như tôm kho tiêu, tôm cà ri, tôm xào đậu cô-ve, đậu rồng… “Thay vì bán lúa, thì mình bán cơm. Thay vì bán tôm sống, ta chế biến tôm thành món ăn để bán”, TS Mỹ nói.

Với máy đóng gói, “máy bán tôm đạo đức” (giá từ 200 – 500 triệu đồng/máy), vừa qua trong đại dịch Covid-19, người tiêu dùng cần sự tiện lợi, có thể ứng dụng công nghệ đóng gói với khí cải tiến, cho phép bảo quản tôm tới 3 tháng. “Người tiêu dùng mua sản phẩm tôm chế biến của chúng tôi, về chỉ cần bỏ vào lò vi sóng trong 3 phút là có thể dùng ngay. Điều này thật sự rất tiện lợi, tăng được lợi nhuận cho người nuôi tôm”, TS Mỹ cho biết.

+ TS Nguyễn Thanh Mỹ là người sáng lập và là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mỹ Lan; Công ty Cổ phần RYNAN Technologies Vietnam tại tỉnh Trà Vinh. Ông là nhà khoa học, nhà phát minh người Việt Nam nổi tiếng với nhiều bằng sáng chế công nghệ trên thế giới. Ông đã phát minh và đồng phát minh trên 150 bằng sáng chế ở Hoa Kỳ.

+ Theo Bộ NN-PTNT, cả nước có hơn 200.000 ha nuôi tôm công nghệ cao. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng với tổng diện tích khoảng 186.000ha.

Hứu Đức – Minh Đãm

Nongnghiep.vn