Chi phí tăng, giá bán giảm, người nuôi tôm ở Bạc Liêu lao đao

Giá tôm thẻ nuôi theo mô hình công nghệ cao tại nhiều tỉnh vùng ĐBSCL tiếp tục giảm mạnh khiến người dân gặp khó khăn.

Nguyên nhân là các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm đang gặp khó khăn về thị trường, hàng tồn kho còn nhiều.

Chi phí tăng cao

Anh Long Văn Nghĩa (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, hiện nay, chi phí sản xuất đội lên rất nhiều, giá điện, chí vận chuyển, giá xăng dầu đều tăng…

Giá tôm thẻ hiện nay ở mức thấp, khiến người nuôi tôm lo lắng

“Giá tôm quá thấp và đang có xu hướng sụt giảm nên nếu tôm phát triển bình thường còn có lãi chút ít hoặc hòa vốn, còn tôm chậm lớn sẽ thua lỗ nặng”, anh Nghĩa chia sẻ.

Anh Nghĩa cho hay, hiện tại, chi phí tiền điện chiếm khoảng 12%. Tính riêng 1 mô-đun trước đây phải trả khoảng 16 triệu/tháng thì nay lên hơn 17 triệu đồng.

Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển cũng tăng so với đầu năm khoảng 30%. Một chuyến xe thức ăn vận chuyển từ TP.HCM về tới Bạc Liêu có giá 5 triệu đồng, nhưng hiện nay chi phí này tăng lên khoảng 6,2-6,4 triệu đồng.

Đó là chưa kể chi phí xăng dầu phục vụ máy phát điện, cải tạo ao nuôi đội lên khoảng 30%. Cụ thể, để cải tạo 1 hecta đất (10.000m2) trước đây chi phí xăng dầu khoảng 250 triệu đồng thì nay tăng lên khoảng 325 triệu đồng.

Nhiều diện tích tôm nuôi đạt số lượng cao nhưng chậm lớn

Anh Nghĩa cũng chia sẻ thêm, trung bình tôm thẻ nuôi loại 30 con/kg, hiện nay, thương lái mua khoảng 110.000 – 115.000 đồng/kg (tùy theo tôm đẹp hay xấu). Với giá này, nếu không rủi ro, người nuôi lời khoảng 10.000 đồng/kg, còn nếu có rủi ro thì chịu lỗ. Để người nông dân nuôi tôm có lời “dễ thở”, giá tôm 30 con/kg thấp nhất phải 145.000 đồng/kg.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, định hướng phát triển ngành Nông nghiệp của tỉnh tầm nhìn đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 4,55%/năm. Sản lượng thủy sản đạt 450.000 tấn (trong đó, tôm 200.000 tấn, cá và thủy sản khác 250.000 tấn).

Anh Nghĩa hy vọng, giá điện, giá xăng dầu sớm bình ổn và các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay.

“Đồng thời, cơ quan chức năng cần bình ổn giá cả thị trường đầu vào, như: thuốc thủy sản, thức ăn, con giống… Lúc khó khăn cũng đừng nên tăng giá để cùng chia sẻ với người nuôi tôm. Các cấp, các ngành quan tâm đầu tư nạo vét kênh, mương đồng bộ để đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ cho người dân nuôi trồng thủy sản”, anh Nghĩa kiến nghị.

Có nhiều năm nuôi tôm thẻ áp dụng công nghệ cao, anh Cao Chí Bảo (ngụ xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Chi phí nuôi tôm đều tăng gấp đôi so với những vụ nuôi trước, trong khi đó giá tôm lại giảm, người nuôi tôm coi như trắng tay.

Với giá tôm như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí như con giống, thức ăn, thuốc xử lý môi trường ao nuôi, và nhất là khi giá điện tăng cao như hiện nay thì lợi nhuận gần như không có, thậm chí bị lỗ nặng, đó là chưa kể nếu tôm nuôi gặp sự cố thì phải thu hoạch sớm”.

Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm ra nước ngoài cũng đang gặp khó khăn

Người dân cần tuân thủ khuyến cao, lịch thời vụ

Giá tôm nguyên liệu sụt giảm mạnh làm ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì sản xuất của người nông dân vì hiện nay đa phần người nuôi tôm thiếu vốn, trong khi lãi suất ngân hàng tăng, nông dân không nới rộng vốn vay được vì ngân hàng siết khá chặt.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thu mua cầm chừng. Không chỉ rớt giá, tôm nguyên liệu loại từ 40-70 con/kg cũng rất khó tìm đầu ra, do một số thương lái tạm ngừng thu mua.

Theo lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu, hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm ra các nước đang khó khăn, lượng tôm sản phẩm làm ra nhiều, nhưng đơn hàng bị sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải lưu kho số lượng lớn, dẫn đến giá tôm bị sụt giảm.

“Chính quyền địa phương đang chờ việc điều phối vĩ mô từ Chính phủ và các ngành Trung ương liên kết các thị trường nước ngoài.

Mặt khác, người nuôi tôm cũng phải lưu ý để điều chỉnh quy mô sản xuất, nuôi trồng lại để tránh dư thừa, phải điều tiết sản lượng phù hợp để hạn chế khó khăn về giá đầu ra”, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.

Nhằm giúp người nuôi tôm yên tâm sản xuất, các doanh nghiệp chế biến thủy sản duy trì hoạt động liên tục, ngành chức năng các tỉnh ĐBSCL khuyến khích người nuôi tuân thủ các khuyến cáo, lịch thời vụ để thả tôm nuôi.

Đặc biệt, không sử dụng các loại kháng sinh, hóa chất trong suốt quá trình nuôi để đảm bảo nguồn tôm nguyên liệu sạch, không bơm chích tạp chất vào tôm để có thị trường ổn định.

Gia Minh

Báo Giao Thông