Chế biến vỏ tôm thành phân hữu cơ – một công đôi chuyện

Chế biến vỏ tôm thành phân bón hữu cơ đã được nhiều hộ nuôi tôm công nghệ cao tại Bạc Liêu áp dụng, để bón cho cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế.

Phân hữu cơ được ủ từ vỏ tôm vừa hạn chế gây ô nhiễm môi trường vừa giảm chi phí phân bón cho cây trồng.

Hiệu quả kinh tế

Ông Long Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Ban Quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, cho biết, hiện nay, việc chế biến vỏ tôm thành phân bón mang lại rất nhiều hiệu quả. Vừa bảo vệ được môi trường, vừa tận dụng được rác thải nông nghiệp.

Theo ông Nghĩa, trong một tấn tôm nuôi, trung bình lột khoảng từ 20 – 25kg vỏ/ngày. Sau đó, vỏ tôm được rửa sạch mặn và đem vô hố ủ. Tại đây, đổ một lớp vỏ tôm khoảng 2 – 3cm, sau đó đổ lên một lớp trấu khoảng 1cm và lấy vi sinh tưới lên. Rồi tiếp tục đổ một lớp vỏ tôm và một lớp trấu như trước tưới vi sinh. Đến khi hố ủ cao khoảng 1,2 – 1,5m thì ngưng. Đến khoảng 2 – 3 tháng, đem ra trộn chung với các loại phân hưu cơ khác như phân dừa, phân trâu, phân trấu và kết hợp với cả phân tôm được ủ qua biogas cũng được trộn chung sau đỏ dùng để bón cây rất hiệu quả.

Ông Nghĩa cho biết, một khu nuôi tôm với diện tích 3.000m2 mặt nước ao nuôi thì chỉ cần một khu ủ rộng khoảng 200m2 có thể đủ dùng cho cả ao. Trung bình mỗi héc-ta thu hoạch khoảng 200 – 250 tấn tôm/ha/năm. Số lượng vỏ tôm được ủ và sử dụng bón cây xoay vòng liên tục.

“Đây là sản phẩm phục vụ trồng trọt hữu cơ rất tốt cho cây trồng. Điều quan trọng nhất là có thể xử lý một lượng chất thải từ tôm nuôi như phân tôm, vỏ tôm thành phân bón cho cây trồng, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân”, ông Nghĩa chia sẻ.

Ngoài các chất thải từ nuôi tôm, thì các chất thải hữu cơ như rơm rạ, lá cây, thân cây, xác cà phê, xác mía, mùn cưa, trấu… hay chất thải từ các cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột, phân động vật nuôi, chất thải hữu cơ từ các nhà máy chế biến sẽ là nguồn phân bón dồi dào cho cây trồng. Không chỉ góp phần làm giảm thiểu môi trường mà còn cung cấp cho cây trồng nguồn phân sạch không có hóa chất, đem lại an toàn cho sản phẩm đầu ra.

Ông Sơn Ngọc Xuân, nông dân ấp Công Điền, xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu, cho biết: Gia đình tôi đã thử nghiệm mô hình ủ rác thải nông nghiệp thành phân hữu cơ từ năm 2019. Số lượng phân ủ một lần có thể từ 200 – 300kg, ông dùng số phân ủ bón cây ớt và trồng dưa hấu hữu cơ trong nhà lưới. Theo ông Xuân, trải qua nhiều vụ trồng, năng suất cây trồng phát triển khá tốt, sản phẩm làm ra được thương lái rất ưa chuộng và đặt hàng từ đầu vụ.

Ông Xuân chia sẻ thêm, đa số nông dân trước đây có thói quen sử dụng phân bón hóa học rất nhiều, ít người quan tâm đến vấn đề ủ rác thải nông nghiệp làm phân hữu cơ. Từ khi được các cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai tập huấn, ông tham gia và biết được phân hữu cơ có thể ủ từ rác thải nông nghiệp và sử dụng rất hiệu quả nên rất phấn khởi áp dụng.

“Thấy được hiệu quả, tôi đã phổ biến lại cho bà con. Xung quanh đây có rất nhiều người tin tưởng làm theo. Trước đây, đa phần người dân lấy vỏ tôm cho cá ăn, hoặc đem đi đổ xuống bờ kênh, có một số hộ thì lấy vỏ tôm trực tiếp đổ lên xung quanh cây trồng mà không thông qua quá trình ủ”, ông Xuân nói.

Với hiệu quả bước đầu mang lại từ việc ủ phân hữu cơ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nhân rộng mô hình. Qua đó mong muốn góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường như hiện nay.

Ảnh trên: Hầm biogas xử lý phân tôm và nơi xử lý nước thải ao nuôi tôm. Ảnh dưới: Người dân lấy vỏ tôm xi phong về ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản

Tính đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bạc Liêu trên 140.000ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh chiếm khoảng trên 24.000ha. Ngoài ra, diện tích nuôi thủy sản trên đất tôm – lúa khoảng 40.000ha và diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp gần 73.000ha. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt gần 300.000 tấn/năm, trong đó sản lượng tôm đạt trên 200.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, song song với sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản phải gắn liền với vấn đề bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Đây là vấn đề được quan tâm hiện nay, nhất là xử lý nước thải và vỏ tôm.

Bà Trịnh Khánh Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở đã dành một phần kinh phí sự nghiệp hỗ trợ và phối hợp các ngành đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Tỉnh Đoàn, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Sở Công thương tổ chức hơn 40 lớp triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và thực hiện nhiều mô hình ủ rác hữu cơ thành phần phân hữu cơ cho các xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Qua đó giúp người dân biết cách phân loại rác tại chỗ, sử dụng rác thải hợp lý và nâng cao thu nhập rác thải nông nghiệp. Quan trọng là hạn chế được tình trạng vứt rác bừa bãi ra ngoài làm ô nhiễm môi trường.

Theo ông Lữ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, trong kế hoạch năm 2021, đơn vị đã chủ động làm việc với UBND các huyện, thị xã, thành phố có diện tích nuôi tôm về xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với các doanh nghiệp và người nuôi tôm. Bên cạnh đó, Sở cũng nghiên cứu tìm hiểu những công nghệ mới để đầu tư xây dựng các phương pháp xử lý chất thải trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chất thải từ nuôi tôm hiệu nay.

Đến nay, qua các công tác tuyên truyền, đặc biệt là tổ chức nhiều lớp tập huấn, các doanh nghiệp và người dân nuôi tôm đã biết cách sử dụng rác thải từ nông nghiệp hợp lý hơn. Trong đó nhiều hộ nuôi tôm đã sử dụng phân tôm, vỏ tôm ủ thành phân bón hữu cơ để phục vụ trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao.

“Việc ủ phân từ rác thải nông nghiệp sẽ hạn chế ô nhiễm không khí do đốt rác và diện tích chôn lấp rác, lại có nguồn phân hữu cơ bổ sung chất dinh dưỡng trong đất trồng, giảm bớt sự lạm dụng phân hóa học trong sản xuất và chi phí do giá phân hóa học ngày càng cao. Vì có tính giáo dục và tổ chức khi phân loại rác tại nguồn, cách làm này sẽ giúp cộng đồng thay đổi hành vi và trở thành thói quen bảo vệ môi trường về lâu dài”, bà Trịnh Khánh Ngọc –  Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bạc Liêu – cho biết.

Nguồn tin: Nông Nghiệp Việt Nam