Chất dẫn dụ và công nghệ thủy âm: Tăng tỉ lệ sống và tăng trưởng cho tôm thẻ chân trắng

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Nhóm nghiên cứu Khoa thủy sản, đại học Auburn, Hoa Kỳ đã tiến hành thí nghiệm trên tôm thẻ chân trắng, sử dụng các hợp chất dẫn dụ khác nhau bao gồm bột mực (Squid meal), bột ruốc biển (Krill meal) và dịch thủy phân cá (Fish hydrolysate) như là chất dẫn dụ bổ sung vào thức ăn có nguồn gốc hoàn toàn từ thực vật.

Sử dụng chất dẫn dụ và tích hợp công nghệ thủy âm thụ động nhằm tối ưu hóa tỷ lệ sống và tăng trưởng cho tôm thẻ.

Thí nghiệm được bố trí gồm bốn nghiệm thức. Ở nghiệm thức đối chứng, tôm được cho ăn bằng thức ăn có nguồn đạm được lấy hoàn toàn từ nguồn gốc thực vật (bột đậu nành và bột bắp), ba nghiệm thức còn lại lần lượt là sự bổ sung các chất dẫn dụ gồm bột mực, bột ruốc biển và dịch thủy phân cá, với tỷ lệ lần lượt là 2%, 2% và 5%.

Nhằm mục đích tăng độ tin cậy và có thể áp dụng kết quả thí nghiệm này trong thực tế điều kiện ao nuôi thương phẩm, nhóm nghiên cứu bố trí thí nghiệm giống nhau ở cả hai địa điểm. Một là bố trí trong hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS), thời gian thí nghiệm trong 9 tuần, mật độ thả là 35 con/m2, mỗi bể có thể tích 750 lít. Địa điểm thứ hai là bố trí ở ao nuôi bán thâm canh thời gian thí nghiệm trong 13 tuần, với diện tích 0.1ha/ao, và mật độ thả là 30 con/m2.

Đặc biệt, công nghệ thủy âm thụ động PAM được áp dụng trong các ao nuôi này để ghi lại các âm thanh có thể ghi nhận được của tôm trong quá trình cho ăn, từ đó tối ưu hóa việc cho tôm ăn theo nhu cầu.

Ở cả hai địa điểm bố trí thí nghiệm, kết quả cho thấy tỷ lệ sống ở nghiệm thức đối chứng (không sử dụng chất dẫn dụ) là 85.83%, thấp hơn so với các nghiệm thức có sử dụng dịch thủy phân cá làm chất đẫn dụ (95.83%), và sự khác biệt này có ý nghĩa về mặt thống kê (P < 0.05). Ngoài ra, khi so sánh FCR và năng suất, các chỉ tiêu này có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa ao đối chứng và ao sử dụng chất dẫn dụ.

Kết luận của nhóm nghiên cứu là những dấu hiệu tích cực ban đầu về tỷ lệ sống, và tăng trưởng của việc bổ sung thêm các chất dẫn dụ mà đơn cử là dịch thủy phân cá vào thức ăn có nguồn đạm hoàn toàn từ thực vật. Tuy nhiên, để có thể có những kết luận xa hơn về mặt kinh tế của chế độ dinh dưỡng mới này cho tôm thì vẫn cần làm thêm những nghiên cứu liên quan đế chủ đề này. Trong thí nghiệm này, nhóm nghiên cứu ước tính chi phí để sản xuất một kg thức ăn đối chứng (không sử dụng bột cá) là 1,28 đô la, nghiệm thức bổ sung bột ruốc biển là 1,41 đô la, bổ sung thêm bột mực là 1,40 đô la, và nghiệm thức bổ sung dịch thủy phân cá là 1,33 đô la.

Ngọc Anh (Lược dịch)