Càng bất lợi, càng thận trọng

Hiện nay, hầu hết các yếu tố về độ mặn, thời tiết, dịch bệnh đều bất lợi cho nghề nuôi tôm thì việc “thận trọng” trong quyết định thả nuôi, thu hoạch là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo có được vụ nuôi thành công như mong đợi.

Năm nay, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu và mưa nhiều ở thượng nguồn sông Mê Kông khiến mực nước trên sông Cửu Long dâng cao bất thường ngay trong mùa khô hạn. Mặt khác, những cơn mưa trái mùa trên diện rộng và kéo dài gần 2 tuần vào tháng 3 đã khiến cho độ mặn trên hầu hết các sông rạch tiếp giáp với biển nhanh chóng bị ngọt hóa. Tại Sóc Trăng, ngay cả con sông Mỹ Thanh, nơi cung cấp nguồn nước mặn chính cho các chi lưu của nó ở vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh như: Vĩnh Châu, Trần Đề, Mỹ Xuyên theo kết quả quan trắc, ngay từ tháng 5 độ mặn có nơi cao nhất cũng chỉ 2‰, còn lại phần lớn đều đã 0‰. Không chỉ có độ mặn thấp, bệnh EHP và phân trắng còn xuất hiện tại hầu hết các vùng nuôi, càng khiến cho người nuôi tôm thêm chùn tay trước quyết định có nên thả nuôi hay tạm ngưng.


Dù đã giảm mật độ thả nuôi để đảm bảo tôm phát triển tốt nhất nhưng ông Phan Đức Quỳ vẫn thận trọng kiểm tra tôm thường xuyên để có giải pháp xử lý kịp thời khi các tình huống xấu phát sinh. Ảnh: TÍCH CHU

Trò chuyện với người viết bên lề hội nghị khách hàng nuôi tôm do Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP. Việt Nam tổ chức tại Sóc Trăng vào ngày 3-7, anh Công, một hộ nuôi tôm ở huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang cho biết, năm nay, bệnh phân trắng xuất hiện khá nhiều làm cho tôm bị chậm lớn, người nuôi phải thu hoạch non để chốt lỗ vì không thể trị dứt điểm căn bệnh này. Anh Công chia sẻ: “Tôi nuôi theo mô hình ao tròn nổi của CP, với hệ thống xử lý nước rất nghiêm ngặt vậy mà dịch bệnh cũng len lỏi vào, nên vụ đầu coi như không có gì để thu hoạch. Vừa rồi, nhờ xài chung nguồn nước với Công ty Trung Sơn, tôi mới có đủ nước để thả lại vụ mới, chứ xung quanh hầu như hết mặn rồi”.

Như để chứng minh thêm về tác hại của bệnh phân trắng, anh Công kéo anh bạn đi cùng lại và nói: “Như ông này nè, thả tới 2 triệu post tôm thẻ mà thu hoạch chỉ có 8 tấn tôm cỡ 46 – 50 con/kg vì dính bệnh phân trắng. Vậy cũng coi là may rồi đó, vì nhiều người nuôi tôm chưa kịp lớn đành phải hủy bỏ toàn bộ để tránh lây lan dịch bệnh”.

Tại xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú (Bến Tre), hôm chúng tôi đến chỉ mới đầu tháng 6 nhưng độ mặn trên hệ thống kênh rạch ở đây đều đã không còn. Ngay cả con sông Cổ Chiên đoạn tiếp giáp với biển muốn tìm nơi có độ mặn dù chỉ 3‰ để lấy nước vào nuôi tôm cũng là vấn đề nan giải. Ông Phan Đức Quỳ – chủ một trại nuôi tôm công nghệ cao theo mô hình CP rộng trên 8ha than: “Từ tháng 5, ở đây đã không còn mặn nữa, nên tôi buộc phải dành ra một số ao để trữ nước mặn, chứ nếu không giờ không biết lấy nước mặn đâu để nuôi”. Còn theo ông Trần Quốc Quang – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), ngay từ đầu vụ, tình hình đã bất lợi khi độ mặn trên kênh Chàng Ré chỉ quanh quẩn mức 2‰ và không lâu sau đã bằng 0.

Ngay từ khi phát hiện sự tuột giảm bất thường của độ mặn trên hệ thống kênh rạch phục vụ nuôi tôm, ngành chức năng và chính quyền địa phương liên tục có những cảnh báo và khuyến cáo phù hợp đến người nuôi tôm. Tại Sóc Trăng, các bản tin thông báo kết quả quan trắc môi trường hàng tuần bao giờ cũng đính kèm lời khuyên thận trọng và các giải pháp xử lý phù hợp. Theo đó, để đảm bảo nguồn nước đủ độ mặn cho tôm nước lợ ở vụ nuôi này, Chi cục Thủy sản khuyến cáo người nuôi tôm nên nuôi theo quy trình có tuần hoàn nước và tái xử lý, sử dụng lại nguồn nước từ vụ nuôi trước có độ mặn còn đảm bảo từ 5‰ trở lên; đồng thời, điều chỉnh các yếu tố môi trường khác về ngưỡng thích hợp trước khi thả tôm và chỉ nên thả nuôi với mật độ vừa phải để đảm bảo tốc độ tăng trưởng của tôm nuôi.

Hiện đang trong giai đoạn mùa mưa, các yếu tố môi trường dễ biến động, đồng thời diễn biến dịch bệnh trên tôm nước lợ cũng đang diễn ra rất khó lường, nhất là bệnh hoại tử gan tụy cấp, vi bào tử trùng EHP, đốm trắng, phân trắng trong mùa mưa này, nên chi cục thủy sản, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh đều khuyến cáo người nuôi cần lưu ý một số vấn đề kỹ thuật trong cải tạo ao và quản lý môi trường, dịch bệnh trong giai đoạn mùa mưa. Nếu điều kiện nguồn nước quá khó khăn, người nuôi nên tạm ngưng thả giống, tìm đối tượng nuôi khác phù hợp hơn.

Diễn biến thời tiết, môi trường, dịch bệnh từ nay đến cuối năm vẫn là những bất lợi cho người nuôi tôm và giải pháp thích ứng hiệu quả nhất hiện nay được đa số người nuôi áp dụng là nuôi theo quy trình tuần hoàn nước và thả nuôi với mật độ thưa. Anh Công ở Kiên Lương chia sẻ: “Dù là mô hình ao tròn nổi của CP, nhưng đợt thả lại này tôi chỉ dám nuôi với mật độ 150 con/m2 bằng tôm giống thích nghi với độ mặn thấp của công ty CP để đảm bảo đủ khoáng cho tôm sinh trưởng và phát triển. Mặt khác, cũng để thu tôm cỡ lớn bán có giá cao, lợi nhuận nhiều hơn”. Cùng áp dụng giải pháp thả thưa như anh Công, ông Phan Đức Quỳ cho biết: “Ngoài việc trữ nước mặn, tôi còn nuôi tuần hoàn nước và chỉ thả với mật độ 150 con/m2, dù công ty đang khuyến mãi con giống rất lớn”.

Theo dự báo của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm, giá tôm từ nay đến cuối năm nhiều khả năng vẫn giữ được mức tốt, nhưng người nuôi tôm vẫn thận trọng chưa dám mạnh tay thả giống bởi các điều kiện nuôi hầu như đều bất lợi. Đây là sự thận trọng cần thiết để giúp cho vụ tôm năm 2022 có được một cái kết đúng như kỳ vọng.

TÍCH CHU

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng