Cán bộ đoàn năng động trong phát triển kinh tế
Cán bộ đoàn năng động trong phát triển kinh tế

Mô hình phát triển kinh tế của anh Trương Hoàng An.

Năm 2012, Trương Hoàng An tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội. Cầm tấm bằng cử nhân trên tay, anh háo hức làm hồ sơ gửi đến xin việc tại các trường học trên địa bàn tỉnh nhưng không có kết quả. Hai năm sau khi ra trường, chàng trai trẻ vẫn loay hoay tìm cho mình hướng đi riêng. Khoảng thời gian đó có thể coi là “khủng hoảng” với anh khi mà ước mơ được trở thành thầy giáo dần đi vào bế tắc. Tuy nhiên, những khó khăn trước mắt không làm An nản lòng, anh nói: không có duyên với nghề “gõ đầu trẻ” thì mình sẽ cố gắng phấn đấu ở lĩnh vực khác, miễn là làm ra kinh tế để tích lũy cho bản thân và giúp đỡ được bố mẹ.

Với tinh thần quyết tâm vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình, đến năm 2015,khi UBND xã thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, anh xin phép bố mẹ tận dụng ngay diện tích đất ruộng của nhà để đào 1800m2 ao làm khu chuyên nuôi cá giống. Ngoài ra, khu nuôi cá thịt cũng có diện tích lên tới 2.800m2, đảm bảo môi trường cho cá sinh trưởng. Ban đầu, anh An dự định sẽ nuôi những loại có giá trị kinh tế cao, có thể tiêu thụ tốt trên thị trường. Tuy nhiên, qua tìm hiểu tình hình thực tế các hộ nuôi cá ở địa phương và thăm quan mô hình nhiều nơi, anh nhận định : Nuôi những con có giá trị cao thì phải đầu tư mạnh, đồng thời chấp nhận rủi ro lớn. Chính vì thế, anh quyết định chuyển hướng sang phát triển mô hình nuôi cá trắm cỏ vì đây là loại dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, chúng không kén ăn, sức đề kháng tốt lại cho năng suất cao.

Tuy nuôi cá trắm cỏ không khó nhưng để chúng cho hiệu quả kinh tế cao không phải ai cũng làm được. Trên thực tế, trước đây gia đình anh An cũng nuôi cá dưới hình thức manh mún nên khi bắt đầu nuôi trên quy mô lớn, anh đã phải nỗ lực rất nhiều để tính toán và thích nghi với hình thức nuôi mới. Anh chia sẻ: Điều quan trọng nhất khi nuôi cá trắm cỏ nói riêng và các loại cá nói chung là nguồn nước và cách cho ăn. Do nhà anh không nằm gần sông nên việc thay tháo nước hoàn toàn phụ thuộc vào lượng mưa hàng năm. Đây cũng là hạn chế mà anh đang tìm cách khắc phục trong thời gian tới. Ngoài ra, nên thả cá với mất độ 2m2/con để đảm bảo không gian thích hợp cho đàn cá. Khi cho cá ăn cần đưa thức ăn xuống thành nhiều đợt để đảm bảo tất cả cá đều được ăn. Thức ăn ưa thích của cá trắm cỏ là cỏ voi, tàu chuối, bèo tây. Vì vậy, ngoài cho cá ăn cám, anh An còn trồng thêm 2 sào cỏ voi để cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho chúng. Hơn nữa, hàng ngày cần quan sát hoạt động của cá, theo dõi mức độ tiêu thụ thức ăn để điều chỉnh cho phù hợp theo sự thay đổi của thời tiết. Hôm nào trời nắng thì cho cá ăn nhiều hơn một chút, nhưng khi tình hình thời tiết có dấu hiệu thay đổi thất thường thì phải cho ăn ít đi. Nếu không thực hiện đúng quy trình cho ăn thì lượng ô xi trong nước dễ giảm mạnh, dẫn đến chết cá. Đây cũng là bài học “xương máu” cho chính anh An, bởi mới năm ngoái thôi, anh đã mất hơn 4 tạ cá trong một buổi sáng vì cho ăn sai cách. Thiệt hại ước tính khoảng trên 20 triệu đồng.

Hiện tại, sau gần 3 năm gắn bó với mô hình nuôi cá trắm cỏ, anh đã có nguồn thu nhập ổn định, giúp đỡ được bố mẹ, cải thiện cuộc sống gia đình. Mỗi năm, anh xuất 1,5 tấn cá thịt và khoảng 5 lứa cá giống ra thị trường. Nhờ chăm sóc tốt mà cá trắm cỏ nhà anh đạt trung bình từ 3 – 3,5kg/con và bán cho thương lai với giá 55 nghìn đồng/kg. Tổng doanh thu một năm là 120 triệu đồng. Như vậy, Trương Hoàng An đã dần hiện thực hóa ước mơ vươn lên phát triển kinh tế bằng chính bàn tay và khối óc của mình

Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, anh còn là cán bộ đoàn tích cực, nhiệt tình trong các hoạt động tập thể. Nhờ miệt mài phấn đấu, Hoàng An được tin tưởng giao nhiệm vụ là Phó Bí thư đoàn xã Khánh Thủy từ năm 2015. Bận rộn là thế nhưng Hoàng An luôn nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động đoàn viên, thanh niên cống hiến sức trẻ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhờ mô hình phát triển kinh tế của anh mà nhiều thanh niên trên địa bàn thêm niềm tin trong phong trào phát triển sản xuất, tự tin lập thân, lập nghiệp trên chính quê hương.

Trong thời gian tới, Trương Hoàng An cho biết anh sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng mô hình. Đồng thời đầu tư thêm máy móc cải tạo hệ thống phun nước tạo khí oxi và khoan giếng để thay nước trong ao. Ngoài ra, anh cũng dự định sẽ quy hoạch lại diện tích vườn để trồng cây đinh lăng với quy mô lớn.

Vân Anh
Nguồn: Báo Ninh Bình