Các bệnh thường gặp và biện pháp phòng bệnh trên tôm càng xanh

1. Bệnh đen mang

Bệnh đen mang trên tôm càng xanh (Ảnh: nuoitomantoan.vn)

  • Nguyên nhân: do nền đáy ao bẩn, môi trường nước ô nhiễm, chứa nhiều chất thải hữu cơ, pH thấp; do tảo, sinh vật bám, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng; hoặc do thiếu vitamin C.
  • Giai đoạn nhạy cảm với bệnh:bệnh thường xảy ra trên tôm trưởng thành hoặc có thể xuất hiện từ 5 – 8 ngày trong chu kỳ phát triển của ấu trùng.
  • Biểu hiện: Tôm thường bị nổi đầu do thiếu oxy, tấp mé, bơi lờ đờ trên mặt nước, tôm bị bệnh thường ít hoạt động. Mang tôm chuyển từ màu đỏ đến màu nâu sáng và cuối cùng là màu đen. Các mô ở mang bị tổn thương, toàn bộ tơ mang bị phá hủy. Khi soi trên kính hiển vi sẽ thấy xuất hiện nhiều chấm đen trên các tấm mang.

 

Phòng bệnh:  

  • Mật độ nuôi phù hợp kết hợp nuôi tôm an toàn sinh học.
  • Chuẩn bị ao nuôi đúng quy trình, tiến hành cải tạo, lắng lọc nước thật kỹ trước khi cấp nước vào ao.
  • Kiểm soát lượng thức ăn, tránh để lượng thức ăn dư thừa.
  • Bổ sung vitamin và men tiêu hóa vào thức ăn tăng cường sức đề kháng cho tôm.
  • Tăng cường sục khí để đảm bảo hàm lượng oxy hoà tan trong nước.
  • Định kỳ dùng chế phẩm sinh học nhằm phân hủy thức ăn dư thừa và chất thải trong ao nuôi, cải thiện môi trường nước.

 

2. Bệnh đục cơ

  • Nguyên nhân: Tác nhân chính là do vi khuẩn Lactococcus garvieae gây ra, thường phụ thuộc vào các yếu tố gây sốc trong môi trường như sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, độ mặn, pH trong môi trường ao nuôi.
  • Giai đoạn nhạy cảm với bệnh: Bệnh thường xảy ra ở giai đoạn tôm giống và thường xuất hiện và tháng 4-6 hàng năm.
  • Biểu hiện: tôm bơi lờ đờ, có dấu hiệu giảm ăn, giảm vận động, ngừng lột xác, phần bụng chuyển sang mờ đục. Sau đó lan rộng ra toàn thân và đầu tôm. Khi bệnh nặng sẽ gây hoại tử phần đuôi tôm. Tôm bị bệnh đục cơ sẽ chết rất nhanh.
  • Ở giai đoạn ấu trùng khi mắc bệnh tôm có thể chết từ 30-100% chỉ trong thời gian ngắn và gây thiệt hại nghiêm trọng.

 

Phòng bệnh:

  • Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh nên chủ yếu phòng ngừa là chính.
  • Thường xuyên kiểm tra các thông số môi trường và điều chỉnh phù hợp, tránh để tôm bị sốc nhiệt.
  • Định kỳ bổ sung chế phẩm sinh học cải thiện chất lượng nước
  • Thường xuyên bổ sung vitamin C, khoáng chất cần thiết để tăng cường đề kháng cho tôm.

 

3. Bệnh đóng rong trên tôm càng xanh

  • Nguyên nhân: môi trường nước xấu, thức ăn không đảm bảo chất lượng cũng như là số lượng. Môi trường nước bị ô nhiễm, tạo điều kiện cơ hội cho vi khuẩn và tảo phát triển gây bệnh trên tôm.
  • Biểu hiện của bệnh: Khi bị mắc bệnh quan sát tôm thấy lớp tảo, rong bám khắp mình tôm. Tôm bệnh nặng sẽ khó di chuyển và không thể lột xác được. Lúc này quá trình trao đổi khí của tôm sẽ diễn ra khó khăn và làm tôm chết khi hàm lượng oxy thấp.

 

Phòng bệnh:

  • Để phòng bệnh đóng rong ở tôm càng xanh người nuôi cần giữ môi trường nước ao nuôi tốt, cho ăn hợp lý tránh sự lưu lại nhiều chất hữu cơ ở lớp bùn đáy ao, đồng thời bổ sung khoáng chất kích thích tôm lột xác.
  • Định kỳ sử dụng chế phẩm vi sinh cải thiện chất lượng nước, xử lý chất thải dư thừa dưới đáy ao nuôi.

 

4. Bệnh đốm nâu

Bệnh đóm nâu trên tôm càng xanh (Ảnh: tincay.com)

  • Nguyên nhân: do vi khuẩn và môi trường nước kém chất lượng
  • Giai đoạn nhạy cảm với bệnh: Bệnh đốm nâu xuất hiện quanh năm và tấn công cả tôm ấu trùng lẫn tôm trưởng thành. Tuy nhiên, tỷ lệ chết của tôm ấu trùng khi nhiễm bệnh cao hơn tôm trưởng thành.
  • Biểu hiện: Trên mình tôm xuất hiện nhiều đốm nâu to nhỏ khác nhau, những đốm này trước màu nâu sau trở sang đen và xuất hiện dưới lớp vỏ kitin và lớp biểu mô của tôm. Tôm bị bệnh kém ăn, hoạt động chậm, xuất hiện các tổn thương bị melanin hóa.

 

Phòng bệnh:

  • Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị về bệnh này nên phòng bệnh là chủ yếu.
  • Quản lý tốt chất lượng nước trong ao, không cho ăn loại thức ăn ôi thiu hay đã bị nấm mốc.
  • Thường xuyên thay nước, thả tôm với mật độ vừa phải.
  • Định kỳ sử dụng chế phẩm vi sinh để cải thiện chất lượng nước, ngăn ngừa sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh
  • Ngoài ra, bổ sung dinh dưỡng vitamin C và khoáng chất giúp tăng cường đề kháng cho tôm.

 

5. Bệnh tôm lột xác dính vỏ

  • Nguyên nhân: không xác định được rõ ràng, có thể do hàm lượng khí độc trong bể nuôi cao; tôm thiếu dinh dưỡng, khoáng; lượng oxy trong ao thấp.
  • Giai đoạn nhạy cảm với bệnh: Ấu trùng tôm từ 10 – 22 ngày.
  • Biểu hiện: khi ấu trùng lột xác vỏ bị dính lại ở chủy (dạng nhẹ), dính ở chân ngực, không bơi được và chết. Trong giai đoạn lột xác vỏ bị dính lại ở chủy (dạng nhẹ), dính ở chân ngực khiến ấu trùng không bơi được và chết. Bệnh xảy ra chủ yếu vào ban đêm khi tôm lột xác. Tỷ lệ tôm lột xác bị dính thường từ 10 – 30%.

 

Phòng bệnh:

  • Định kỳ thay nước, cho ăn hợp lý
  • Thường xuyên theo dõi và kiểm tra các thông số môi trường và sức khỏe của tôm
  • Bổ sung khoáng vào thức ăn cho tôm
  • Bổ sung formalin 10 – 15 ppm kích thích tôm dễ lột xác, cho thêm lecithin vào trong thức ăn, giúp hạn chế mắc bệnh.

Thu Hiền (Tổng hợp)