Cà Mau có mô hình tôm – lúa đạt chứng nhận ASC đầu tiên trong cả nước

Chiều ngày 27/10, UBND huyện Thới Bình phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) và Công ty TNHH xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú tổ chức Hội nghị tổng kết và chia sẻ mô hình tôm sú – lúa đạt chứng nhận ASC Group tại xã Trí Lực.

Xã Trí Lực có diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 2.900 ha, trong đó có 700 ha sản xuất tôm – lúa sản xuất theo hướng sinh thái, hữu cơ. Năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Trí Lực liên kết với Công ty TNHH xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú đăng ký tham gia ký hợp đồng và thực hiện đánh giá nuôi theo tiêu chuẩn ASC. Qua hơn 3 năm thực hiện, có 252 hộ dân với diện tích gần 565 ha sản xuất tôm – lúa đạt chứng nhận quốc tế ASC.

Với chứng nhận này, con tôm và hạt gạo được xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ khó tính.

Theo đó, con tôm nuôi của HTX được Công ty TNHH xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú cam kết thu mua với giá cao hơn giá thị trường 3.000 đồng/kg.

Ngoài con tôm, HTX Trí Lực còn cung cấp dịch vụ thu mua giống lúa ST24, ST25 hữu cơ cho 3 doanh nghiệp: Tấn Vương, Cỏ Mây và Gạo Ông Thọ, đạt tiêu chuẩn hữu cơ EU năm 2019 với diện tích 200 ha và năm 2021 là 300 ha, xây dựng nhãn hiệu gạo an toàn Hoàng Yến phân phối ra thị trường nhằm tăng thêm thu nhập cho bà con.

Ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, đánh giá: Đây là mô hình sản xuất bền vững, không sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chất lượng sản phẩm đươc nhiều thị trường khó tính ưu chuộng. Ngoài ra, người dân còn kết hợp nuôi cùng lúc với nhiều loài thủy sản khác như tôm càng xanh, cua, cá… để tăng thêm lợi nhuận trên cùng diện tích.

Mô hình canh tác luân canh tôm – lúa hạn chế ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Định hướng sản xuất trong thời gian tới, ông Nguyễn Công Quốc, Phó Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản, cho biết, theo quy hoạch tôm – lúa theo hướng sinh thái, hữu cơ, đến năm 2025 toàn tỉnh có 45.000 ha, đến năm 2030 giảm xuống còn 40.300 ha. Phấn đấu đến năm 2030 có 100% diện tích tôm – lúa đạt được các chứng nhận quốc tế (hữu cơ, ASC).

Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin: “Đây là mô hình sản xuất tôm – lúa đạt chứng nhận quốc tế ASC đầu tiên tại tỉnh Cà Mau và trong cả nước. ASC là bộ tiêu chuẩn dựa trên các nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm được Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan quản lý”.

Ông Châu Công Bằng cho biết thêm, toàn tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản trên 302.000 ha, trong đó có trên 280 ha nuôi tôm nước lợ, con tôm Cà Mau đã được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận như ASC, B.A.P, GlobalGAP, EU, Naturland. Chứng nhận quốc tế ASC là giấy thông hành để con tôm Cà Mau xuất khẩu qua các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU… Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục mở rộng mô mình sản xuất tôm – lúa đạt chứng nhận quốc tế ASC đến xã Biển Bạch và Trí Phải, huyện Thới Bình với diện tích 10.000 ha đạt chứng nhận này./.

Trung Đỉnh

Nguồn tin: Báo Cà Mau