Bột ruồi lính đen: Cải thiện sức khỏe của tôm thẻ chân trắng

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Thay thế bột cá bằng bột ấu trùng ruồi lính đen lên đến 20% có thể cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột của tôm, kháng bệnh do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) mà không có tác dụng phụ trên tôm thẻ chân trắng.

Thí nghiệm được tiến hành tại Đại học Đại dương Quảng Đông, Trạm Giang, Trung Quốc với tôm thẻ chân trắng (L. vannamei) có nguồn gốc từ trại sản xuất giống địa phương. Tôm được cho ăn thức ăn công nghiệp (protein thô 48%, chất béo thô 8%) và thích nghi với các điều kiện thí nghiệm trong một tuần.

Tôm được cho ăn bột ấu trùng ruồi lính đen (BSF) chứa 35,17% protein thô và 32,6% lipid thô. Chế độ ăn cơ bản được xây dựng để chứa 25% bột cá và sau đó bột cá được thay thế bằng bột BSF với 10, 20 và 30% protein bột cá; những chế độ ăn này được gọi tương ứng là FM, BSF10, BSF20 và BSF30. Với sự gia tăng của việc bổ sung BSF, mức dầu cá, dầu đậu nành và lecithin đậu nành đã giảm dần để cân bằng mức lipid thô trong 4 chế độ ăn.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả cho thấy tôm tăng trưởng tốt hơn nhờ thay thế 20% bột cá bằng bột ấu trùng ruồi lính đen (BSF) và việc thay thế 30% bột cá làm giảm đáng kể trọng lượng cơ thể cuối cùng và tốc độ tăng trưởng cụ thể của tôm. Do hàm lượng lipid cao (10 đến 40%), bột BSF thường được chế biến bằng phương pháp tách dầu thành các thành phần giàu protein để giảm thiểu nguy cơ oxy hóa chất béo và thay đổi thành phần.

Hệ thống miễn dịch không đặc hiệu của tôm đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại sự xâm nhập của mầm bệnh. Để đánh giá hiệu quả của bột BSF trong chế độ ăn đối với khả năng kháng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh AHPND, tiến hành một thử nghiệm cảm nhiễm để so sánh khả năng kháng bệnh của tôm được cho ăn các chế độ ăn có chứa các hàm lượng bột BSF khác nhau. Kết quả cho thấy tỷ lệ sống của tôm được nuôi bằng BSF10 cao hơn đáng kể so với tôm được cho ăn bằng bột cá sau khi nhiễm bệnh, cho thấy rằng việc thay thế 10% bột cá bằng BSF có thể cải thiện khả năng kháng V. parahaemolyticus của tôm thẻ chân trắng.

Ngoài khả năng bảo vệ miễn dịch của tôm, hệ vi sinh vật đường ruột đã được phát hiện có ảnh hưởng đến sức khỏe, sự tăng trưởng và tỷ lệ sống của động vật, và ngày càng được các nhà nghiên cứu và nhà sản xuất quan tâm. Kiểm tra hệ vi sinh vật đường ruột của tôm được nuôi bằng chế độ ăn FM, BSF20 và BSF30, kết quả cho thấy, không có sự khác biệt đáng kể về sự đa dạng của cộng đồng vi sinh vật đường ruột ở tôm được nuôi bằng chế độ ăn FM, BSF20 và BSF30. Ở cấp độ ngành, Proteobacteria là vi khuẩn phổ biến nhất trong ruột tôm, tiếp theo là Bacteroidetes, FirmicutesActinobacteria. Dựa trên kết quả này, việc tăng vi khuẩn có lợi và giảm vi khuẩn có hại cho thấy chế độ ăn BSF20 có thể cải thiện cộng đồng vi khuẩn đường ruột của tôm thẻ chân trắng.

Quan điểm

Nghiên cứu đã đánh giá tác động của bột ấu trùng ruồi lính đen BSF trong chế độ ăn đối với sự tăng trưởng, sức khỏe đường ruột và tính mẫn cảm với V. parahaemolyticus của tôm thẻ chân trắng L. vannamei. Kết quả cho thấy việc thay thế 10% bột cá bằng bột BSF không ảnh hưởng đến hiệu suất tăng trưởng và mô học đường ruột của tôm và cải thiện tỷ lệ sống sau khi nhiễm vi khuẩn. Việc thay thế 20% bột cá không có tác động tiêu cực nào đến tính toàn vẹn của đường ruột tôm và thúc đẩy sự điều hòa tích cực trong hệ vi sinh vật đường ruột. Tuy nhiên, tỷ lệ thay thế bột cá cao hơn, lên tới 30%, đã thúc đẩy quá trình thoái hóa và chết theo chương trình (apoptosis) của tế bào ruột và gây bất lợi cho tôm.

Ngọc Anh (Lược dịch)