Bình Định và kỳ vọng trở thành ‘thủ phủ’ tôm giống miền Trung

Dù là địa phương ven biển có nhiều đầm, vịnh nhưng Bình Định không có nhiều ưu thế để nuôi biển như các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Diện tích nuôi trồng thủy sản của cả tỉnh Bình Định là hơn 3.500ha, nhưng diện tích nuôi biển như tôm hùm chỉ có 60ha.

Dù là địa phương ven biển có nhiều đầm, vịnh nhưng Bình Định lại không có nhiều ưu thế để nuôi biển như các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa.

Diện tích nuôi trồng thủy sản của cả tỉnh Bình Định là hơn 3.500ha, nhưng diện tích nuôi biển như tôm hùm, cá mú chỉ có 60ha vì đầm, vịnh kín gió nên độ mặn không ổn định, chỉ có vùng biển ngoài xa mới có độ mặn ổn định, trong khi cách nuôi của bà con lâu nay vẫn là truyền thống thì chưa thể “vươn khơi” nuôi biển được.

Trong điều kiện như thế, Bình Định tìm cách đi riêng để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản cho mình. Tỉnh tập trung nuôi trồng thủy sản nước lợ, đặc biệt là con tôm thẻ, theo hướng công nghệ cao. Đến nay, diện tích nuôi tôm nước lợ của Bình Định khoảng 2.200ha.

Từ năm 2005, Công ty cổ phần Việt – Úc Bình Định được Tập đoàn Thủy sản Việt – Úc đầu tư xây dựng trên diện tích 8ha tại huyện Phù Mỹ để sản xuất giống tôm thẻ chất lượng cao.

Công suất sản xuất của công ty mỗi năm là 5 tỉ con, cung cấp cho thị trường từ tỉnh Phú Yên đến tỉnh Quảng Bình, riêng ở Bình Định công ty này cung ứng 25% thị phần tôm giống.

Tôm giống do công ty này sản xuất được người nuôi phản hồi tốt, nhất là phát triển tốt trong môi trường nuôi có độ mặn thấp, lại chịu lạnh tốt, giúp sản lượng thu hoạch của người nuôi đạt cao.

Không chỉ sản xuất giống, Tập đoàn Thủy sản Việt – Úc cũng đầu tư tại Bình Định một doanh nghiệp nuôi tôm thương phẩm chất lượng cao là Công ty TNHH Việt – Úc Phù Mỹ vào năm 2016 để thực hiện chuỗi khép kín: tôm bố mẹ – tôm giống – tôm thương phẩm.

Đến nay, công ty này đã xây dựng 10 nhà màng, 49 nhà lưới, nuôi tôm thẻ theo công nghệ hiện đại biofloc và semi-biofloc, mỗi năm đạt sản lượng 1.200-1.600 tấn tôm thương phẩm.

Ngoài ra tại Bình Định hiện nay còn có Chi nhánh Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, hoạt động sản xuất giống tôm thẻ từ năm 2008.

Công suất sản xuất mỗi năm của chi nhánh công ty này là 4 tỉ con tôm post, cung cấp cho thị trường từ Phú Yên đến Quảng Nam. Riêng năm 2022, chi nhánh đã sản xuất được 2,5 tỉ con tôm giống.

Với những ưu nhược điểm về điều kiện tự nhiên, địa hình, Bình Định đã khéo léo tận dụng thế mạnh, tìm cách đi riêng để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản cho mình và đang trong hành trình vươn đến mục tiêu là trở thành thủ phủ tôm giống miền Trung.

Nguồn: Tuổi trẻ Online