Bất ngờ nuôi tôm trên ruộng muối

Tận dụng những ruộng muối bỏ hoang, không sản xuất mùa mưa, nhiều người dân Bà Rịa – Vũng Tàu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi tôm cho hiệu quả bất ngờ…

Gia tăng thu nhập

Chúng tôi tìm đến vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao phường 12, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) đúng thời điểm một số ao tôm sú đang bắt đầu thu hoạch. Tại khu vực này, ông Lê Quang Hùng, ở khu phố 4, là hộ dân nhiều năm liền thành công với mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC trên ruộng muối.

Nuôi tôm trên ruộng muối

Dẫn chúng tôi đi tham quan ao nuôi tôm sú nhà mình, ông Hùng vui vẻ chia sẻ: “Tôi đã nuôi tôm sú hơn chục năm qua và đến nay chưa bỏ vụ nào. Trước đây, tôi đã từng phải bỏ nghề làm muối để chuyển sang nuôi thủy sản và sau đó gắn bó sống chết với con tôm sú. Cuộc sống của gia đình tôi cũng khá hơn, mấy đứa con đang học đại học cũng đều nhờ vào những ao nuôi tôm này đấy!”.

Theo ông Hùng, thời gian đầu nhờ được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh chuyển giao kỹ thuật, ông bắt đầu làm quen với nghề nuôi tôm sú. Thay vì đến mùa mưa, ruộng muối phải bỏ hoang, ông đã tận dụng để triển khai nuôi tôm trên 2.700 m2 ruộng muối. Lúc đầu, cứ mùa nắng ông làm muối, đến mùa mưa lại nuôi tôm.

Ngay vụ đầu tiên, gia đình ông đã thu lãi gần 20 triệu đồng. Thấy nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao hơn làm muối, ông Hùng thuê thêm đất ruộng để đầu tư mở rộng diện tích nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến rồi đến nuôi bán thâm canh.

Năm 2018, ông Hùng quyết định đầu tư cải tạo mô hình nuôi tôm sú thâm canh và ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 1,5 ha, trong đó ao trực tiếp nuôi (khoảng 1 ha) và nuôi luân canh trên ruộng muối, mỗi năm gia đình ông thu về trên dưới 1 tỉ đồng.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao lót vải bạt, ôxy, máy móc thiết bị đầy đủ sẽ cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi ao đất và nuôi truyền thống. Hơn nữa, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ít bị rủi ro và thời vụ có thể nâng từ 2-3 vụ/năm.

Tuy nhiên, việc đầu tư cho quy trình đòi hỏi rất nghiêm ngặt. Các ao phải xây dựng thiết kế lót vải bạt xung quanh bờ và đáy ao, làm hố xi phông đáy, sử dụng lưới lan để che, hệ thống cung cấp ôxy được thiết kế bằng các giàn quạt nước và máy nén khí truyền qua hệ thống ống nhựa được lắp sẵn ở đáy ao…

Nhớ lại thời điểm khoảng 10 năm trước, ông Hùng kể: Khu vực này trước đây chủ yếu là ruộng muối, ông và bà con ở đây chỉ biết gắn bó với nghề làm muối, cuộc sống quanh năm cơ cực. Tuy nhiên, từ khi con tôm sú xuất hiện đã làm thay đổi phận đời diêm nghiệp như ông.

Từ đó, ông vận động bà con học hỏi kỹ thuật chuyển dần sang nuôi tôm và đã phát triển tới gần 100 ha, với hơn 70 hộ tham gia. Đồng thời, nhiều dịch vụ nuôi trồng thủy sản cũng theo đó phát triển khá rầm rộ.

Nhìn quy cách ông Hùng nuôi tôm mới nhận thấy tư duy và tâm huyết của ông với nghề nuôi thủy sản rất bài bản. Từ lịch thả con giống, đến giờ giấc cho tôm ăn, kiểm tra định kỳ theo dõi bệnh tôm và kích cỡ con tôm lớn để chủ động căn chuẩn liều lượng thức ăn cũng như ngày xuất bán. Tất cả đều được ông ghi chép nhật ký rất đầy đủ và thể hiện công khai trên tấm bảng treo trong lán trại ven ao nuôi.

Việc duy trì mô hình nuôi tôm sú đến nay với ông Hùng không chỉ là yếu tố kinh tế, mà còn là tâm huyết muốn phát triển thành vùng nuôi thủy sản công nghệ cao trên nền đất muối hoang hóa. “Nếu biết kết hợp giữa làm muối vào mùa nắng và nuôi tôm trong mùa mưa, người nông dân sẽ có thu nhập khá và ổn định”, ông Hùng nói.

(Theo NNVN)