Bạc Liêu: Quyết tâm trở thành ‘thủ phủ’ ngành công nghiệp tôm của cả nước

Bạc Liêu đặt ra quyết tâm trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước. Đến nay, tỉnh đã hoàn thiện giai đoạn 1, chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2.

Ông Lê Tấn Cận Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Thủ phủ ngành công nghiệp tôm của cả nước

Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, xác định, Để xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước theo kỳ vọng của Thủ tướng Chính Phủ, tỉnh Bạc Liêu cần thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau.

Thứ nhất: Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/7/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2021-2025.

Thứ hai: Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Đồng thời, nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn trong dân. Thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát chủ động đối với ao nuôi và kênh cấp đối với vùng đệm và các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm.

Thứ ba: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng vật tư phục vụ sản xuất thủy sản, về quản lý môi trường; công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh và chất lượng giống. Tiếp tục củng cố, phát triển các cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh đáp ứng nhu cầu tôm giống phục vụ sản xuất trong và ngoài tỉnh.

Bạc Liêu quyết tâm trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước. Ảnh: Trọng Linh.

Thứ tư: Đẩy mạnh sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm thủy sản; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với sản phẩm thủy sản chủ lực, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh sản phẩm tôm trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thứ năm: Mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh; phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng, mô hình tôm – lúa.

Xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ với các sản phẩm chủ lực, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện xác định và cấp mã số định danh vùng nuôi, mã số ao nuôi, truy xuất nguồn gốc thủy sản. Đồng thời, phát triển sản xuất “lúa thơm, tôm sạch”.

Thứ sáu: Phối hợp các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương và người dân xây dựng HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc lĩnh vực thủy sản (1-2 HTX); xây dựng nhãn hiệu, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm tôm của tỉnh mang thương hiệu tôm Bạc Liêu.

Theo ông Lê Tấn Cận, ngoài các nhiệm vụ trên thì tỉnh Bạc Liêu sẽ sớm đầu tư Dự án hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng phía Nam Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu. Đẩy mạnh đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ vùng nuôi trồng thủy sản và vùng sản xuất giống thủy sản tập trung.

Đồng thời, kêu gọi thu hút đầu tư các dự án trọng điểm ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, hữu cơ, an toàn trong sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến tôm; tổ chức sản xuất theo hình thức Tổ hợp tác, Hợp tác xã, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm ngành tôm.


Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu – Lữ Văn Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Lê Thị Ái Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu – Phạm Văn Thiều đến kiểm tra tiến đọ xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển Tôm Bạc Liêu. Ảnh: CTV.

Ông Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, cho biết: Đến nay công trình đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Đồng thời, đã tuyển chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào Khu, chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2. Tiếp tục tạo điều kiện tuyển chọn các công ty, doanh nghiệp có đủ nguồn lực đầu tư vào Khu.

Theo ông Minh, sau tết Nguyên Đán sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”(tổ chức trong quý I/2022), nhằm đánh giá kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân hạn chế tồn tại, có các giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới, để đến năm 2025 Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


Tỉnh Bạc Liêu quyết tâm xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa để nhân dân có cuộc sống sung túc.. Ảnh: Trọng Linh.

Xây dựng NTM toàn diện

Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Đầu năm xuân Nhâm Dần 2022, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Ngành nông nghiệp triển khai thực hiện nhiều nội dung quan trọng trong năm 2022. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các đột phá đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, đẩy mạnh sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các sản phẩm chủ lực, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo.

Ngoài ra, tập trung xây dựng và phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn và liên kết bao tiêu lúa gạo. Xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, phát triển thương hiệu lúa gạo, tôm chất lượng cao mang thương hiệu Bạc Liêu. Tăng cường hướng dẫn, cấp mã số vùng trồng, cơ sở nuôi tôm; xây dựng hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi bảo vệ sản xuất cho người nông dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cũng đề cấp vấn đề xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Theo ông Lê Tấn Cận, nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng thôn mới, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thích ứng với biển đổi khí hậu, đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn.

TRỌNG LINH

Nguồn tin: Nongnghiep.vn