Bắc Giang: Yên Dũng phát triển thủy sản theo hướng bền vững

Xác định thủy sản là một trong những ngành mũi nhọn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền, ngành chức năng huyện Yên Dũng (Bắc Giang) thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng.

Anh Trần Văn Tình (SN 1976) ở thôn Tân Cương, xã Thắng Cương (nay là thị trấn Nham Biền) nuôi cá từ năm 2014. Sau 6 năm, từ 7.000 m2, anh mở rộng quy mô lên gần 2 ha. Từ năm 2018 đến nay, được sự hỗ trợ của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), anh dành 1,2ha nuôi cá theo hướng VietGAP, bảo đảm an toàn sinh học.

Mô hình nuôi cá VietGAP của gia đình anh Trần Văn Tình, thị trấn Nham Biền.

Anh Tình cho biết: “Nuôi cá theo hướng VietGAP, tôi phải cập nhật thông tin quá trình nuôi trồng thủy sản hằng ngày, điều chỉnh chế độ chăm sóc để hạn chế phát sinh bệnh. Bên cạnh đó, việc xử lý môi trường nước bằng chế phẩm sinh học, lựa chọn thức ăn an toàn cho cá, đầu tư máy tạo ô-xy, máy cho cá ăn, thiết bị đo chỉ số môi trường… theo quy trình giúp tôi có thể nuôi với mật độ cao hơn, chất lượng cá cũng được nâng lên”. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị nên anh Tình trở thành một trong những người đi đầu trong nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Cuối tháng 2/2020, anh thu hơn 7 tấn cá, chủ yếu là cá trắm và chép trên diện tích chỉ 4.000 m2. Hiện mỗi năm anh nuôi hai vụ cá thịt (tổng diện tích 1,5 ha), tổng sản lượng đạt 60 tấn. Với giá bán trung bình 40 nghìn đồng/kg, anh thu về 2,4 tỷ đồng.

Hiện nay, toàn huyện có hơn 1 nghìn ha nuôi trồng thủy sản. Hằng năm, tổng sản lượng thủy sản khai thác đạt từ 5,5 đến 5,8 nghìn tấn. Theo tính toán, mỗi năm thủy sản mang lại cho huyện khoảng 200 tỷ đồng.

Trao đổi với ông Dương Văn Phong, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện được biết, hiện nay, toàn huyện có hơn 1.000 ha nuôi thủy sản. Mỗi năm, tổng sản lượng khai thác đạt từ 5,5 đến 5,8 nghìn tấn. Theo tính toán, mỗi năm thủy sản mang lại cho huyện nguồn thu khoảng 200 tỷ đồng. Có được kết quả trên là do UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu quy hoạch, xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Đến nay, toàn huyện có 5 vùng ở các xã Xuân Phú, Lão Hộ, Yên Lư, Đồng Phúc, Đồng Việt, diện tích mỗi vùng từ 15 đến 40 ha. Ngoài ra, có 8 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, góp phần tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm.

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Dũng phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh thường xuyên kiểm tra các chỉ số như: PH, nhiệt độ, NH3, H2S… từ đó hướng dẫn người nuôi thủy sản điều chỉnh chỉ số phù hợp với điều kiện thực tế. Để nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng bền vững, những năm qua huyện Yên Dũng liên tục điều chỉnh, mở rộng diện tích thâm canh. Đến nay, toàn huyện có khoảng 400 ha áp dụng phương pháp nuôi thâm canh. Sản lượng đạt từ 15 đến 20 tấn/ha, cao gấp rưỡi so với nuôi bán thâm canh.

Từ năm 2018, UBND huyện chỉ đạo triển khai nuôi cá theo hướng VietGAP tại xã Lão Hộ với diện tích hơn 10 ha. Mô hình này tiếp tục được nhân rộng ở các xã Đồng Việt, Yên Lư, Tư Mại, Đồng Phúc và thị trấn Nham Biền (khu Thắng Cương cũ) với tổng diện tích 35 ha. Người nuôi có sổ ghi chép theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cá; xử lý môi trường nước bằng chế phẩm sinh học và ứng dụng khoa học kỹ thuật nên sản lượng cá ở diện tích này luôn ở mức cao; thịt cá ngon hơn, sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, thuận lợi cho việc mở rộng thị trường tiêu thụ. Như ở xã Đồng Phúc, chỉ sau một năm thực hiện quy trình VietGAP trên diện tích gần 7 ha, hiệu quả nuôi trồng thủy sản được nâng lên rõ rệt. Mỗi ha đạt năng suất khoảng 18 tấn, cá nuôi trong diện tích này được bán với giá trị từ 40-50 nghìn/kg.

Trong bối cảnh diện tích nuôi trồng thủy sản có thể thu hẹp lại để phục vụ các dự án lớn, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu quy hoạch lại các vùng nuôi tập trung. Ngoài ra hình thành các chuỗi liên kết từ người chăn nuôi với các đơn vị cung ứng giống, vật tư, kỹ thuật. Tìm kiếm đơn vị cung ứng thực phẩm cho các bếp ăn tập thể trong các nhà máy, xí nghiệp nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm. Trước mắt, duy trì diện tích nuôi cá thâm canh, từng bước nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản hướng VietGAP (năm 2020 dự kiến triển khai hơn 10 ha ở xã Xuân Phú và Đức Giang). Bên cạnh các loại cá truyền thống còn nghiên cứu phát triển một số loại cá đặc sản, có thể xuất bán vào nhà hàng, siêu thị như cá chuối hoa, cá lăng… Có như vậy, việc nuôi trồng thủy sản ở Yên Dũng mới phát triển theo hướng bền vững, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của huyện những năm tới.

Theo: Báo Bắc Giang