Ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu đến nuôi trồng thủy sản

Thời tiết và khí hậu là những yếu tố chính ảnh hưởng đến tất cả các loại hình nông nghiệp bao gồm cả nuôi trồng thủy sản. Trong cuốn sổ tay khí tượng nông nghiệp của Tổ chức Khí tượng thế giới, rất dễ để tìm thấy thông tin về ảnh hưởng của nhiệt độ đối với nuôi trồng thủy sản, nhưng lại rất ít thông tin đề cập đến các biến số khác như khí hậu, thời tiết… 

Cần xem xét các yếu tố thời tiết, khí hậu trước khi xây dựng hệ thống ao nuôi

Nhiệt độ nước gây ra những hạn chế lớn trong nuôi trồng thủy sản, nhiệt độ nước trong hầu hết các hệ thống nuôi đều nằm trong tầm kiểm soát của khí hậu. Các loài nuôi cần được chọn lọc để thích nghi phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương và phạm vi nhiệt độ nước. Thời điểm thả giống cũng như thu hoạch cũng phụ thuộc vào nhiệt độ nước, điều này có thể hạn chế thời gian nuôi trồng thủy sản. Trong nuôi tôm, người ta biết rõ rằng tôm tăng trưởng nhanh ở mùa hè và tăng trưởng chậm khi mùa đông, dẫn đến thời gian nuôi vào mùa đông sẽ kéo dài hơn.

Cứ mỗi khi nhiệt độ tăng thêm 10oC, tốc độ của các phản ứng hóa học sẽ tăng lên 2-3 lần. Lý thuyết này cũng áp dụng cho các quá trình sinh lý điều chỉnh tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng của các loài thủy sinh sẽ tăng gần gấp đôi khi nhiệt độ tăng thêm 10oC trong phạm vi nhiệt độ tối ưu, tương đương với mức 10% tăng trưởng cho mỗi 1oC được tăng thêm. Tuy nhiên, khi vượt ngưỡng mức nhiệt độ tối ưu cho mỗi loài thì tốc độ tăng trưởng sẽ bị chậm lại.

Nhiều người cho rằng, lượng mưa sẽ làm tăng nồng độ oxy hòa tan trong ao, lượng mưa rơi xuống sẽ bão hòa với oxy hòa tan. Nhưng do lượng mưa rơi xuống không đủ lớn nên lượng oxy hòa tan được cung cấp rất ít. Thật vậy, một lượng mưa 10cm với nhiệt độ nước mưa 20oC sẽ cung cấp 9,070 g oxy hòa tan. Với một ao có độ sâu 1,5m, sẽ chỉ cung cấp được 0,60 mg/l oxy hòa tan, mà hầu như các trận mưa đều dưới 10cm.

Nhiệt độ nước cao dẫn đến nồng độ oxy hòa tan trong ao sẽ thấp. Ví dụ, ao nước ngọt có nhiệt độ 20oC có nồng độ oxy hòa tan là 9,07 mg/l. Nhưng khi tăng nhiệt độ ao lên 30oC, nồng độ oxy hòa tan sẽ giảm xuống còn 7,54 mg/l. Tuy nhiên, cả hai tình huống này đều đại diện cho độ bão hòa 100% với oxy hòa tan và động vật thủy sinh đáp ứng với tỷ lệ độ bão hòa của oxy hòa tan thay vì nồng độ (mg/L) oxy hòa tan. Tất nhiên, vấn đề là tốc độ hô hấp tăng theo nhiệt độ, ít oxy hòa tan có sẵn ở nhiệt độ cao hơn mà tần số hô hấp tăng sẽ tiêu hao nhiều oxy hòa tan hơn.

Ảnh hưởng của gió, bão và độ che phủ của mây

Mây che phủ, đặc biệt là thời tiết u ám sẽ làm giảm lượng ánh sáng mặt trời để thực vật phù du trong ao quang hợp. Điều này có thể dẫn đến nồng độ oxy hòa tan giảm thấp vào cuối ngày và giảm thấp hơn nữa vào ban đêm khi quá trình quang hợp kết thúc. Do đó, khi thời tiết u ám, nhiều mây, đặc biệt là những ngày thời tiết u ám kéo dài liên tiếp sẽ dẫn đến sự căng thẳng thậm chí gây chết cho động vật thủy sản do giảm nồng độ oxy hòa tan vào ban đêm khi mà ao nuôi không có đầy đủ các dụng cụ sục khí hoặc sục khí không đủ.

Ở những khu vực thường xuyên có gió lớn, những cơn gió tạo ra các đợt sóng tác động làm tăng tốc độ trao đổi khí. Điều này giúp cải thiện quá trình oxy hóa và khuếch tán các chất chuyển hóa độc hại dạng khí như amoniac, carbon dioxide, hydrogen sulfide từ nước ra ngoài môi trường. Tuy nhiên, việc khuấy trộn này của gió cũng sẽ hạn chế sự phân tầng nhiệt độ và giúp oxy hòa tan di chuyển được đến những khu vực yếm khí.

Bên cạnh đó, gió mạnh cũng có thể làm tăng xói mòn bằng việc tạo ra sóng đánh vỡ bờ kè. Với những ao có mật độ tảo nhiều, gió lớn sẽ tạo ra các khối váng tảo lớn dọc theo bờ ao, đặc biệt là các góc ao. Gió mạnh cũng gây ra sự mất ổn định nhiệt độ, dễ cạn kiệt hoàn toàn lượng oxy hòa tan, trộn lẫn nhiều chất thải hữu cơ và các chất khử khác vào nước. Những điều này có thể gây ra việc tôm cá chết hàng loạt tại các trại nuôi.

Bão lớn thường xảy ra ở các vùng ven biển, gây ra hiện tượng nước lũ dâng cao, tràn qua bờ ao gây thất thoát động vật nuôi. Ao nuôi và các trang thiết bị cũng có thể bị phá hỏng bởi những cơn bão đổ bộ.

Hạn hán có thể gây chết hàng loạt

Hạn hán có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tại những nơi phải tích trữ nước ngọt. Mực nước ao nuôi giảm đi khiến diện tích sống của các loài thủy sinh bị co hẹp lại. Lúc này, các chất chuyển hóa độc hại sẽ tăng lên. Lượng thức ăn bị tập trung lại một chỗ dẫn đến hiện tượng tảo nở hoa hàng loạt, các vi sinh vật trong ao phân hủy nhiều gây ra  sự thiếu hụt oxy hòa tan trong ao nuôi. Khi hạn hán xảy ra, các khu vực cửa sông giảm các hoạt động tiếp xúc với biển, độ mặn tăng lên bất thường do sự bốc hơi nước, dòng nước ngọt giảm dần có thể làm vượt ngưỡng chịu đựng tối ưu của các loài thủy sản gây ra các hiện tượng còi cọc, stress và gây chết số lượng lớn.

Chủ động phòng tránh – giảm thiểu tối đa tác động xấu

Các sự kiện liên quan đến thời tiết và khí hậu được đề cập ở trên là những sự kiện phổ biến nhất ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, ngoài ra còn có những yếu tố khác chưa được thống kê cụ thể. Con người sẽ không thể làm gì để ngăn chặn những sự kiện này xảy ra bởi đây là các yếu tố thiên nhiên được quy định bởi các quá trình tự nhiên mà chúng ta không thể kiểm soát được.

Tuy nhiên, các cơ sở nuôi trồng thủy sản nên được xây dựng và quản lý dựa trên những yếu tố này. Việc chú ý đến những khả năng bất lợi do thời tiết và khí hậu cụ thể theo từng vùng sẽ mang lại những thuận lợi trong quá trình nuôi. Rất khó để có thể dự đoán trước về các ảnh hưởng trong tương lai của việc biến đổi khí hậu đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Nhưng chắc chắn rằng, khí hậu sẽ ngày càng khắc nghiệt hơn, vì thế cần có những biện pháp phòng tránh để tránh những thiệt hại đáng tiếc cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Phạm Hương