Xuất khẩu tôm 2022: Thận trọng trong từng bước đi

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] Các công ty chế biến tôm đang có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp nhận định sẽ có nhiều bất lợi từ nay đến cuối năm 2022.

Giá tôm nguyên liệu trong tháng 5 tại các tỉnh ĐBSCL ổn định so với tháng trước.(Ảnh: Việt Nguyễn)

Xuất khẩu tương đối thuận lợi những tháng đầu năm

4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thuỷ sản đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ, trong đó riêng tôm và cá tra đạt 2,31 tỷ USD. Sau khi tăng mạnh đến 47% trong tháng 4, đến tháng 5, xuất khẩu tôm cả nước có dấu hiệu chững lại khi chỉ tăng 19%. Như vậy, tính chung 5 tháng đầu năm, xuất tôm vẫn có mức tăng đến 38% so cùng kỳ khi doanh số xuất khẩu ước đạt 1,8 tỷ USD.

Xuất khẩu tôm 5 tháng đầu năm tăng mạnh tuy có đôi chút bất ngờ với nhiều người, nhưng gần như nằm trong tầm dự báo của doanh nghiệp. Điều này được thể hiện qua các hợp đồng xuất khẩu tôm được ký kết từ cuối năm 2021 tương đối khá và phần lớn đều ký được mức giá cao. Cùng với đó là các hợp đồng mới khi doanh nghiệp tham gia các kỳ hội chợ thủy sản quốc tế tổ chức tại Mỹ và Tây Ban Nha trong những tháng đầu năm. Sở dĩ doanh nghiệp mạnh dạn ký hợp đồng mới tương đối lớn ngay từ cuối năm chủ yếu là do có sẵn nguồn nguyên liệu dự trữ trong bối cảnh dịch covid căng thẳng. Ngoài ra, tình trạng lạm phát toàn cầu, cước vận tải biển tăng cũng tác động mạnh lên giá tôm, làm giá tôm tăng cao hơn so với mọi năm.

Sức mua tôm của thế giới giảm

Hiện tại, Ecuador và Ấn Độ – hai quốc gia lớn ngành tôm – đang vào vụ thu hoạch. Những năm trước 2 nước này bán tôm sang thị trường Trung Quốc với số lượng nhiều, nhưng năm nay Trung Quốc giảm nhập khẩu tôm do dịch Covid-19. Vì vậy, tôm Ecuador và Ấn Độ đang dịch chuyển sang thị trường Mỹ và châu Âu để bán với giá rẻ, điều này khiến giá tôm thế giới giảm.

Ông Trần Văn Diệu, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long cho biết, tôm Ecuador và Ấn Độ rất nhiều, giá bình quân thấp hơn Việt Nam từ 70 cent đến 1 USD, nên không chỉ Mỹ mà thị trường châu Âu đang tập trung mua tôm của những nước này. “Mặc dù tôm Ecuador và Ấn Độ bán nhiều sang Mỹ và châu Âu nhưng kỹ nghệ chế biến tôm của họ không bằng Việt Nam. Ở miền Tây có nhiều doanh nghiệp có lợi thế về chế biến sâu, tạo ra hàng giá trị gia tăng. Còn Ecuador và Ấn Độ xuất sang Mỹ, châu Âu chủ yếu là hàng sơ chế, không có nhiều hàng giá trị gia tăng như Việt Nam”, ông Diệu phân tích.

Còn theo ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, nghịch lý hiện nay là một số doanh nghiệp không đủ tôm cho công nhân làm nhưng xuất khẩu tôm tháng 6 dự kiến giảm so với cùng kỳ do sức mua các nước giảm. Một số hợp đồng của doanh nghiệp này được đối tác yêu cầu lùi thời gian giao hàng vì bán chậm. “Sức mua của mặt hàng tôm giảm do ảnh hưởng lạm phát cao và xung đột Nga-Ukraine. Xuất khẩu tôm trong tháng 6 của công ty chúng tôi không cao vì doanh nghiệp không chạy theo doanh số”, ông Phục nói.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam cũng chia sẻ thêm, “Chúng ta còn khó khăn nữa là cạnh tranh với một số nước khác như Ấn độ, Indonesia… Các nước này bán rẻ hơn Việt Nam nên lượng hàng vào Mỹ của Việt Nam thấp hơn so với những năm trước. Tình hình lạm phát mạnh ở các nước lớn như Mỹ nên sức mua giảm, họ muốn chuyển chi phí này cho người nuôi gánh”.

Trong năm 2022, ngành thủy sản đề ra mục tiêu đạt gần 9 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu. Để đạt mục tiêu này, các doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường cũng như đáp ứng các nhu cầu bổ sung đối với các thị trường riêng lẻ trong khối; dán nhãn chính xác sản phẩm. Đồng thời, các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội gia tăng thị phần cá tra trước sự thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng tại các quốc gia châu Âu; nghiên cứu khả năng vận dụng tốt lợi thế của Hiệp định EVFTA hơn nữa trong thời gian tới vì còn nhiều dư địa để phát triển; kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm để giữ uy tín thương hiệu thủy sản Việt chung trong khối.

Lo ngại thiếu hụt nguồn tôm nguyên liệu

Tuy tình hình xuất khẩu tôm 5 tháng đầu năm tương đối thuận lợi khi cả doanh số xuất khẩu lẫn lợi nhuận đều tăng, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa thể yên tâm trong những tháng còn lại khi mà cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan đều cho thấy có phần bất lợi hơn so với 5 tháng đầu năm. Trước hết là về tình hình nuôi. Ngay từ đầu tháng 5, thời tiết khu vực ĐBSCL bắt đầu mưa nhiều hơn gây biến động môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi và phát sinh dịch bệnh. Đầu tháng 5, các thông tin phản hồi từ một số trang trại nuôi tôm lớn cũng như người nuôi tôm nhỏ lẻ cho biết đã có sự xuất hiện của bệnh EHP, đặc biệt là tại các vùng nuôi ven biển. Một số trại nuôi tôm lớn và hộ nuôi nhỏ lẻ buộc phải thu hoạch trước thời hạn để bảo toàn vốn nuôi khiến lượng tôm cỡ nhỏ tăng đột biến trong tháng 5, gây bất lợi cho các nhà máy trong việc đảm bảo công suất chế biến và sản lượng xuất khẩu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho tăng trưởng xuất khẩu tôm tháng 5 có phần chững lại.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, điều mà họ quan tâm nhất hiện nay chính là liệu có xảy ra trường hợp thiếu hụt tôm nguyên liệu trong những tháng tới hay không. Sự lo lắng trên là hoàn toàn có cơ sở, bởi từ tháng 6 đến hết tháng 9 là khoảng thời gian mưa bão nhiều ở khu vực ĐBSCL, nên việc chăm sóc tôm nuôi cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là bệnh EHP hiện vẫn chưa có giải pháp phòng trị hiệu quả, nên từ đầu tháng 5 đến nay đã có một số trang trại, hộ nuôi tôm nhỏ lẻ đã tạm ngừng thả giống vì lo sợ thiệt hại. Chưa có con số thống kê chính thức về các trường hợp tạm ngưng thả giống, nhưng trước thông tin khuyến mãi con giống (Post) 30-50% thậm chí là 100% càng khiến người nuôi tôm thêm lo về dịch bệnh, bởi theo người nuôi tôm, thường chỉ khi nào giá tôm thấp, tỷ lệ tôm sinh sản cao hoặc có dịch bệnh ít người thả nuôi thì tôm giống mới có khuyến mãi lớn.

Đó là về nội tại, còn khách quan, theo ông Hồ Quốc Lực, kinh tế thế giới đang ở trạng thái không tốt, lạm phát và khủng hoảng lương thực thực phẩm đang chực chờ. Hai cường quốc tôm hàng đầu là Ecuador và Ấn Độ đang tập trung thúc đẩy ngành tôm phát triển và năm qua hai nước này đều có kim ngạch xuất khẩu tôm cao hơn Việt Nam. Lợi thế của họ là giá tôm bán khá rẻ, thấp hơn tôm ta cả đô la mỗi kg. Ông Lực chia sẻ: “Tôi không đủ thông tin để biết tình hình nuôi tôm hai quốc gia này đang tốt xấu ra sao, chỉ biết tin dịch bệnh lẻ tẻ, chưa xác định là nguy cơ. Trong hoàn cảnh khách quan khá bất lợi này và khó khăn chủ quan ta đang gặp phải, các thành viên chuỗi giá trị con tôm cần có cách ứng xử phù hợp theo hoàn cảnh riêng của mình”.

Bước sang tháng 6 này, nguồn tôm nguyên liệu vẫn đủ đảm bảo cho các nhà máy hoạt động theo kết hoạch, nhưng như thế cũng chưa đủ để làm vơi đi nỗi lo thiếu hụt tôm nguyên liệu trong thời gian tới. Thị trường xuất khẩu tôm năm nay được dự báo rất lạc quan. Các doanh nghiệp cũng đã có sự chuẩn bị khá chu đáo cho một năm tăng tốc sau đại dịch covid, nhưng kết quả có được như mong đợi hay không phụ thuộc rất lớn vào nguồn tôm nguyên liệu trong thời gian tới.

Phạm Huệ – Hoàng Nhã

ÔNG TRƯƠNG ĐÌNH HÒE (TỔNG THƯ KÝ VASEP):

Xuất khẩu thủy sản có nhiều triển vọng tăng trưởng trong quý II/2022

Ngành thủy sản nói chung, xuất khẩu thủy sản nói riêng đang có nhiều cơ hội tăng trưởng và năm 2022 xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi hoàn toàn.

Cụ thể, thị trường đang hồi phục. Dịch bệnh được kiểm soát tốt ở các thị trường sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ ở mức cao so với năm 2021. Bên cạnh đó, thuế suất ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) và các thị trường tiềm năng thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Mexico, Canada, Nhật Bản là những động lực then chốt tạo ra lợi thế cạnh tranh với các nước cung ứng khác. Thị trường Trung Quốc cũng sẽ là nhân tố quyết định đà tăng trưởng của ngành cá tra trong nửa cuối năm 2022.

Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế nguồn nguyên liệu nuôi trồng chiếm 70%. Việc tăng giá khiến chi phí đầu vào các lại thực phẩm tăng và khiến người tiêu dùng quan tâm hơn đến thủy sản ưu tiên để cung cấp protein.