Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Nhóm đàm phán về các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về trợ cấp thủy sản đã tiến hành phiên họp đầu tiên trong năm nay, với sự tham gia của đại diện các phái đoàn tại WTO ở Geneva, Thụy Sĩ và đại diện trong nước. Phiên đàm phán được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến cấp Trưởng Phái đoàn ngày 22/1 trong khuôn khổ phiên đàm phán, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại WTO, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác đã đánh giá cao và cám ơn nỗ lực của Chủ tịch Nhóm, Đại sứ Santiago Wills của Colombia, trong việc thúc đẩy đàm phán, đưa ra văn kiện hợp nhất sửa đổi lần thứ, hai làm cơ sở cho đàm phán một thỏa thuận về trợ cấp thủy sản; đồng thời khẳng định, Việt Nam tiếp tục cam kết tích cực tham gia thúc đẩy đàm phán về trợ cấp thủy sản, xây dựng đồng thuận để đưa đàm phán đạt tiến triển, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Trong phiên đàm phán này, các thành viên WTO đã thảo luận một số vấn đề quan trọng cần phải giải quyết để đạt được thỏa thuận về trợ cấp thủy sản, trong đó có khiếu nại về vụ việc không vi phạm (NVC). Theo các quy định hiện hành của WTO, thành viên của WTO có thể đưa NVC ra Cơ quan giải quyết tranh chấp nếu nhận thấy bị tước mất lợi ích do hành động của một thành viên khác, kể cả khi hành động đó không vi phạm quy tắc của WTO. Một số vấn đề khác được thảo luận tại phiên đàm phán bao gồm các tiêu chí được sử dụng để xác định đánh bắt cá ở mức bền vững về mặt sinh học và đề xuất miễn áp dụng một số quy tắc đối với đánh bắt thủ công.
Tại cuộc họp trực tuyến, trình bày với các Trưởng Phái đoàn, Chủ tịch Nhóm đàm phán về quy tắc của WTO Santiago Wills đã thông báo kết quả các cuộc họp về trợ cấp thủy sản. Ông nhấn mạnh phiên đàm phán lần này về trợ cấp thủy sản là một khởi đầu tích cực cho năm 2021 và các thành viên đều có nhận thức chung về tính cấp bách của việc kết thúc đàm phán.
Các Đại sứ, Trưởng Phái đoàn cũng nhắc lại quan điểm này, đồng thời nhấn mạnh cần khai thông những bế tắc dai dẳng đối với các yếu tố cốt lõi trong các cuộc đàm phán về trợ cấp thủy sản. Nhiều Trưởng Phái đoàn bày tỏ quan điểm rằng các thành viên WTO phải đưa ra một thỏa thuận càng sớm càng tốt trong năm nay.
Trên cơ sở quyết định của Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 11 của WTO và Mục tiêu phát triển bền vững số 14.6 của Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, các nhà đàm phán đã được giao nhiệm vụ bảo đảm đạt được một thỏa thuận về các nguyên tắc để xóa bỏ trợ cấp cho đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (đánh bắt IUU) và cấm một số hình thức trợ cấp thủy sản góp phần gây ra tình trạng đánh bắt quá mức; đồng thời có quy định về đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các thành viên đang phát triển và kém phát triển của WTO.
Việc Việt Nam tích cực tham gia đàm phán của WTO về trợ cấp thủy sản thể hiện cam kết và trách nhiệm của Việt Nam về phát triển nghề cá bền vững, phòng chống đánh bắt IUU, nhằm thực hiện mục tiêu bảo tồn và sử dụng bền vững biển và nguồn lợi biển vì mục tiêu phát triển bền vững, trên cơ sở triển khai Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tố Uyên – Xuân Hoàng – Báo Tin Tức