Tối đa hóa lợi nhuận với saponin trong thức ăn thủy sản

[Người Nuôi Tôm] – Hiện nay, với vai trò then chốt của thức ăn trong ngành nuôi trồng thủy sản, các nghiên cứu chính về dinh dưỡng thủy sản đang tập trung vào các loại phụ gia chức năng. Những phụ gia này đã được chứng minh có khả năng cải thiện tốc độ tăng trưởng và nâng cao sức khỏe cho các đối tượng thủy sản nuôi, đồng thời giúp giảm chi phí sử dụng thức ăn công nghiệp.

Ứng dụng phụ gia chức năng là xu hướng mới trong nuôi trồng thủy sản

 

Saponin, một hợp chất thuộc nhóm Ginsenoside, được biết đến như một trong những thành phần hóa học quý giá có lợi cho sức khỏe con người. Các hợp chất này được phân loại thành nhiều loại khác nhau, mỗi loại mang đến tác dụng đặc trưng và hiệu quả riêng biệt.

Trên thực tế, nhiều loại thực vật khác cũng chứa saponin. Saponin bao gồm một aglycone polycyclic gắn liền với một hoặc nhiều chuỗi đường. Phần aglycone, còn được gọi là sapogenin, có thể là steroid (C27) hoặc triterpene (C30).

Khả năng tạo bọt của saponin xuất phát từ sự kết hợp giữa một chất kỵ nước (tan trong chất béo) là sapogenin và một phần đường ưa nước (hòa tan trong nước). Saponin thường có vị đắng, và một số loại saponin được coi là độc, được gọi là sapotoxin. Dựa vào cấu trúc của phần sapogenin, saponin được phân chia thành ba nhóm chính: triterpenoid saponin, steroid saponin và glycoalkaloid dạng steroid.

Saponin có thể được phân loại thành axit, trung tính hoặc kiềm. Trong đó, triterpenoid saponin thường mang tính trung tính hoặc axit (có chứa nhóm –COOH). Steroid saponin thuộc nhóm spirostan và furostan thường là trung tính, trong khi nhóm glycoalkaloid lại thuộc loại kiềm.

Saponin có đặc điểm chung là khi hòa tan trong nước, nó làm giảm sức căng bề mặt của dung dịch, tạo ra nhiều bọt. Ngoài ra, saponin còn có tính chất phá huyết và độc hại đối với các động vật biến nhiệt, đặc biệt là cá. Tuy nhiên, khi được sử dụng với tỷ lệ hợp lý qua đường tiêu hóa, hợp chất này có thể mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là saponin chiết xuất từ các loại thảo dược như Yucca và Quillaja.

Saponin được xem như một chất bổ sung tiềm năng, nhờ vào khả năng tăng cường tính thấm của tế bào niêm mạc ruột non, từ đó nâng cao hiệu quả hấp thụ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các đại phân tử. Hơn nữa, tính năng giống như chất tẩy rửa của hợp chất này không chỉ giúp cải thiện khả năng tiêu hóa carbohydrate của cá bằng cách giảm độ nhớt trong đường tiêu hóa, mà còn kích thích hoạt động của các enzyme tiêu hóa như amylase, trypsin, protease kiềm, leucine aminopeptidase, phosphatase kiềm và lipase. Đồng thời, saponin cũng đã được ghi nhận là làm tăng cường hoạt động của các enzyme hô hấp như cytochrome c-oxidase.

Những kết quả này làm nổi bật tiềm năng của saponin trong việc nâng cao khả năng tiêu hóa các chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein và carbohydrate, đồng thời thúc đẩy các quá trình đồng hóa thông qua việc tăng cường hoạt động trao đổi chất hiếu khí.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh khả năng của saponin trong việc nâng cao hiệu suất tăng trưởng của cá và tôm nuôi. Chẳng hạn, chế độ ăn cho cá chép chứa saponin Quillaja đã cho thấy sự cải thiện đáng kể về hiệu quả trao đổi chất và trọng lượng cơ thể trung bình, với mức tăng từ 37,5 – 73,2%. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng cũng nhanh hơn, dao động từ 0,7 – 1,18% mỗi ngày, cùng với sự gia tăng chỉ số hiệu quả sử dụng, bao gồm hiệu quả chuyển đổi thức ăn và hiệu quả sử dụng protein, trong khi vẫn duy trì tốc độ trao đổi chất ở mức bình thường.

Kết quả tương tự cũng được ghi nhận ở cá rô phi vằn, cho thấy sự cải thiện đáng kể trong khả năng giữ năng lượng và chuyển đổi lipid khi bổ sung hỗn hợp saponin. Các chất bổ sung chứa 3% saponin, đặc biệt từ chiết xuất Quillaja và Yucca, đã mang lại nhiều lợi ích cho trọng lượng và chiều dài cơ thể cá, tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống sót, cũng như cải thiện tỷ lệ chuyển đổi thức ăn. Điều này đã dẫn đến năng suất sinh khối tăng cao từ 15 – 26%.

Tương tự, việc áp dụng chế độ ăn bổ sung chiết xuất Quillaja giàu saponin và vitamin C đã mang lại sự cải thiện 14% về sản lượng và tăng 15% tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng so với chế độ ăn đối chứng. Một nghiên cứu khoa học khác cũng chỉ ra rằng tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) ở tôm được cho ăn chế độ bổ sung saponin đã được cải thiện đến 23%.

Sản phẩm thảo dược Anti – White có chứa chiết xuất saponin 

 

Gần đây, một chuỗi thử nghiệm do Nhóm nghiên cứu từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn Nông nghiệp Hoa Sen (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đã được tiến hành, nhằm đánh giá hiệu quả của sản phẩm Anti – White tại một số vùng nuôi tôm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên ao nuôi tôm thương phẩm trong suốt 8 tuần sau khi thả giống. Kết quả ban đầu cho thấy sự tăng trưởng của tôm không có nhiều biến động, tuy nhiên, một số chỉ tiêu miễn dịch đã cho thấy dấu hiệu khởi sắc. Tôm được cung cấp chế độ ăn bổ sung saponin đã đạt kết quả vượt trội hơn về tổng số lượng tế bào máu (THC), số lượng tế bào máu khác biệt (DHC) và hoạt động của Prophenoloxidase (proPO). Đặc biệt, sự biểu hiện của các gen proPO và TLR-3 ở tôm được cho ăn với mức saponin 1,5 g/kg thức ăn đã tăng lên rõ rệt. Ngoài ra, biểu hiện của các gen như TNF-α, TLR-3 và TGF-β cũng tăng lên nhưng không đáng để. Các thí nghiệm vẫn đang trong quá trình theo dõi và kết quả sau cùng sẽ được thống kê vào cuối vụ. Tuy nhiên, bước đầu nhóm nghiên cứu có thể tạm kết luận được hệ miễn dịch của tôm đã được cải thiện đáng kể sau thời gian 8 tuần nuôi.

Sản phẩm Anti-White dùng trong thử nghiệm

Với những tiềm năng to lớn, việc nghiên cứu và ứng dụng các loại phụ gia chức năng trong thức ăn thủy sản đang ngày càng được các nhà khoa học và doanh nghiệp quan tâm. Đây được xem là một hướng đi mới, đầy hứa hẹn để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm thủy sản, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

ThS. Chinh Lê

Học viện Nông nghiệp Việt Nam