Thức ăn cho tôm dùng khô đậu nành lên men thay thế bột cá đắt tiền

Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ thức ăn và Sau thu hoạch thủy sản (thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2) đã sản xuất thành công thức ăn cho tôm từ khô đậu nành lên men, thay thế bột cá có giá thành cao.

Theo ThS. Nguyễn Thành Trung, thành viên nhóm nghiên cứu, nguồn nguyên liệu bột cá chất lượng cao (> 65% protein) trong khẩu phần thức ăn nuôi tôm thường chiếm tỉ lệ cao (>15%). Giá thành của loại nguyên liệu này liên tục tăng, do hầu hết được nhập khẩu.

Hiện nay, protein thực vật (đậu nành, đậu phộng, hạt bông vải,…) được sử dụng nhiều trong thức ăn thủy sản để thay thế protein bột cá nhằm giảm giá thành. Tuy nhiên, khi sử dụng protein thực vật có một số trở ngại như: độ tiêu hóa thấp, thường chứa các chất kháng dinh dưỡng và độc tố, không cân đối về acid amin, thiếu lysin và methionin.

Ngoài ra, sử dụng protein thực vật, đặc biệt là đậu nành với tỉ lệ cao trong thức ăn sẽ gây tác động đến sức khỏe vật nuôi, như giảm khả năng kháng bệnh, chịu stress với môi trường, đặc biệt là thủy sản. Việc nghiên cứu lên men bã đậu nành được xem là nguồn nguyên liệu chính thay thế bột cá hiện nay, do bã đậu nành sau khi lên men có hàm lượng protein cao hơn so với ban đầu, loại bỏ được các chất kháng protein, kháng dinh dưỡng và dễ hấp thu.

Đậu nành thường được dùng để sản xuất thức ăn thủy sản

Trong đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm cải thiện khả năng tăng trưởng và tăng cường miễn dịch trên tôm thẻ chân trắng bằng sử dụng khô đậu nành lên men và bổ sung chế phẩm Lactobacillus plantarum xử lý nhiệt”, khô đậu nành được nghiền mịn và cho lên men bán rắn bằng chủng Bacillus subtilis B3 được phân lập từ hệ tiêu hóa của tôm, ở nhiệt độ 37oC, độ ẩm 50%, pH 6,5 trong thời gian từ 48 – 72 giờ. Khô đậu nành sau khi lên men được sấy khô, tiệt trùng. Sản phẩm sau khi lên men loại bỏ được các chất kháng protein, kháng dinh dưỡng, hàm lượng protein thô tăng hơn 14%, hàm lượng acid amin tăng hơn 18% so với ban đầu.

Đánh giá tăng trưởng khi thay thế bột cá trong khẩu phần thức ăn tôm thẻ chân trắng bằng khô đậu nành lên men với chủng Bacillus subtilis B3, cho thấy, độ tiêu hóa của thức ăn chứa khô đậu nành lên men đạt 73,1%, tiêu hóa protein đạt 84,9%, cao hơn thức ăn đối chứng trên 10%. Đồng thời, có thể thay thế 60% bột cá bằng đậu nành lên men mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng và hệ số tiêu thụ thức ăn của tôm. Sản phẩm đạt chất lượng tương đương với nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan.

Khô đậu nành được lên men bán rắn.

Ngoài ra, để hỗ trợ sức kháng bệnh, khả năng chịu stress của thủy sản, các chủng vi sinh vật có lợi thường được bổ sung vào thức ăn. Tuy nhiên, sau khi bổ sung vi sinh vật, việc đóng gói, vận chuyển, bảo quản gặp nhiều khó khăn như khó giữ tính kháng bệnh, tỷ lệ sống,… Vì vậy, nhóm đã nghiên cứu sản xuất chế phẩm Lactobacillus plantarum LP-XLN dạng đã xử lý nhiệt để giải quyết những hạn chế trên.

Với quy trình sản xuất chế phẩm LP-XLN, nhóm nghiên cứu cho chủng vi khuẩn Lactobacillus plantarum L30 được phân lập từ hệ tiêu hóa của tôm thẻ chân trắng, lên men ở nhiệt độ tối ưu 37oC và pH 6, xử lý nhiệt tại nhiệt độ 80oC. Sau đó làm lạnh tại nhiệt độ 15-20oC, ly tâm để nâng cao nồng độ LP-XLN. Sau đó sấy lạnh khoảng 24 giờ và đóng gói, bảo quản ở nhiệt độ phòng.

Thử nghiệm chế phẩm LP-XLN để nâng cao tỉ lệ sống và tăng cường miễn dịch tôm thẻ chân trắng cho thấy, tăng trưởng tốt ở mức 100ppm, có khả năng kháng bệnh và gia tăng khả năng chịu stress đối với môi trường nuôi. Tỷ lệ sống của tôm khi bổ sung LP-XLN 1.000ppm vào thức ăn, tăng 9% so với thức ăn đối chứng không bổ sung. Chế phẩm này tương đương về miễn dịch, khả năng chống stress, tỷ lệ tăng trưởng và tỷ lệ sống trên tôm thẻ so với sản phẩm của Nhật Bản.

Theo ThS. Nguyễn Thành Trung, tại Việt Nam, các nghiên cứu ứng dụng khô đậu nành lên men thay thế bột cá còn rất hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu về thức ăn cho ngành thủy sản ngày càng tăng. Khô đậu nành lên men bán rắn (55% protein) của nhóm nghiên cứu có chất lượng tương đương sản phẩm ngoại nhập, nhưng giá thành rẻ hơn (khoảng 15.800 – 16.800 đồng/kg) so với sản phẩm đang bán trên thị trường (khoảng 17.500 đồng/kg). Trong khi đó, bột cá (55 – 60% protein) có giá khoảng 24 – 28.000 đồng/kg.

Hiện nhóm đã làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất được hai sản phẩm nói trên, mong muốn được hợp tác, chuyển giao cho các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi để kết quả nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn.

Nguồn: khoahocphattrien.vn