Thái Bình: Nuôi thành công tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt

Tôm thẻ chân trắng vốn phù hợp với môi trường nước mặn, lợ và được nuôi nhiều ở các xã ven biển. Tuy nhiên, cựu chiến binh (CCB) Lê Thị Nga, xã Đông Quan (Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đã mạnh dạn đưa giống tôm thẻ chân trắng về thuần hóa, nuôi thành công ở ao nước ngọt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Cựu chiến binh Lê Thị Nga đầu tư 8 tỷ đồng xây dựng trang trại kết hợp nuôi tôm và lợn cho thu bạc tỷ.

Đến thăm trang trại với tổng diện tích gần 40.000m2 nằm sát đê tả Trà Lý không ai có thể tin được rằng nơi đây trước kia là vùng đất trũng bỏ hoang. Để khơi dậy tiềm năng của vùng đất này, bà Nga bỏ qua lời khuyên can của mọi người, thuê lại đất, vay mượn tiền đầu tư cải tạo, khoanh vùng làm bãi vật liệu xây dựng, xây trang trại nuôi vịt đẻ và cá trắm đen. Trong chăn nuôi, bà luôn tìm tòi áp dụng phương pháp riêng để nâng cao chất lượng, giá trị vật nuôi. Với cá trắm đen bà cho ăn con don và ốc; bà cũng không bán trứng vịt mà làm lò ấp trứng để bán vịt con. Mấy năm đầu xây dựng, trang trại phát triển mạnh, song do gặp khó khăn trong tìm đầu ra nên việc nuôi cá và vịt không đem lại hiệu quả cao như trước, bà Nga lại tiếp tục tìm lời giải cho bài toán chuyển đổi vật nuôi cho trang trại. Trong một lần vào Bình Thuận thăm thân, tận mắt thấy mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nước lợ trong ao nước ngọt cho thu bạc tỷ của người cháu, bà Nga rất thích. Bà nhờ cháu giúp đỡ, đồng thời mày mò nghiên cứu, tham khảo tài liệu để thuần hóa tôm thẻ chân trắng trong trang trại của gia đình. Thời gian đầu bà gặp không ít khó khăn bởi vốn kiến thức hạn hẹp, chưa nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, tôm thường xuyên chết. Nhưng không khuất phục trước khó khăn, không nản lòng trước thất bại, bà kiên trì theo đuổi đam mê. Thế rồi, trời không phụ lòng người, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở nước ngọt của gia đình bà bắt đầu thành công. Tôm dần thích nghi với môi trường mới, phát triển đồng đều.

Bà Nga vui mừng chia sẻ: Sau 2 năm vất vả, mất bao tiền của, công sức tôi đã thuần hóa thành công con tôm nước lợ sang nuôi nước ngọt. Năm 2021, vụ tôm đầu thu được 14 – 15 tấn. Tôi tiếp tục đầu tư mở rộng thành 5 ao nuôi với diện tích gần 29.000m2. Đến nay gia đình đã thu được 3 vụ tôm, mỗi vụ thu hàng tỷ đồng. Theo kinh nghiệm của bà Nga, để nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt thành công cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật được ngành nông nghiệp khuyến cáo.


Nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt vất vả hơn ở nước lợ nhưng hiệu quả kinh tế cao.

Dù đã cao tuổi, hàng ngày phải chăm sóc chồng là thương binh nặng, chăm sóc 5 ao tôm nhưng bà Nga vẫn sắp xếp thời gian hợp lý, bố trí vốn đầu tư phát triển chăn nuôi lợn với 3 chuồng, gồm 50 lợn nái, 200 lợn thịt, lợn con. Bà thu từ mô hình kinh tế này 5 – 6 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 15 người trong gia đình và 5 lao động địa phương với thu nhập 6 – 9 triệu đồng/người/tháng.

Anh Dương Văn Lễ, xã Đông Quan cho biết: Vào trang trại lúc đầu tôi chưa biết việc song được bà Nga và các kỹ sư hướng dẫn tỉ mỉ, giờ hầu hết các công đoạn, kỹ thuật nuôi tôm tôi đã nắm chắc và thực hiện tốt. Thu nhập của tôi ổn định, bình quân đạt 9 triệu đồng/tháng.

Cần cù, chịu khó và mạnh dạn tìm hướng đi mới để làm giàu, CCB Lê Thị Nga đã trở thành người đầu tiên trên địa bàn huyện Đông Hưng thành công với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở môi trường nước ngọt. Bà Nga luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm với bà con nông dân trong và ngoài tỉnh khi họ tới tham quan, học hỏi mục đích là để cùng bà con nhân rộng và làm giàu từ con tôm.

Thu Hiền

Nguồn tin: Báo Thái Bình