Sổ tay nuôi tôm mùa nắng nóng

[Người nuôi tôm] – Vào mùa nắng nóng, nhiệt độ tăng cao và kéo dài có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến sức khoẻ của tôm nuôi, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp. Do đó, người nuôi cần thực hiện các biện pháp phòng chống cần thiết để quản lý ao tôm hiệu quả

Sổ tay nuôi tôm mùa nắng nóng

Nuôi tôm mùa nắng nóng

1. Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường và theo dõi hoạt động của tôm

Việc quản lý tốt các yếu tố môi trường nước trong vuông là rất quan trọng. Nếu giữ được sự ổn định các yếu tố nhiệt độ, độ mặn, pH, độ kiềm, ô-xy hoà tan… trong ngưỡng thích hợp sẽ giúp tôm phát triển tốt.

Người nuôi cần theo dõi sát sao hoạt động của tôm. Tôm là động vật biến nhiệt, điều chỉnh nhiệt độ thân thể theo nhiệt độ môi trường, tôm sinh trưởng và phát triển tốt trong khoảng 26 -320C, khi nhiệt nước trên 330C sẽ khiến cho tôm hoạt động nhiều, dễ bị căng thẳng, mất nhiều năng lượng.

Đặc biệt, nắng nóng thường làm độ mặn tăng cao, độ trong thấp, rong tảo phát triển nhiều, pH dao động trong ngày lớn, ô-xy giảm thấp vào ban đêm dẫn đến tôm chậm lớn, bị đỏ thân do thiếu ô-xy Biểu hiện, thiếu ôxy về đêm, tôm có hiện tượng bơi lưng chừng nước, một số con yếu sẽ bơi lên mặt, sẽ nguy hiểm hơn nếu tôm lột xác, tôm sẽ chậm cứng vỏ, nổi mặt và bị hao hụt

Nắng nóng sẽ khiến vi khuẩn phát triển nhanh và nhiều, điều này biểu hiện qua các hiện tượng nước phát sáng; tôm bị đứt râu, đường ruột không tốt, phân lỏng, xốp, phân trắng; tảo tàn, có nhiều bọt không tan khi chạy quạt, cuối gió có nhiều váng bọt dơ bẩn, trong nước có nhiều hạt lơ lửng Điều này sẽ làm tôm ăn không mạnh, nếu kéo dài sẽ làm tôm ốp, chậm lớn.

2. Xây dựng ao lắng riêng

Để tránh các hiện tượng nói trên, người nuôi cần xây dựng ao lắng riêng cho nuôi tôm, chủ động được nguồn nước và xử lý nước trước khi lấy vào ao nhằm tạo các yếu tố môi trường thuận lợi nhất cho sự phát triển của tôm, cũng như hạn chế mầm bệnh từ bên ngoài.

Sổ tay nuôi tôm mùa nắng nóng

Nên xây dựng ao lắng riêng cho tôm nuôi

Việc chuẩn bị ao nuôi phải được thực hiện theo đúng quy trình: tẩy dọn, diệt tạp, phơi đáy, khử trùng nền đáy, gia cố bờ ao. Người nuôi cần nuôi nước có mực nước cao hơn 1.3m, có mức oxy luôn cao hơn 4ppm; Kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn thông qua kiểm tra nhá, hoặc lặn đáy, đánh giá tỷ lệ sống để ước lượng thức ăn chính xác; Quản lý đáy sạch không bị nhờn nhớt, màu nước ổn định có độ trong khoảng 20 – 25 cm, trong nước ít chất lơ lửng, có ít bọt tàn; Tăng cường thêm vitamin, đặc biệt vitamin C, khoáng bổ sung vào thức ăn; Xiphong đáy thường xuyên và tăng cường thay nước vào ban đêm; Diệt khuẩn nước và cho ăn thuốc khi phát hiện nước dơ và tôm nhiễm khuẩn; Lắp đặt các loại màn, lưới chống nóng phía trên ao.

Nếu có điều kiện, cần cấp nước để bù vào lượng nước bốc hơi. Trong trường hợp nước trong ao tôm có màu đậm, pH cao, cần lập tức tiến hành thay nước. Nên cấp nước từ từ, khoảng 20 – 30% lượng nước trong ao, cấp vào lúc trời mát, khoảng sau 19 giờ đêm, cấp nước cần qua ao lắng và xử lý. Nên sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ giúp ổn định môi trường, hạn chế khí độc trong ao nuôi.

Thường xuyên kiểm tra, gia cố bờ bao sau mỗi vụ nuôi để tránh tình trạng nước rò rỉ từ ngoài vào hay từ ao này sang ao khác.

3. Khi thấy có dấu hiệu mưa, cần rai voi xung quanh ao tôm

Vào mùa nắng nóng, đôi khi xuất hiện mưa trái mùa làm môi trường nước biến động, cần theo dõi, quản lý ao nuôi, đề phòng tôm bị sốc, ảnh hưởng đến hoạt động sống. Khi thấy có dấu hiệu mưa, cần rải vôi xung quanh ao tôm với liều lượng 10 – 15 kg/100 m2 để hạn chế phèn rửa trôi xuống ao nuôi.

4. Thả nuôi với mật độ hợp lý, theo dõi hằng ngày

Ngoài ra, nên thả tôm nuôi với mật độ vừa phải để dễ quản lý. Trong suốt quá trình nuôi, cũng nên ghi sổ nhật ký theo dõi các hoạt động hằng ngày để thuận tiện cho việc quản lý sức khoẻ tôm nuôi cũng như phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

PHAN TUYẾT (t/h)