Phương pháp lên men cám gạo: Tăng dinh dưỡng, cải thiện nước ao nuôi tôm

[Người nuôi tôm] – Cám gạo lên men không chỉ mang lại lợi ích dinh dưỡng cho tôm mà còn giúp cải thiện môi trường, góp phần vào thành công của vụ nuôi.

 

Cám gạo lên men mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các trang trại nuôi tôm. Nó không chỉ tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của sinh vật phù du và các vi khuẩn có lợi, mà còn cung cấp nguồn dinh dưỡng bổ sung dễ tiêu hóa cho tôm. Nhờ đó, cám gạo lên men giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và nâng cao khả năng miễn dịch của tôm, góp phần vào sự phát triển khỏe mạnh và bền vững của chúng.

Cám gạo lên men mang lại nhiều lợi ích cho trang trại nuôi tôm

 

Trong nuôi tôm, việc đảm bảo sự phát triển của sinh vật phù du trong nước ao là một yếu tố quan trọng mà người nuôi cần chú trọng để duy trì chất lượng nước. Một trong những phương pháp hiệu quả để hỗ trợ sự phát triển này là sử dụng cám gạo lên men. Quá trình lên men cám gạo có thể được thực hiện một cách đơn giản và nhanh chóng chỉ với 5 bước, mang lại lợi ích lớn cho môi trường nuôi trồng.

Dưới đây là danh sách các nguyên liệu cần thiết để chế biến cám gạo lên men, phù hợp cho các trang trại có diện tích 500 m² (lưu ý, có thể điều chỉnh lượng nguyên liệu tùy theo diện tích trang trại của mình):

  • 500 g cám gạo
  • 5 ml Lactobacillus sp.
  •  500 g nước (tỷ lệ 1:1 với cám gạo)
  • 2,5 – 5 mg men

Tiến hành thực hiện với 5 thao tác sau:

  • Chuẩn bị một thùng chứa sạch và an toàn, có dung tích ít nhất 25 lít.
  • Đổ nước vào thùng.
  • Thêm tất cả các nguyên liệu vào và khuấy đều cho đến khi hỗn hợp hòa quyện.
  • Đậy kín thùng để không cho không khí vào.
  •  Để yên trong 24 giờ, hỗn hợp gạo lên men sẽ sẵn sàng để sử dụng.

Cám gạo lên men có mùi thơm đặc trưng giống sắn lên men. Nếu có mùi hôi, hãy bỏ đi ngay vì có thể đã bị nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc cho tôm. Lặp lại quá trình lên men và đảm bảo thùng chứa được đậy kín để tránh nhiễm bẩn. Bón cám gạo lên men vào ao 3 lần mỗi tuần vào chiều hoặc tối. Sau 5 – 7 ngày, quan sát màu nước ao để thấy sự phát triển của sinh vật phù du. Ngừng bón khi nước chuyển sang màu xanh nâu.

Tùng Dương