Phụ phẩm động vật: Nguồn thức ăn lý tưởng cho tôm

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Hiện nay, thức ăn chiếm khoảng 60% chi phí trong nuôi tôm công nghiệp. Việc biến động các nguồn cung nguyên liệu trên thị trường gần đây đã dẫn đến việc giá thức ăn thủy sản ngày càng leo thang, dẫn đến nguy cơ thiệt hại lớn hơn cho người nuôi. Vì vậy, việc tìm kiếm các nguyên liệu có khả năng thay thế cho các nguyên liệu truyền thống với chi phí thấp hơn đang được các nhà quản lý và doanh nghiệp quan tâm hơn cả.

Phụ phẩm từ động vật có thể thay thế một phần bột cá (FM) trong thức ăn nuôi tôm. Sự áp dụng này đã được chứng minh trong các nghiên cứu gần đây là không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng và sức khỏe của tôm, đồng thời hạ thấp chi phí thức ăn. Tuy nhiên, mức độ tiêu hóa và sử dụng protein của tôm đối với phụ phẩm động vật thấp hơn so với FM. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt và mất cân bằng các axit amin thiết yếu, đặc biệt là sự thiếu hụt methionine đã hạn chế việc sử dụng rộng rãi các phụ phẩm động vật cho nuôi tôm.

Gần đây, một số kỹ thuật mới có thể làm thay đổi chất lượng protein và thành phần axit amin tương đối. Công nghệ sinh học thủy phân bằng enzyme có thể chuyển đổi các sản phẩm phụ của động vật thành các sản phẩm phân hủy peptide nhỏ hơn với hàm lượng protein cao và cân bằng axit amin tốt và các peptide hoạt tính sinh học (peptide chống oxy hóa, chống tăng huyết áp, điều hòa miễn dịch và kháng khuẩn).

Tuy nhiên, chưa có bất kỳ nghiên cứu nào được thực hiện trên tôm bằng các thức ăn có nguồn gốc phụ phẩm động vật. Do đó, nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học Đại học Hải dương Quảng Đông (Trung Quốc) đã  đánh giá hiệu quả của bột niêm mạc lợn thủy phân (HPM), bột giun vàng (YMM) và bột gan gà (ECLM) trong chế độ ăn của tôm thẻ chân trắng (L. vanname) bằng cách kiểm tra tăng trưởng, hoạt động của enzyme tiêu hóa và khả năng miễn dịch không đặc hiệu, đồng thời tiến hành phân tích mô học của ruột và gan tụy của tôm.

Phương pháp nghiên cứu

Bốn công thức thức ăn thử nghiệm đã được xây dựng với 5% niêm mạc ruột lợn thủy phân, bột giun vàng và bột gan gà (sản phẩm thương mại, Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Quảng Châu Newhope). Các thành phần được nghiền qua sàng 60 mesh, trộn với dầu và nước trước khi trộn qua máy trộn dạng viên (1,0×3,0mm và 1,5×3,0mm) với một máy đùn trục vít. Sau khi nấu chín ở  60°C, thức ăn được sấy khô đến mức độ ẩm dưới 10% và được bảo quản trong tủ lạnh -20°C.

Thí nghiệm được tiến hành tại Đại học Đại dương Quảng Đông, Trạm Giang, Quảng Đông, Trung Quốc. Tổng số 640 cá thể tôm thẻ chân trắng (trọng lượng ban đầu (g) = 0,29 ± 0,01) được chọn và chia ngẫu nhiên vào 16 bể thí nghiệm (0,3m3, 4 lần lặp lại, 40 con mỗi bể). Tôm được cho ăn bốn lần mỗi ngày (lần lượt là 7:00, 11:00, 17:00 và 21:00) và tỷ lệ cho ăn được điều chỉnh theo mức tiêu thụ thức ăn thực tế. Trong thời gian thí nghiệm, nước trong các bể được thay 1/3 trước khi cho ăn, nhiệt độ nước nuôi duy trì ở mức 30,5 ± 0,8°C, oxy hòa tan ≥ 6,0 ± 0,1 mg/L, độ mặn 29–31, NH3 ≤ 0,02 ± 0,00 mg/L, NO2 ≤ 0,10 ± 0,00 mg/L và pH 7,5–8,0.

Kết thúc thí nghiệm, tôm được dừng cho ăn trong 24 giờ. Tất cả tôm được lấy ra, gây mê bằng nước có nhiệt độ thấp (thấp hơn 5°C so với nhiệt độ bể), để ráo nước, cân và đếm cho mỗi bể. 12 cá thể tôm được chọn ngẫu nhiên từ mỗi bể và chiều dài cơ thể, khối lượng cơ thể và trọng lượng gan tụy của chúng được đo để phân tích chỉ số tăng trưởng. 06 cá thể tôm mỗi bể được giữ trong tủ đông -20°C để xác định độ ẩm, protein thô, chất béo thô và tro. Gan tụy được cố định trong 4% paraformaldehyde và được sử dụng để phân tích mô bệnh học. 05 cá thể tôm được chọn ngẫu nhiên từ mỗi bể và khử trùng bằng cách lau bằng cồn 75%, sau đó rửa hai lần bằng nước muối vô trùng. Ruột được loại bỏ trong điều kiện vận hành vô trùng và mẫu hỗn hợp ruột của năm con tôm được đông lạnh trong nitơ lỏng. Những con tôm còn lại nhanh chóng được lấy ra khỏi gan tụy và các mô ruột trên đá lạnh và bảo quản trong tủ lạnh -80°C.

Kết quả nghiên cứu

Tăng trưởng của tôm

Hiệu suất tăng trưởng của tôm trong thí nghiệm này được trình bày trong Bảng 1. Đã quan sát thấy sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ tăng trưởng (WGR) và tỷ lệ tăng trưởng đặc trưng (SGR) của nhóm HPM (P<0,05). Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) trong HPM thấp hơn đáng kể so với nhóm FM (P<0,05).

Bảng 1. Ảnh hưởng của các sản phẩm phụ phẩm động vật khác nhau đến năng suất tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng

NT Chỉ số
IW (g) WGR (%) SGR (%/days) FCR SR (%)
FM 0.29 ± 0.01 3157.72 ± 39.13a 5.80 ± 0.02a 1.38 ± 0.03b 87.50 ± 6.61
HPM 0.29 ± 0.01 3426.79 ± 76.78b 5.94 ± 0.04b 1.27 ± 0.03a 90.83 ± 1.44
YMM 0.29 ± 0.01 3253.45 ± 161.69ab 5.85 ± 0.08ab 1.34 ± 0.06ab 93.33 ± 1.44
ECLM 0.29 ± 0.01 3249.76 ± 194.96ab 5.85 ± 0.10ab 1.33 ± 0.08ab 94.38 ± 4.73

Thành phần cơ thịt tôm

Kết quả cho thấy, độ ẩm trong cơ thịt của tôm ở các nhóm HPM, YMM và ECLM thấp hơn đáng kể so với nhóm FM (P<0,05). Hàm lượng protein thô tăng trong nhóm HPM và ECLM so với nhóm đối chứng (P<0,05). Không có ảnh hưởng đáng kể của các sản phẩm phụ động vật khác nhau đối với tro và lipid thô ở cơ thịt tôm (P>0,05).

Các chỉ tiêu miễn dịch không đặc hiệu

Hoạt động của ACP đã tăng đáng kể ở các nghiệm thức thí nghiệm so với nhóm đối chứng (P<0,05). Các hoạt động LZM trong nhóm HPM, YMM và ECLM cao hơn so với hoạt động LZM trong nhóm FM (P<0,05). Trong khi đó, hoạt động CAT và T-AOC của nhóm YMM và ECLM cao hơn đáng kể so với hoạt động của nhóm FM và HPM (P<0,05) (Hình 2).

Bảng 2. Ảnh hưởng của các sản phẩm phụ phẩm động vật khác nhau đối với các chỉ số miễn dịch không đặc hiệu của gan tụy tôm

Nghiệm thức Chỉ tiêu
ACP LZM CAT T-AOC
king unit/gprot U/L U/ml mmol/g
FM 72.41 ± 1.20a 5.00 ± 0.25a 42.12 ± 2.72a 0.53 ± 0.06
HPM 76.41 ± 1.76b 6.65 ± 1.19b 37.68 ± 0.55a 0.52 ± 0.03
YMM 73.94 ± 5.77b 7.90 ± 0.30c 56.94 ± 2.19b 0.54 ± 0.09
ECLM 77.75 ± 2.01b 7.33 ± 0.24bc 55.73 ± 4.05b 0.61 ± 0.06

Kết quả về hoạt động của một số enzyme tiêu hóa

Hoạt động protease đường ruột trong nhóm YMM và ECLM cao hơn đáng kể so với nhóm FM (P<0,05). Không có sự khác biệt nào được tìm thấy trong hoạt động protease của HPM và FM (P>0,05). Hoạt tính amylase ở YMM và ECLM cao đáng kể so với FM (P<0,05) và không tìm thấy sự khác biệt giữa HPM và YMM (P>0,05). Hoạt động của lipase trong nhóm ECLM cao hơn so với nhóm FM, HPM và YMM (P<0,05). Ngoài ra, không có sự khác biệt được ghi nhận giữa các nhóm FM, HPM và YMM. Các hoạt động protease, amylase và lipase cao nhất trong ruột tôm L. vannamei được quan sát thấy ở nhóm ECLM.

Mô học gan tụy và đường ruột ở tôm

Các quan sát mô học trên gan tụy của tôm đã được thực hiện sau khi thử nghiệm cho ăn. Các nguồn protein động vật khác nhau có ảnh hưởng đáng kể đến gan tụy của tôm trong thí nghiệm này. Các tiểu thể gan trong nhóm YMM và ECLM được sắp xếp chặt chẽ, cấu trúc màng đáy đã hoàn thiện và lòng là một ngôi sao thông thường (ngũ giác hoặc tứ giác). Ở nhóm đối chứng, tiểu thể gan bị teo, sắp xếp lỏng lẻo, biến dạng lòng mạch không đều và thậm chí mất cấu trúc lòng mạch hình sao cũng được quan sát thấy.

Những thay đổi hình thái chính đã được quan sát thấy ở các nhóm YMM và ECLM so với các nhóm FM và HPM. Nhóm tác giả đã quan sát thấy sự tách biệt của các nếp gấp niêm mạc với các lớp cơ. Không có sự khác biệt đáng kể về chiều cao lông nhung (VH) và độ dày thành ruột (IWT) được tìm thấy giữa các nhóm FM và HPM (P>0,05). So với nhóm FM, nhóm YMM cho thấy sự gia tăng đáng kể về VH và IWT (P<0,05).

Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy sử dụng phụ phẩm động vật có ảnh hưởng tích cực đến tốc độ tăng trưởng, hoạt động enzyme tiêu hóa và khả năng miễn dịch không đặc hiệu trên tôm, đồng thời sử dụng phụ phẩm động vật có thể thay thế một phần bột cá trong thức ăn giúp giảm chi phí sản xuất thức ăn trong nuôi trồng thủy sản.

Th.S Chinh Lê

Học viện Nông nghiệp Việt Nam