Ngành tôm 6 tháng cuối năm

Thông tin từ VASEP cho thấy 5 tháng đầu năm ngành tôm có mức tăng trưởng rất khích lệ. Tôm thương phẩm tăng trên 10% và kim ngạch xuất khẩu tăng trên 40% so cùng kỳ năm 2021.


Ở Hội nghị toàn thể VASEP năm 2022 diễn ra trong tháng 6 vừa qua đã phân tích vì sao kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so tăng nguyên liệu. Nguyên nhân có nhiều. Chi phí cước tàu tăng đã góp phần “ảo” tăng thêm khoảng 10% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Cuối năm 2021 tình trạng hậu quả Covid-19 khiến không ít doanh nghiệp (DN) tôm giảm chế biến, nay dồn cho đầu năm. Và thực sự giá tiêu thụ tôm có tăng tác động một phần từ lạm phát. Bối cảnh sáng sủa đó đã thay đổi ở 6 tháng cuối năm.

Thông tin trên các phương tiện truyền thông cho thấy năm nay nước sông Mekong dâng cao sớm, xuất phát từ biến đổi khí hậu tuyết tan nhiều hơn cộng với mưa nhiều ở thượng nguồn. Nước tràn sớm về miền Tây khiến các sông có kết nối hệ thống sông Cửu Long đã ngọt sớm hơn mọi năm. Sông Mỹ Thanh và các chi lưu của nó, trọng điểm nuôi tôm tỉnh Sóc Trăng, đã không còn chút độ mặn nào từ tháng 5, những điểm tiếp giáp cũng chỉ đạt độ mặn 0-2%o. Điều này làm chùng tay người thả nuôi vì môi trường không đáp ứng nhu cầu sinh lý con tôm. Mặt khác, vụ nuôi chính năm 2022 tại miền Tây kết thúc sớm hơn dự kiến khoảng 3 tuần. Nguyên nhân năm nay vi bào tử trùng phát tán diện rộng. Chúng thâm nhập từng ao tôm, nội tạng tôm, làm tôm chậm lớn, chết lai rai và dẫn tới thu hoạch sớm, khi cỡ tôm chưa đạt kỳ vọng. Nếu mọi năm, đầu quý 3 là cao điểm mùa tôm chính của năm, các DN chế biến tôm luôn ở trạng thái đủ nguyên liệu cho chế biến, đáp ứng các đơn hàng đã ký kết. Hiện nay, mức phổ biến đáp ứng nguyên liệu ở các DN tôm là 2/3; thậm chí có ngày còn ít hơn, chỉ ½. Mặt khác, tôm cỡ lớn cũng giảm so năm trước. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho các DN tôm trả nợ đơn hàng.

Trong bối cảnh nêu trên, tại thị trường Hoa Kỳ giá cả tiêu thụ lại có xu thế giảm vì tôm giá rẻ từ Ấn Độ và Ecuador thâm nhập mạnh mẽ. Lại thêm tôm không thuế chống bán phá giá từ Indonesia khiến bức tranh tôm ở đây có màu tối đối với tôm chúng ta. Điều này có ý nghĩa tích cực là các DN tôm sẽ không thiếu nợ nhiều hợp đồng tại thị trường này. Các DN tôm ta cũng liệu cơm gắp mắm, tập trung bán hàng vào các thị trường có mặt mạnh như tỉ suất lợi nhuận tốt, ổn định; có cách thức chế biến hàng phù hợp trình độ DN mình.

Hoàn cảnh này, thị trường mục tiêu là Nhật Bản. Sách lược thị trường này thể hiện rõ nét ở thị phần năm qua và 6 tháng đầu năm nay, tiêu biểu là Minh Phú, Sao Ta… Mẫu mã sản phẩm tôm cung ứng thị trường Nhật Bản hết sức đa dạng, đòi hỏi chế biến tỉ mỉ, cầu kỳ, đẹp mắt…, toàn là hàng tinh chế. Như vậy, năng suất sẽ không cao, mức tăng sản lượng không mạnh, nhưng hết sức phù hợp trong bối cảnh tình hình tôm ta hiện nay. Mặt khác chi phí cước tàu tới Nhật Bản không cao so các tuyến vận chuyển xa (Mỹ, EU) sẽ không làm tăng ảo giá bán, khiến việc tiêu thụ thuận lợi hơn. Một điểm cũng đáng nêu ra là chiến tranh Đông Âu khiến tỉ lệ lạm phát tại khu vực EU tăng cao, và Mỹ cũng rơi vào hoàn cảnh này, trong khi mức lạm phát tại Nhật Bản thấp hơn, cũng là một lợi thế cho việc duy trì tiêu thụ.

Nói gì thì nói, kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay sẽ cao hơn hẳn năm rồi, ít nhất 10%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Lý do là thành quả 6 tháng đầu năm sẽ là nền tảng để ngành tăng tốc. Năm nay, ngành phấn đấu đạt sản lượng tôm thương phẩm 1 triệu tấn. Mức phấn đấu này còn phụ thuộc thời tiết ở 6 tháng cuối năm, nhưng có căn cứ để đạt mốc này. Đó là chuỗi hợp tác nuôi mới giữa nhà cung ứng, ngân hàng, đại lý và người nuôi ngày càng thể hiện tích cực rõ nét hơn. Năm 2022 sẽ là một năm tiếp tục thành công của ngành tôm ta.

Tóm lại, bức tranh tôm ta ở 6 tháng cuối năm có vẻ không khởi sắc bằng đầu năm. Tuy nhiên, chúng ta có lòng tin vào sự linh hoạt của người nuôi tôm và chuỗi hợp tác nuôi tôm; có lòng tin vào sự nhạy bén của đội ngũ doanh nhân ngành tôm với sách lược thị trường uyển chuyển, phù hợp; ngành tôm sẽ vượt qua khó khăn và sẽ gặt hái thành công mới, cao hơn hẳn thành quả năm qua.

TS. Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN