Giải pháp hiệu quả để kiểm soát khí độc trong ao nuôi tôm cá

Trong ao nuôi tôm cá luôn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện khí độc nguy hiểm, người nuôi phải hiểu về nguyên nhân phát sinh, tác hại và quan trọng nhất là nắm bắt các giải pháp hiệu quả để kiểm soát chúng.

Nguyên nhân phát sinh khí độc trong ao nuôi tôm cá

Khí độc trong ao nuôi có nhiều loại với tính chất và hàm lượng gây độc khác nhau, các khí độc điển hình thường thấy nhất là H2S, NH3, NO2… Nguyên nhân xuất hiện khí độc trong ao rất đa dạng, trong đó cần lưu ý các vấn đề chính sau:

Cải tạo ao không tốt: Khi cải tạo ao nuôi không đạt kỹ thuật thì chất thải, khí độc tích tụ từ vụ nuôi trước làm tăng nguy cơ phát sinh khí độc ở vụ tiếp theo. Đặc biệt là đối với các ao đất nuôi lâu và liên tục, chất thải tích lũy qua nhiều năm thấm sâu vào bùn đất đáy ao dẫn đến khí độc tiềm ẩn khó kiểm soát.


Ao nuôi cải tạo không đúng kỹ thuật làm tăng nguy cơ phát sinh khí độc ở vụ tiếp theo

Dư lượng thức ăn tích tụ: Thức ăn thừa là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm phát sinh khí độc trong ao nuôi tôm cá. Thông thường, trong nuôi tôm cá sử dụng thức ăn công nghiệp thì lượng thức ăn thừa rất lớn, khi đó Phospho và Nitrogen trong thức ăn không được tôm cá sử dụng sẽ tan vào môi trường nước, tích tụ dưới đáy ao dẫn đến nguy cơ gây phát sinh khí độc trong ao nuôi.

Chất thải của tôm cá: Thường thì tôm cá chỉ hấp thụ phần nhỏ dinh dưỡng trong thức ăn, phần còn lại sẽ bài tiết vào nước, sau đó lắng đọng chung với thức ăn dư thừa thành mùn bã hữu cơ. Trong điều kiện yếm khí, chúng bị vi khuẩn phân hủy thành chất gây độc cho tôm cá.

Tảo tàn: Khí độc còn có thể phát sinh từ hiện tượng tảo tàn, thường xảy ra khi thời tiết nắng gắt hoặc khi có mưa đột ngột. Nếu là tảo độc thì khi tảo tàn sẽ giải phóng chất độc vào nước, trực tiếp làm chết tôm cá. Nếu tảo không độc cũng gây tích tụ nhiều chất hữu cơ, làm suy giảm chất lượng nước nghiêm trọng.

Tác hại của khí độc trong ao nuôi tôm cá

Khí độc trong ao nuôi có thể gây độc cấp tính khiến tôm cá chết nhanh, đồng loạt hoặc gây độc mãn tính làm tôm cá chậm lớn, dễ nhiễm mầm bệnh cơ hội. Tùy theo từng loại khí độc sẽ có tác hại nhanh hay chậm đối với tôm cá, nhưng thường việc gây độc cấp tính hay mãn tính là do hàm lượng quyết định.

Ví dụ, H2S được xem là sát thủ trong ao nuôi tôm, với đặc trưng làm tôm chết nhanh và đồng loạt. Tuy nhiên, H2S còn có thể gây nhiễm độc mãn tính cho tôm. Nhìn chung, hàm lượng H2S gây độc cấp tính cho tôm là 0.006 – 0.048ppm, mãn tính là 0.002 – 0.011ppm tùy thuộc vào pH, nhiệt độ, DO trong nước. H2S tác động trong một thời gian dài, nguy cơ bệnh đen mang, ốp thân, ăn ít hoặc bỏ ăn, làm suy thoái các quá trình sinh lý và miễn dịch của tôm khiến tôm dễ nhiễm các mầm bệnh do vi khuẩn, virus.

Cá nuôi chết hàng loạt do khí độc.

Dấu hiệu ban đầu của tôm cá nhiễm độc là ăn yếu hoặc giảm ăn, nổi đầu bơi lờ đờ trên mặt nước, lúc này nếu can thiệp kịp thời có thể giảm thiệt hại cho ao nuôi. Khi ao đã phát sinh khí độc thì thường khó xử lý hiệu quả và gây thiệt hại lớn. Do đó, việc phòng ngừa, kiểm soát từ đầu vẫn là giải pháp tối ưu nhất đối với khí độc trong ao nuôi tôm cá.

Kiểm soát khí độc trong ao nuôi tôm cá

Để kiểm soát khí độc, phải khắc phục những vấn đề từ nguyên nhân phát sinh như cần cải tạo ao tốt trước khi nuôi, cho ăn đủ tránh dư thừa gây tích tụ mùn bã dưới đáy ao. Ao nuôi phải bố trí hệ thống quạt nước, hệ thống xi phong đáy ao để thu gom chất thải. Trong suốt quá trình nuôi, người nuôi theo dõi màu nước và tảo, thường xuyên kiểm tra chỉ số môi trường, nên tiến hành xử lý nước và đáy định kì.

Nguồn tin: TSTB