Giải bài toán môi trường trong nuôi tôm bằng công nghệ biogas 4.0

Nông dân thực hiện mô hình cho rằng cần nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas trong thâm canh tôm thẻ chân trắng để bảo vệ môi trường.


Ông Lê Văn Bền nói về hiệu quả môi trường của việc ứng dụng hầm biogas. Ảnh: Minh Đảm.

Thời gian qua, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao tại Trà Vinh. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều kiện môi trường ao nuôi.

Để hạn chế thiệt hại, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh đã xây dựng và ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường.

Mục tiêu, nhằm ương ra con giống lớn, chất lượng, phục vụ cho nuôi thương phẩm, hạn chế dịch bệnh, nhằm phát triển ổn định và nâng cao hiệu quả của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng.

Để tiến hành triển khai dự án dự án, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh đã tiến hành tập huấn cho nông dân về kỹ thuật nuôi, ghi chép nhật nhật ký, ứng dụng công nghệ trong nuôi tôm thẻ thâm canh mật độ cao và nguyên lý hoạt động của hầm biogas trong bảo vệ môi trường.

Qua đó, dự án cho được 2 hộ nuôi: Nguyễn Hoàng Kim Đính thực hiện mô hình tại xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang (quy mô: 1ha) và Lê Văn Bền thực hiện mô hình tại xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải (quy mô: 1ha). Dự án đã lắp đặt 2 bộ giám sát môi trường, xây dựng 2 hầm biogas cho 2 hộ tham gia mô hình.

Qua triển khai, tôm nuôi trong mô hình đạt hiệu quả rất cao so với các hộ nuôi lân cận. Cùng mật độ thả nuôi nhưng tỷ lệ sống của tôm dự án là 94% cao hơn 24% so với hộ nuôi truyền thống. Kích cỡ tôm thu hoạch đạt 55 con/kg, năng suất đạt 34 tấn/ha, hệ số thức ăn chỉ 1.2.

Nói về hiệu quả kinh tế của mô hình ứng dụng hệ thống cảnh báo môi trường tự động giúp quản lý tốt các yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, độ mặn, oxy hòa tan, từ đó giảm rủi ro, thiệt hại, giảm công chăm sóc và giám sát môi trường ao nuôi, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho các hộ tham gia.

Qua đánh giá, năng suất của mô hình nuôi đạt 34 tấn/ha/vụ với giá thành sản phẩm khoảng 88.000 đồng/kg, giá bán 117,500 đồng/kg, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/ha/vụ, cao hơn so với nuôi truyền thống khoảng 670 triệu đồng, so với thuyết minh khoảng 324 triệu đồng.


Bộ giám sát môi trường nước nuôi tôm tiết kiệm công lao động. Ảnh: Minh Đảm.

Đặc biệt, sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn sinh học, chủ động kiểm soát được dịch bệnh, không sử dụng kháng sinh và hóa chất, chất thải đưa vào hầm bioga không thải trực tiếp ra bên ngoài nên hạn chế ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm thâm canh mật độ cao như hiện nay.

Ông Lê Văn Bền, hộ dân tham gia mô hình đánh giá hiệu quả bảo vệ môi trường rất tốt. Trước đây, khi chưa sử dụng hầm biogas nước thải ra sông đen ngòm, nhiều hộ nuôi khiếu kiện lẫn nhau. Hiện ông Bền cho rằng, cần khuyến cáo nhân rộng mô hình sử dụng biogas trong xử lý chất thải xi-phông nuôi tôm công nghệ cao. Bên cạnh đó, ông tiết kiệm được công lao động kiểm tra giám sát môi trường nuôi từ 4 người xuống còn 2 người bởi các chỉ số môi trường nuôi được thể hệ qua ứng dụng kết nối với điện thoại.

“Bể biogas bằng vật liệu composite của Công ty Thanh Đồng nhẹ, dễ di chuyển, 17 khối nhưng xử lý rất tốt chất thải xi-phông cho 4 ao nuôi (khoảng 5.000m2). Toàn bộ chất thải rắn nằm lại bể biogas hết. Hiệu quả rất tốt cho môi trường”, ông Bền phấn khởi nói về hiệu quả trước mắt.

Theo ông Nguyễn Văn Phùng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh, Chủ nhiệm dự án cho biết, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (penaeus vannamei) thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường đã góp phần giúp người nuôi quản lý tốt các yếu tố môi trường từ đó giảm công lao động, chăm sóc và quản lý ao nuôi, tăng tỷ lệ sống, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng đơn vị diện tích.

Minh Đảm

Nongnghiep.vn