Dinh dưỡng và quản lý thức ăn trong nuôi tôm vụ đông

Trong nuôi tôm vụ đông bất lợi về nhiệt độ thấp khiến rủi ro tăng cao, vì vậy dinh dưỡng và quản lý thức ăn cần được đặc biệt lưu tâm.

Trước đây, mùa đông được coi như thời gian nghỉ đối với các trang trại nuôi tôm ở miền Bắc của nước ta do tôm nuôi thường khó có thể thích nghi với đặc điểm thời tiết của giai đoạn này. Tuy nhiên với những tiến bộ của khoa học công nghệ trong nhiều năm trở lại đây, vụ tôm đông đang dần trở thành một hướng đi hiệu quả. Hiện nay, các tỉnh thành phía Bắc của nước ta đang nuôi vụ đông, vì thế nên các trang trại và hộ nuôi tôm cũng cần có những lưu ý trước khi chuẩn bị cho việc thả giống và chăm sóc tôm trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp. 

Bất lợi của nhiệt độ thấp trong nuôi tôm vụ đông

Nhiệt độ là một trong những yếu tố vật lý quan trọng nhất đối với sự sinh trưởng và phát triển của các loài động vật thủy sản do hầu hết các loài này đều là các sinh vật sinh nhiệt. Sự kiểm soát nhiệt độ của cơ thể động vật thủy sản phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ của môi trường nước. Theo một số nghiên cứu trước đây của Madeira (2015) và Ping Yang (2018), sự biến động bất thường của nhiệt độ sẽ dẫn đến hiện tượng stress trên tôm, suy giảm hệ miễn dịch và rất dễ mẫn cảm với một số tác nhân gây bệnh.

Hơn nữa, khi gặp các điều kiện bất lợi về sự thay đổi nhiệt độ, các cơ quan và hệ cơ quan của tôm cũng sẽ bị ảnh hưởng, qua đó làm giảm tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn. Khi nhiệt độ tăng vượt quá nhiệt độ tối ưu, tốc độ tăng trưởng của tôm sẽ chậm lại, sau đó sẽ có xu hướng giảm xuống và tôm sẽ chết nếu tiếp tục tăng. Tương tự, đối với các mức nhiệt độ thấp và giảm đến ngưỡng dưới của thang nhiệt độ sinh học, tình trạng tương tự cũng xảy ra.

Nhiệt độ là yếu tố bất lợi đầu tiên trong vụ tôm đông. Ảnh: Công Minh.

Theo một nghiên cứu của Đại Học Kasesart (Thái Lan) năm 2012, ở mức nhiệt dưới 25ᵒC, tôm thẻ chân trắng sẽ có hiện tượng hạn chế sự bắt mồi và tốc độ tiêu hóa cũng giảm đi đáng kể. Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi James Wyban cho thấy rằng tốc độ tăng trưởng đặc trưng (SGR) của tôm thẻ kích cỡ 10 gram với mức nhiệt độ 23ᵒC cũng giảm đi 3 lần so với mức nhiệt độ 27 và 30ᵒC.

Cùng với đó thì tỷ lệ thu nhận thức ăn (FI) và hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) của tôm được nuôi ở mức nhiệt cao hơn cũng có hiệu quả tốt hơn. Điều này đơn giản có thể lý giải bởi ở mức nhiệt thấp, sự trao đổi chất cũng như hoạt động của hệ vi sinh đường ruột trong cơ thể của tôm bị giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, trong điều kiện này thì tôm cũng bị giảm cường độ hô hấp, qua đó làm giảm hoạt động của các enzyme và dẫn tới sự thu nhận thức ăn không ở mức tối ưu.

Nguy hiểm hơn, tình trạng biến động nhiệt độ kéo dài có thể dẫn tới trạng thái stress cục bộ trên tôm nuôi. Điều này đã được chứng minh qua các công trình khác nhau như nghiên cứu Yi-HongChen (2019) về sự suy giảm miễn dịch và nhiễm bệnh đốm trắng ở tôm bị stress; hay như nghiên cứu của Zhenlu Wang (2019) về sự biến đổi bất thường của mô trong gan tụy cũng như sự giảm biểu hiện của các gene điều hòa miễn dịch của tôm khi nhiệt độ giảm sâu.

Ngoài ra, với điều kiện nhiệt độ thấp, tôm sẽ hạn chế bơi lội nhiều và có xu hướng hoạt động ở tầng đáy của ao nuôi nhiều hơn, qua đó dễ làm tăng nguy cơ trúng độc khí đáy hay có thể nhiễm các bệnh liên quan đến nấm.

Nhiệt độ thấp ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng và phát triển của tôm (Nguồn: Fish & Shellfish Immunology Volume 92, September 2019, Pages 438-449)

Quản lý dinh dưỡng khi nuôi tôm vụ đông

Đối với nuôi tôm vụ đông, đây là thời điểm nuôi có thể mang lại lợi nhuận cao hơn nhưng cũng đi kèm với những rủi ro tiềm tàng. Vì vậy, việc quản lý thức ăn đặc biệt cần lưu tâm.

  • Thông thường, do tính ăn của tôm sẽ giảm đi đáng kể khi nhiệt độ hạ xuống thấp nên lượng thức ăn cung cấp cho tôm cũng không cần thiết ở mức đúng như nhu cầu ở các vụ khác trong năm. Thêm vào đó, sử dụng phương pháp cho ăn nhiều lần trong ngày ở nhiều thời điểm khác nhau cũng là cách để người nuôi kiểm soát tốt hơn lượng thức ăn cho tôm. D.M.Smith (2002) và ROBERTSON (1995) đã chứng minh được hiệu quả của phương pháp trên.
  • Nhiệt độ thấp làm suy giảm hoạt động của hệ vi sinh đường ruột và các enzyme, nên người nuôi cần lưu ý bổ sung các sản phẩm probiotics hay prebiotics để duy trì và thúc đẩy các yếu tố nêu trên. Ngoài ra, sự phát triển của vi sinh đường ruột có lợi sẽ giúp tôm hạn chế mắc các bệnh đường ruột và các bệnh liên quan đến tiêu hóa khác. Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra hiệu quả của các sản phẩm sinh học đến việc cải thiện tăng trưởng và sức khỏe cho tôm nuôi.
  • Các yếu tố tăng cường miễn dịch cũng nên được thường xuyên bổ sung trong thức ăn của tôm chẳng hạn như các loại vitamin và một số chiết xuất thảo dược.
  • Khoáng chất cũng nên được bổ sung nhưng ở mức độ vừa phải vì tôm sẽ có tốc độ lột xác chậm hơn vào mùa đông.

Tôm vụ đông mang lại lợi nhuận cao nhưng cũng tiềm tàng rủi ro. Ảnh: Nguyễn Duy Mạnh.

Ngoài các lưu ý về quản lý thức ăn, người nuôi cũng cần có những sự chuẩn bị và duy trì nguồn nước hợp lý sao cho phù hợp với điều kiện mùa lạnh. Trước khi thả giống cần làm sạch đáy ao và nguồn nước đầu vào vì mùa lạnh có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bệnh đốm trắng và hội chứng hoại tử gan tụy cấp.

Duy trì mực nước cao hơn mùa nóng và thực hiện các biện pháp tạo oxy thường xuyên cũng như sử dụng các sản phẩm làm sạch môi trường định kỳ. Đối với các mô hình nuôi ngoài trời, khuyến khích người nuôi sử dụng các hình thức che chắn để giảm sự biến động nhiệt độ nước.

Mô hình nuôi tôm trong nhà vào mùa đông tại Campbellford, Ont, Canada (Ảnh: Kevin Van Paassen – Theglobeandmail.com) 

Nhìn chung, vụ tôm vào mùa đông tuy rằng có nhiều rủi ro, nhưng nếu có những biện pháp quản lý tốt, người nuôi vẫn có khả năng để thể kiểm soát được tình hình và lợi nhuận. Hiện nay, một số quốc gia châu Á đã có thể triển khai nuôi tôm vụ đông thành công như Canada, Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Còn tại Việt Nam, nhiều địa phương cũng đã có nhiều trang trại triển khai và áp dụng tốt như Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng và Ninh Bình. Với nhu cầu từ thị trường tăng mạnh vào thời điểm cuối năm, lợi nhuận trên mỗi kg tôm gấp 1,5 đến 2 lần so với các vụ chính. Vì vậy, đây hoàn toàn là tiềm năng lớn để các địa phương và hộ nuôi tận dụng các diện tích nuôi sẵn có, qua đó góp phần nâng cao giá trị và đóng góp của nghề nuôi tôm.

Tác giả: L.X.C @LCX

Nguồn tin: Tepbac.com