Bến Tre: Khuyến cáo các biện pháp phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên tôm nước lợ

Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công văn (số 1422) về việc khuyến cáo các biện pháp phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên tôm nước lợ; chủ động phòng, chống thiên tai năm 2022.


Khuyến cáo đối với nuôi tôm nước lợ.

Theo đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm có thể xuất hiện nhiều hình thái thiên tai như: Mưa giông, áp thấp nhiệt đới, bão, thời tiết thay đổi cực đoan gây bất lợi cho nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt là do năm nay đầu mùa mưa dồn dập làm thay đổi đột ngột các yếu tố môi trường nước các ao đang nuôi như: Nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm… đã làm xuất hiện các bệnh đốm trắng, phân trắng và hội chứng tôm chậm lớn trên tôm nước lợ nuôi tại các vùng nuôi tập trung 3 huyện ven biển. Trước tình hình đó, Chi cục Thủy sản đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh.

Đối với tôm nước lợ, các khu vực không xuất hiện các bệnh nguy hiểm nên thả với mật độ thưa và thả cuốn chiếu nếu có nhiều ao nuôi. Mật độ tôm thẻ thả nuôi theo hình thức thâm canh từ 60 – 80 con/m2 (thả nuôi theo hình thức công nghệ cao từ 150 – 200 con/m2); tôm sú từ 20 – 25 con/m2 và giống trước khi thả phải được xét nghiệm không nhiễm các bệnh nguy hiểm (bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô).

Trong quá trình nuôi nên bổ sung vi sinh hữu ích để xử lý môi trường nước ao nuôi, trộn vi sinh hữu ích vào thức ăn cho tôm ăn để khống chế và ngăn ngừa bệnh; cần bổ sung vitamin C, acid hữu cơ, khoáng chất, men tiêu hóa nâng cao sức đề kháng cho tôm.

Định kỳ trộn các sản phẩm thảo dược có bán trên thị trường cho tôm ăn để phòng bệnh theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật hoặc nhà sản xuất. Nếu ao tôm nước lợ đang nuôi chưa đạt cở thương phẩm (<100con/kg) do các loại vi khuẩn gây bệnh nên sử dụng các sản phẩm diệt khuẩn định kỳ và trộn thảo dược cho tôm ăn. Nếu đạt kích cở thương phẩm thì thu hoạch ngay tránh thiệt hại.

Nước cấp bổ sung vào ao tôm nước lợ đang nuôi phải được xử lý triệt để các mầm bệnh nguy hiểm bằng hóa chất Chlorine với liều lượng 30kg/1000m3 mới cấp vào ao nuôi.

Đối với công tác phòng, chống thiên tai trong nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thuỷ sản khuyến cáo trước khi có mưa bão cần tập trung cho việc cải tạo, tu sửa, gia cố hệ thống ao nuôi hoặc đặt ống xả tràn, các công trình phụ trợ tại cơ sở đảm bảo an toàn khi mưa, bão đến. Đối với hình thức nuôi lồng bè tại huyện Châu Thành, Chợ Lách và Bình Đại thì gia cố, tu sửa hệ thống dây neo lồng bè, nhà ở, nhà kho trên bè.

Chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu và trang thiết bị đảm bảo ổn định trong hoạt động sản xuất. Các đối tượng nuôi thủy sản khi đạt kích cỡ thương phẩm thì chủ động thu hoạch ngay để hạn chế thiệt hại do bão có thể xảy ra. Nếu chưa đạt cở thương phẩm thì di dời đến nơi an toàn…

Sau mưa, bão, cần xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; duy trì mở quạt nước trước, trong và sau khi mưa, bão nhằm hạn chế phân tầng nước và cung cấp đủ oxy cho tôm nuôi. Kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao nuôi duy trì trong khoảng thích hợp nhất để tôm sinh trưởng tốt. Sử dụng các sản phẩm chống sốc như: Yuca, c-tạt, các loại khoáng nhằm tránh gây sốc cho tôm đang nuôi.

Tin, ảnh: Cẩm Trúc

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi