Biến chất thải gỗ thành thức ăn thủy sản tiềm năng

[Người Nuôi Tôm] – Với 10 triệu USD tài trợ từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), các nhà nghiên cứu của Đại học Maine đang chuyển đổi chất thải gỗ thành nhiên liệu phản lực bền vững và thức ăn nuôi trồng thủy sản.

Chất thải từ gỗ có tiềm năng trong sản xuất thức ăn thủy sản (Ảnh: ST)

 

Hàng triệu pound gỗ giá trị thấp, như cây nhỏ và cành cây, đã bị bỏ lại trong các khu rừng của Maine do sản lượng giấy và bột giấy giảm, hạn hán, cháy rừng và nhu cầu giảm. Tuy nhiên, gỗ chất lượng thấp có hợp chất hữu cơ gọi là lignin có thể biến thành nhiên liệu và đường có thể chế biến thành protein cho thức ăn thủy sản.

Giám đốc FBRI Clayton Wheeler, cho biết: “Viện Nghiên cứu Sản phẩm Sinh học Rừng (FBRI) rất vui mừng được dẫn đầu dự án liên ngành này. Nguồn tài trợ mới là chìa khóa để phát triển các thị trường sáng tạo và bền vững cho sinh khối rừng chưa được sử dụng hết, đồng thời ưu tiên các giá trị toàn diện quan trọng để thúc đẩy phát triển nông thôn công bằng ở Maine”.

Dự án Gỗ bền vững làm nhiên liệu và thức ăn thủy sản nhằm tăng cường nền kinh tế sinh học của Hoa Kỳ, có sự tham gia của nhiều đối tác: FBRI, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (ARI), Đại học Massachusetts Lowell (UMass Lowell), Dịch vụ nghiên cứu nông nghiệp USDA (ARS) và Arbiom, một nhà sản xuất thành phần protein cho thực phẩm của người và động vật có trụ sở tại Bắc Carolina và Pháp.

FBRI sẽ tách đường, lignin và các thành phần khác ra khỏi gỗ. Sau đó, sử dụng quy trình lên men đặc biệt của mình để biến chúng thành protein. ARS và ARI sẽ hợp tác để trộn các protein này vào thức ăn thủy sản và tiến hành nghiên cứu về sự tăng trưởng và tiêu hóa.

Thức ăn thủy sản, thường bao gồm bột cá và dầu cá, là một khoản chi phí lớn cho nuôi trồng thủy sản. Tạo protein từ đường gỗ làm thức ăn cho cá có thể rẻ hơn và bền vững hơn, giảm sự phụ thuộc vào bột cá và nghề cá tự nhiên.

Giám đốc ARI Debbie Bouchard, cho biết: “Bằng cách chuyển đổi gỗ chất lượng thấp thành thành phần cho thức ăn cho cá bền vững, chúng tôi không chỉ giải quyết nhu cầu quan trọng trong nuôi trồng thủy sản mà còn nâng cao giá trị kinh tế của các khu rừng Maine. Cách tiếp cận sáng tạo này sẽ mở đường cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững và có khả năng phục hồi tốt hơn”.

Tú Linh (Theo Global Seafood)