Thiết lập và tối ưu hóa quy trình Realtime PCR phát hiện DIV1 gây bệnh trên tôm

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Kết quả nghiên cứu cho thấy hai quy trình realtime PCR sử dụng plasmid chứa gen MCP và ATPase đã được thiết lập và tối ưu hoá trong nghiên cứu này đảm bảo độ tin cậy và có thể ứng dụng để tầm soát và kiểm soát bệnh DIV1 cho các phòng thí nghiệm tại Việt Nam.

Decapod iridescent virus 1 (DIV1) được phát hiện lần đầu tiên trên tôm càng đỏ tại Phúc Kiến, Trung Quốc. Sau đó, tác nhân này được xác định là nguyên nhân gây chết hàng loạt tôm thẻ chân trắng tại một số tỉnh ven biển của Trung Quốc. Hiện virus này đã gây bệnh trên nhiều loại tôm, trong đó có một số loài nuôi chủ lực của Việt Nam như: tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei), tôm sú (Penaeus monodon), tôm càng xanh (Macrobanchium rosenbergii) và tôm càng sông (Macrobanchium nipponense). Dù chưa có công bố về lưu hành DIV1 tại Việt Nam, tuy nhiên cần có biện pháp chủ động ứng phó với loại dịch bệnh này. Trong bối cảnh giá trị xuất khẩu ngành hàng tôm của nước ta đang phát triển mạnh mẽ, việc phát triển sớm phương pháp xét nghiệm DIV1 nhằm tầm soát, kiểm soát dịch bệnh này là vô cùng cần thiết.

Mẫu plasmid chứa hai đoạn gen đích của DIV1 là MCP và ATPase được sử dụng để thiết lập và tối ưu hoá quy trình với lượng mồi dò probe ở các nồng độ 0,1; 0,15 và 0,2µM. Độ nhạy, hiệu suất, mức độ đặc hiệu, mức độ ổn định giữa các lần xét nghiệm và kết quả đối sánh liên phòng thí nghiệm được chuẩn hoá trong và ngoài nước được sử dụng để đánh giá hiệu quả và giá trị sử dụng của quy trình. Kết quả nghiên cứu cho thấy quy trình realtime PCR ở nồng độ mồi dò 0,2µM cho thấy khả năng phát hiện tối ưu nhất. Giới hạn phát hiện của phản ứng lần lượt là 13,6 và 14,3 bản sao plasmid/phản ứng, hiệu suất lần lượt là 98,9% và 92,6%. Phản ứng có độ đặc hiệu cao (không có phản ứng với các mẫu tôm dương tính với WSSV, IHHNV, AHPND, EHP) và ổn định (CV < 15%). Kết quả nghiên cứu cho thấy hai quy trình realtime PCR sử dụng plasmid chứa gen MCP và ATPase đã được thiết lập và tối ưu hoá trong nghiên cứu này đảm bảo độ tin cậy và có thể ứng dụng để tầm soát và kiểm soát bệnh DIV1 cho các phòng thí nghiệm tại Việt Nam.

Chi tiết tham khảo tại: https://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2024/02/tap-chi-so-2.8.pdf

                                                                                                NCM Bệnh Thủy sản 

Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam