Tập đoàn Bühler Thụy Sỹ: Cải tiến công nghệ và phát triển bền vững trong sản xuất thức ăn thủy hải sản

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Những giải pháp, phương thức, công nghệ đã được các quốc gia hàng đầu về sản xuất thức ăn thủy hải sản áp dụng là “chìa khóa” giúp các nhà sản xuất thức ăn thủy hải sản tại Việt Nam có thể tiết kiệm năng lượng, cải tiến quy trình, tối ưu việc sử dụng nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất của mình. Từ đó, các nhà máy thức ăn thủy hải sản có thể tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng, năng suất, hạ giá thành sản phẩm, giúp cho ngành thủy hải sản Việt Nam tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Đó là thông điệp được chia sẻ tại hội thảo “Cải tiến công nghệ và phát triển bền vững trong sản xuất thức ăn thủy hải sản”, do Công ty TNHH Bühler Asia Việt Nam Việt Nam tổ chức ngày 20/6/2023, tại KS Nikko SaiGon, TP. Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Hồ Mộng Hải – Phó Trưởng phòng đại diện Cục chăn nuôi phía Nam; ông Phillip Hug – Giám đốc ngành Giải pháp thức ăn chăn nuôi Tập đoàn Bühler Thụy Sỹ; ông Chao Luan – Giám đốc ngành thức ăn thủy hải sản Bühler Tập đoàn Bühler Thụy Sỹ; ông Jan Jonkers – Chuyên gia ngành thức ăn thủy hải sản tại châu Âu; ông Richard Li – Giám đốc kinh doanh quốc tế Bühler Trung Quốc; ông Asif Abbas – Giám đốc điều hành Bühler Việt Nam; bà Đinh Nguyễn Uyên Nhung – Giám đốc kinh doanh Bühler Việt Nam; ông Nguyễn Duy Hải – Giám đốc kinh doanh ngành thức ăn chăn nuôi Bühler Việt Nam… và hơn 40 đại diện đến từ các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản hàng đầu tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Theo đó, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản của Việt Nam đang đứng Top 10 thế giới về sản lượng, tuy nhiên từ sau đại dịch Covid-19, ngành đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt nhất chính là về nguồn cung nguyên liệu và giá nguyên liệu thiếu ổn định. Điều này vẫn còn kéo dài đến hiện tại và mang lại rất nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất. Đây chính là lúc mà việc kiểm soát các chi phí vận hành, tối ưu quy trình sản xuất và đặc biệt là phát triển bền vững trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Vì vậy, hội thảo tập trung về chủ đề thức ăn thủy hải sản với những nội dung chính sau: Tổng quan và xu hướng ngành thức ăn thủy sản; công nghệ chế biến thức ăn cá biển; công nghệ ép viên & ép đùn thức ăn cho tôm; kiểm soát tỷ trọng sản xuất.

Bühler coi trọng và đồng hành cùng ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản Việt Nam

Ông Phillip Hug – Giám đốc ngành Giải pháp thức ăn chăn nuôi Tập đoàn Bühler (Thụy Sỹ)

Phát biểu tại hội thảo, ông Phillip Hug – Giám đốc ngành Giải pháp thức ăn chăn nuôi Tập đoàn Bühler (Thụy Sỹ) cho biết, Bühler là tập đoàn đa quốc gia từ Thụy Sỹ, có tuổi đời hơn 160 năm và hiện diện tại hơn 140 quốc gia trên thế giới. Tập đoàn Bühler hoạt động trong lĩnh vực cung cấp giải pháp và thiết bị công nghiệp chế biến thực phẩm, nông sản sau thu hoạch và sản xuất vật liệu công nghệ cao. Năm 2022, doanh thu của tập đoàn là gần 3 tỷ Franc Thụy Sỹ.

Các sản phẩm của Bühler hiện diện rất nhiều trong đời sống con người từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ, từ trong xe hơi, tới trên bàn ăn, trong mỹ phẩm làm đẹp cho phụ nữ…. Chúng tôi là công ty dẫn đầu trong ngành như khuôn mẫu, vật liệu cao cấp, do có giải pháp đi đầu vừa vĩ mô, vừa cụ thể.

Châu Á là thị trường quan trọng của Tập đoàn, chiếm 20-30% doanh số, sau đó là châu Âu và một số nơi khác như Trung Đông và châu Phi. Bühler xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ XX và chính thức có mặt tại Việt Nam từ năm 1996. Hiện nay, nhà máy sản xuất của Bühler tại Việt Nam đặt tại KCN Hòa Bình, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An với diện tích 10.000m²; không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất đi các quốc gia khác.. Bühler Việt Nam còn có thêm 2 văn phòng kinh doanh tại Sài Gòn, Hà Nội, 2 trạm dịch vụ tại Bình Dương và Cần Thơ.

“Sự hiện diện của Bühler ngày càng nhiều trên bản đồ của Việt Nam và ngày càng hiệu quả, bền vững”, ông Phillip Hug khẳng định.

Ngành công nghệ, thiết bị chế biến – sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản đóng một vai trò quan trọng đối với Bühler Group nói chung, đặc biệt tại thị trường châu Á và Việt Nam nói riêng. Bühler có công nghệ nổi tiếng như máy nghiền HammerMill, máy nghiền siêu mịn Pulverex, máy ép đùn, máy ép viên…. Đồng thời cũng bao gồm các giải pháp kỹ thuật số như kiểm soát độ ẩm PelletingPro mà chưa từng có trên thị trường…

Hầu hết khách hàng lớn trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam đang sử dụng công nghệ Bühler: Mavin Austfeed, De Heus, Cargill, CJ, Japfa, Gold Coin, Uni President, Biomin, Greenfeed, Việt Thắng, Thăng Long, Haid, DSM, Nutreco….

Bài học từ thị trường thủy, hải sản của Trung Quốc

Ông Chao Luan – Giám đốc ngành thức ăn thủy hải sản Bühler Trung Quốc

Tại hội thảo, ông Chao Luan – Giám đốc ngành thức ăn thủy hải sản Bühler Trung Quốc, cho biết, thị trường thức ăn thủy sản của toàn cầu đã đạt tới 52,9 tỷ USD, và tốc độ tăng trưởng khoảng 3%/năm (số liệu của Alltech). Châu Á chính là nơi tăng trưởng sản lượng thức ăn thủy sản mạnh nhất, với tốc độ khoảng 8%/năm.

20 năm qua, nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh nhưng đánh bắt giảm đi, trong tương lai kỳ vọng nuôi trồng nhiều so đánh bắt. Trung Quốc chiếm 47% dành cho thức ăn thủy sản toàn cầu, tiếp theo là châu Á- TBD, sau đó châu Âu và Bắc Mỹ.

Sự phát triển của ngành thức ăn thủy sản được Bühler nhìn nhận dựa trên
3 yếu tố đó là tiêu thụ, xuất khẩu và giống loài.

1. Tiêu thụ

Theo thống kê của FAO, năm 2019, trên toàn thế giới, tổng mức tiêu thụ là 157,7 triệu tấn thủy sản và mức bình quân là 20,5kg/người. Châu Á chiếm trên 70% mức tiêu thụ, trong đó riêng Trung Quốc chiếm 47%.

Mức tiêu thụ bình quân đầu người chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như lựa chọn tiêu dùng, giá cả, ý thức dinh dưỡng, thu nhập…Nhưng dân số vẫn là yếu tố quyết định sản lượng tiêu thụ. 2. 2. Xuất khẩu

Năm 2020, Top 10 quốc gia xuất khẩu thủy hải sản đó là Trung Quốc trên 18 tỷ USD; NaUy trên 10 tỷ USD; Việt Nam trên 8 tỷ, sau đó đến Chi lê, Ấn Độ, Thái Lan, Phần Lan, Ecuador, Canada và Liên bang Nga.

2. Giống loài

Tại Trung Quốc, một số loài có tốc độ tăng trưởng nhanh như tôm, cá mú, cá đù lớn màu vàng.

Tại thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ, thì nhập khẩu tôm ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu các loài thủy sản. Cụ thể, năm 2013, tỉ lệ tôm là 16%, đã tăng lên 28% tại Trung Quốc; ở Mỹ, năm 2013, nhập khẩu tôm chiếm 30% và đến năm 2022 là 29%.

Tại Trung Quốc, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm thủy sản ăn nhanh đang phát triển mạnh. Nguyên nhân do công nghệ chế biến thực phẩm ngày càng tăng trưởng tiên tiến, cũng như lối sống công nhiệp, giới trẻ ít có thời gian nấu nướng. Các món ăn nhanh như tôm hùm đất, cháo cá lóc vài năm gần đây tăng trưởng nhanh, lên tới 17,3%, với tổng doanh thu hơn 100 triệu NDT. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản quyết định tự nuôi rồng, chế biến.

Cùng với đó, tại Trung Quốc, các loài thủy sản cao cấp như tôm, cá mú, cá song, cá vược… sẽ phát triển mạnh hơn các loài các truyền thống như trắm, chép..

Ông Chao Luan cũng khẳng định, từ sự thay đổi của thị trường tiêu thụ vói yêu cầu về chất lượng thịt và hình thức bên ngoài, dẫn đến những sự thay đổi trong nuôi trồng cần cải thiện hiệu suất tăng trưởng và khả năng sống. Điều này, dẫn tới việc sản xuất thức ăn ép đùn thay vì thức ăn viên. Và dinh dưỡng của thức ăn thủy sản cần có chức năng chống căng thẳngnâng cao sức khỏe cân bằng dinh dưỡng, nâng cao năng suất sinh trưởng trong giai đoạn sinh trưởng…

Cùng với đó, Trung Quốc đặt mục tiêu năm 2030 sẽ đạt trung hòa carbon,  vì vậy “Xanh” sẽ là năng lực cạnh tranh cốt lõi của các doanh nghiệp thức ăn thủy sản, dựa trên các khía cạnh:

Nguyên liệu thức ăn: Tìm và phát triển các thành phần thức ăn có lượng khí thải carbon tương đối thấp hơn; sử dụng công nghệ sinh học để nâng cao khả năng tiêu hóa.

Công thức và sản xuất thức ăn: Tối ưu hóa quy trình để nâng cao khả năng tiêu hóa; tự động hóa, số hóa để tiết kiệm năng lượng; thức ăn dinh dưỡng hơn.

Nuôi trồng: Cải thiện tăng trưởng bằng quản lý trang trại và công nghệ giống di truyền.

Công nghệ sản xuất thức ăn thủy sản bền vững, hiệu quả

Ông Jan Jonker – chuyên gia tư vấn công nghệ thức ăn thủy sản

Tại hội thảo, ông Jan Jonker – chuyên gia tư vấn công nghệ thức ăn thủy sản, đã có 03 phần trình bày tại hội thảo về các chủ đề: 1. Công nghệ sản xuất cho thức ăn cá biển; 2. Kiểm soát tỉ trọng trong thức ăn Thủy sản; 3.Công nghệ sản xuất cho thức ăn cá biển.

Ông Jan Jonker từng là trưởng bộ phận R&D sản xuất thức ăn chăn nuôi của hãng Skretting từ năm 2008-2022.

Trong bài trình bày: “Công nghệ sản xuất cho thức ăn cá biển”, ông Jan Jonker cho biết, thức ăn thủy sản yêu cầu nghiền mịn hơn so với thức ăn hỗn hợp thông thường. Nghiền là diện tích nhiều hơn, tiêu hóa tốt hơn, ngậm nước nhiều.

Trong quy trình của sản xuất thức ăn cho cá bằng phương pháp ép đùn có các quy trình như: Nguyên liệu thô – định lượng – trộn sơ bộ – nghiền – trộn chính – bộ trôn nhão – ép đùn – sấy – chân không – áo phủ dầu – làm mát – đóng gói. Thì ông Jan Jonker nhấn mạnh vai trò của nghiền mịn và phủ áo dầu chân không.

Cụ thể, lợi ích của nghiền mịn đó là: cải thiện quy trình (dễ dàng tạo ẩm và nấu chín; cải thiện độ hồ hóa tinh bột; giảm lỗ khuôn bị chết); cải thiện chất lượng viên (độ bền cao, ít bụi và gãy viên, nhìn bề ngoài chỉn chu, đẹp, hạt đều, cảm giác tốt); cải thiện hình thức sản phẩm; cải thiện hiệu suất vật nuôi, bền bên ngoài và tôm hấp thụ nhanh trong ruột ngắn.

Ông cho biết, trước kia, nguyên liệu thức ăn thủy sản chỉ có bộ cá, dầu cá, lúa mỳ là chủ yếu; nhưng hiện tại thì nguồn nguyên liệu rất đa dạng như phụ phẩm gia cầm và động vật có vú, đậu nành, hoa hướng dương, hạt cải dầu, thịt côn trùng, dầu gia cầm, dầu hạt cải, dầu tảo, lúa mỳ, bắp lúa mạch, đậu Hà lan, sắn…Vì vậy, hệ thống công thức, quy trình có sự thay đổi.

Ông cũng cho biết những chi tiết về quy trình phủ áo dầu chân không trong thức ăn thủy sản. Đó là dầu phải được cân trước khi thêm vào máy phủ áo dầu; dầu phải được đun nóng đến khoảng 50-60°C để làm tan chảy chất béo bão hòa và đảm bảo sự thẩm thấu tốt nhất cho viên cám. Vòi phun được khuyến nghị sử dụng đảm bảo sự phân phối dầu đồng đều trên viên cám, đặc biệt với thức ăn ít chất béo. Phủ áo dầu chân không chậm là một cách hiệu quả để có được sự thâm nhập dầu tốt và ngăn ngừa rò rỉ dầu. Thời gian giải phóng chân không tối thiểu được khuyến nghị là 60s.

Đại biểu tham dự hội thảo chia sẻ những thắc mắc đến diễn giả 

Trong chủ đề “Kiểm soát tỉ trọng trong Thức ăn Thủy sản” trình bày tại hội thảo, chuyên gia Jan Jonker cho biết, tỉ trọng là đại lượng thể hiện khối lượng của viên cám trên thể tích; được biểu thị bằng khối lượng gam các viên cám chứa bên trong thể tích 1l; các phép đo được thực hiện ngay sau khi viên cám thoát khỏi khuôn của máy ép đùn; tỉ trọng thấp cho thấy có nhiều không gian trống bên trong viên cám; tỉ trọng cao cho thấy một viên cám được nén chặt. Và tỉ trọng là thông số quan trọng nhất đối với người vận hành máy ép đùn.

Tỉ trọng viên cám sau khi ép đùn có mối tương quan cao với các đặc tính của viên cám thành phẩm. Các công cụ để kiểm soát tỉ trọng đó là: năng lượng đầu vào (tất cả sự gia tăng đầu vào cơ học và nhiệt sẽ làm giảm tỉ trọng của viên cám cuối cùng); bổ sung dầu (làm giảm năng lượng đầu vào, giảm áp suất hơi và sẽ làm tăng tỉ trọng);  mức độ ẩm (việc điều chỉnh mức độ ẩm của máy ép đùn sẽ ảnh hưởng đến tỉ trọng, hiệu quả chính xác phụ thuộc vào vị trí trên đường cong độ ẩm, công thức và điều kiện sản xuất); làm mát lòng ép (nhiệt độ của lòng ép  giảm và tăng độ nhớt sẽ làm tăng tỉ trọng của viêm cám thành phẩm); thiết kế khuôn (chiều dài ép ngắn sẽ có lợi cho việc giãn nở viên nén theo hình cầu trong khu chiều dài ép lớn sẽ có lợi cho việc liên kết viên nén song song và sản phẩm sẽ có tỉ trọng cao hơn) ; sự thông hơi (sẽ giải phóng hơi nước, giảm nhiệt độ của cám bột và tăng độ nhớt, qua đó tăng tỉ trọng của viên cám thành phẩm); …

Sản xuất thức ăn tôm bằng công nghệ ép viên và ép đùn” là tên bài trình bày số 3 mà chuyên gia Jan Jonker chia sẻ tại hội thảo. Ông cho biết, máy nghiền siêu mịn thường được sử dụng trong sản xuất thức ăn tôm để đạt độ bền, tính ổn định trong nước và giảm sự tắc nghẽn trong lỗ ép đùn.

Ông cho rằng, thức ăn cho tôm cần có những yêu cầu về chất lượng như: độ bền, độ bền trong nước, chìm 100% và đồng nhất về kích thước và màu sắc (màu thức ăn là thông số đầu tiên mà khách hàng nhìn thấy và đánh giá. Việc thức ăn có màu sắc ổn định và được đo lường cụ thể sẽ giúp tăng tính cạnh tranh.

Ông cũng so sánh giữa việc ép viên và ép đùn có những ưu điểm, hạn chế khác nhau. Cụ thể, với việc ép đùn, có lợi thế hơn đó là nguồn nguyên liệu đa dạng, có thể hồ hóa tinh bột ≥95%, kích thước viên nhỏ hơn ≥0.8mm, độ mịn cao khi dễ đạt được dưới 1%, chiều dài của sản phẩm đồng đều và có độ bền trong nước lên tới trên ≥12 giờ. Tuy nhiên, ép đùn lại có chi phí pha trộn, đầu tư và vận hành cao hơn.

Còn đối với ép viên, có lợi thế là chi phí pha trộn, vận hành, đầu tư thấp hơn. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu thì không đa dạng, kích thước viên lớn: ≥1.0-1.2mm, độ mịn khó đạt được dưới 1% và độ bền trong nước kém, cao nhất là 4 giờ.

Lãnh đạo của Tập đoàn Bühler Thụy Sĩ, Bühler Việt Nam và các chuyên gia trả lời câu hỏi của khách mời tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Trong hội thảo, Bühler và các chuyên gia đã giải đáp nhiều thắc mắc của khách hàng về công nghệ sản xuất thức ăn thủy, hải sản; chiến lược của Bühler trong thời gian tới; cũng như những xu hướng của ngành thủy sản thế giới.

HÀ NGÂN

Quý độc giả quan tâm đến các bài trình bày của diễn giả, hoặc sản phẩm, dịch vụ của Bühler, vui lòng liên hệ:.

Công ty TNHH Buhler Asia Việt Nam

Website: www.buhlergroup.com

Điện thoại: (028) 7308 2022