An Giang trước nguy cơ nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày một cạn kiệt

Theo thống kê 5 năm trở lại đây, sản lượng giảm trên 3.000 tấn/năm. UBND tỉnh An Giang đang phối hợp các địa phương trong tỉnh tăng cường biện pháp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên bền vững, đảm bảo khai thác từ 40.000 tấn – 60.000 tấn/năm.

Thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt

Nguyên nhân nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở An Giang ngày càng cạn kiệt là do người dân sử dụng các loại dụng cụ khai thác tận thu, kể cả xiệt điện rất nguy hiểm. Một nguyên nhân khác là do tỉnh mở rộng diện tích thu đông hàng năm từ 10.000 – 20.000 ha, chiếm gần 50% diện tích canh tác/vụ, làm thu hẹp vùng đồng ruộng ngập nước để cá, tôm di trú, sinh sản. Ngoài ra còn có tình trạng thuốc BVTV và nước thải trong sản xuất, sinh hoạt đổ ra sông, rạch gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường sống của các loài thủy sản. Điều đáng quan tâm là ý thức của người dân còn kém, vẫn phổ biến tình trạng khai thác cá bé làm thức ăn phục vụ cho nhu cầu nuôi trồng thủy sản ở tỉnh.

giang-truoc-nguy-co-nguon-loi-thuy-san-tu-nhien-ngay-mot-can-kiet

An Giang trước nguy cơ nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày một cạn kiệt

Đánh bắt cá linh trong mùa lũ

Việc khai thác thủy sản ở An Giang chủ yếu vào mùa nước nổi từ tháng 7 – 11 hàng năm. Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2: nguồn thủy sản nước ngọt trong tự nhiên của tỉnh rất phong phú, đa dạng với trên 130 loài tôm, cá quý có giá trị kinh tế cao như cá hô, cá leo, bông lau, cá chạch lấu, cá bống tượng, cá kết, cá basa, cá linh….

Bên cạnh đó loài cá linh một năm xuất hiện một lần vào mùa lũ, cũng là cá “trời cho” được đánh giá là loài cá có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao, đặc trưng của vùng ĐBSCL trong mùa lũ. Từ lâu, cá linh đã gắn bó với cư dân sông nước miền Tây, gắn bó với ký ức tuổi thơ của những người con xa xứ. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng đánh bắt cá non không tuân thủ quy định về mùa vụ khai thác đang làm nguồn cá linh tự nhiên sụt giảm nghiêm trọng, những người sống nghề câu lưới cũng khó khăn hơn.

Cá linh là loài đặc hữu của sông Mê Kông, thuộc giống Cirrhinus, phân bố phạm vi lưu vực khá rộng trên sông chính, sông nhánh thuộc Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Tuy nhiên, lợi thế khai thác cá linh gần như là đặc quyền của vùng ĐBSCL. Khu vực này có 2 loài chiếm ưu thế thuộc giống Cirrhinus là cá linh thùy (Cirrhinus lobatus) và cá linh ống (Cirrhinus siamensis). Đây là 2 loài di cư theo mùa, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của các hệ sinh thái thủy vực. Chuỗi thức ăn chủ yếu của chúng là mùn bả hữu cơ, tảo, phiêu sinh thực vật. Cá linh có tập tính kiếm ăn ở những vùng ngập, quầng đàn tăng sinh khối mạnh trong mùa lũ.

Hàng năm, bắt đầu vào tháng 11 đến tháng 12, cá linh từ đồng ruộng, kênh, rạch vùng ĐBSCL đổ ra sông lớn (sông Tiền, sông Hậu), bắt đầu thực hiện quá trình di cư ngược dòng lên thượng nguồn sông Mê Kông tìm những vực sâu để ẩn náu, trú ngụ. Đến đầu mùa lũ, cá linh tham gia sinh sản, ấu trùng (cá non) di cư theo dòng nước phía hạ lưu để kiếm ăn và tăng trưởng. Thường khoảng trung tuần tháng 7 hàng năm, ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông bắt đầu xuất hiện cá linh non thuộc địa bàn tỉnh An Giang và Đồng Tháp.

An Giang trước nguy cơ nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày một cạn kiệt

An Giang ra lệnh cấm cấm khai thác cá linh bắt đầu từ ngày 1/6 đến 30/8 hàng năm

Cá linh được đánh giá là loài cá giá trị và đặc trưng của vùng ĐBSCL trong những tháng mùa lũ. Hiện nay, còn có các sản phẩm cá linh đóng hộp để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, được nhiều người ưa chuộng, nhất là những người con miền Tây xa xứ. Nếu như ngày xưa, người ta thường dùng câu “bèo như cá linh”, bởi cá ăn không hết thì ngày nay, khi giá trị của cá linh được nâng lên, do nguồn cá sụt giảm mạnh. Một trong những nguyên nhân chính lại do tình trạng đánh bắt cá linh khi còn quá nhỏ, phá vỡ sự phát triển của quầng đàn, ảnh hưởng khả năng tái tạo nguồn cá tự nhiên…

Nâng cao ý thức cộng đồng

Căn cứ Thông tư 02 và 62 của Bộ NN-PTNT, hàng năm UBND tỉnh An Giang ra lệnh cấm cấm khai thác cá linh bắt đầu từ ngày 1/6 đến 30/8 hàng năm. Đối với loại hình khai thác đáy cá linh, kích thước mắt lưới quy định là 2a ≥ 18mm. Về mùa vụ khai thác cá linh non, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 02/2014/CT-UBND, quy định: Đối với việc tổ chức khai thác đáy cá linh non tại các tuyến sông kênh từ cấp I trở lên, vào mùa lũ phải thực hiện theo đúng quy định về mùa vụ khai thác, kích thước được phép khai thác hàng năm cũng như đảm bảo các quy định về giao thông thủy.

Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang cho biết: Để công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với mùa vụ khai thác cá linh được đảm bảo, việc đánh bắt cá linh phải đúng kích cỡ quy định, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiệu quả. Thời gian tới, Chi cục Thủy sản sẽ phối hợp các địa phương đầu nguồn như An Phú, Tân Châu, Châu Đốc tổ chức tuyên truyền, kiểm tra các hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân trên sông Tiền, sông Hậu. Nếu phát hiện sai phạm về mùa vụ khai thác cá linh, người vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Đối với những địa phương có tổ chức cho ngư dân khai thác đáy cá linh mùa lũ, Chi cục Thủy sản đề nghị chính quyền nên phối hợp, tham vấn với cơ quan quản lý chuyên ngành về mùa vụ khai thác cá linh, đảm bảo kích cỡ mắt lưới đúng quy định cũng như an toàn giao thông thủy trên địa bàn quản lý của địa phương.

Bảo tồn cá nhiên nhiên

Hiện tại, An Giang chưa có một khu bảo tồn nguồn gien động vật thủy sản phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản đầy tiềm năng, đây là một yêu cầu rất quan trọng và cấp thiết trong chiến lược phát triển thủy sản của tỉnh An Giang nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung. Để đảm bảo nguồn lợi này trong thời gian tới, Chi cục Thủy sản An Giang tăng cường phối hợp với tỉnh Đồng Tháp tổ chức kiểm tra xuyên suốt trên các nhánh sông Tiền, sông Hậu giáp ranh giữa hai tỉnh và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

An Giang trước nguy cơ nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày một cạn kiệt

An Giang đang thực hiện bảo tồn nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên

Tỉnh tận dụng tiềm năng các khu vực vùng ngập nước tự nhiên trên 2.000 ha tại Búng Bình Thiên (huyện An Phú), rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), rừng tràm Bình Minh (Tri Tôn) và trên sông Vàm Nao (đoạn Tân Châu – Phú Tân) để dẫn dụ và bảo vệ nguồn gen các loài thủy sản quí hiếm. Duy trì mô hình quản lý cộng đồng về khai thác thủy sản tự nhiên cân bằng, sử dụng an toàn hệ sinh thái và môi trường nước mặt. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác thủy sản bằng công cụ hủy diệt.

Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang cho biết thêm, hiện nay ngành thủy sản đã xây dựng xong Đề án “Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến năm 2020” đang lấy ý kiến và trình UBND tỉnh phê duyệt; với mục tiêu là sử dụng an toàn hệ sinh thái và môi trường nước mặt, chú ý đưa nước vào các vùng đê bao để phát triển các loài thủy sinh vật; khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong các thủy vực. Nhằm đảm bảo khai thác thủy sản ổn định 40.000 – 60.000 tấn/năm và tăng giá trị thủy sản khai thác. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đồng thời, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cộng đồng ngư dân trong việc tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

An Giang trước nguy cơ nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày một cạn kiệt

An Giang đang thành lập khu bảo tồn tái tạo nguồn lợi thủy sản

Hoàng Vũ – Đặng Ngọc – Gia Phú
Nguồn: nongnghiep.vn