Nuôi tôm nước lợ trong thời tiết nắng nóng

CCTS Bình Định khuyến cáo biện pháp kỹ thuật nuôi tôm trong thời tiết nắng nóng. 

Bình Định có diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 2.045 ha, trong đó diện tích nuôi tôm chân trắng thâm canh, bán thâm canh là 589 ha, nuôi tôm quảng canh cải tiến 1.456 ha. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến việc nuôi tôm tại một số địa phương, gây thiệt hại về kinh tế cho các hộ dân.

Để hạn chế rủi ro và thiệt hại cho người nuôi, Chi cục Thủy sản Bình Định khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật nuôi tôm nắng nóng, cụ thể như sau:

1. Đối với ao nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh

Quản lý môi trường ao nuôi

– Duy trì mực nước ao nuôi cao hơn 1,2 m, tăng cường hoạt động quạt nước để ổn định nhiệt độ trong ao; tránh hiện tượng nước bị phân tầng nhiệt độ, duy trì hàm lượng ôxy cao hơn 4 ppm.

– Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường (tảo, vi sinh, pH, độ mặn, nhiệt độ, amonia,…). Tăng cường sục khí trong ao để hàm lượng ôxy được cung cấp đủ ở mọi tầng nước.

– Hạn chế dùng chài, vó đánh bắt kiểm tra tôm vào ngày nắng nóng để hạn chế hiện tượng đục cơ trên tôm. Sử dụng lưới lan chống nắng căng phía trên mặt ao để hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, giảm nhiệt nước ao, tránh gây sốc cho tôm.

– Cần bổ sung nước từ ao lắng vào ao nuôi để duy trì độ sâu và cải thiện chất lượng nước ao. Theo dõi thông tin về Quan trắc môi trường của Chi cục Thủy sản Bình Định để lấy nước vào ao chứa lắng.

– Khi ao nuôi có dấu hiệu bệnh (tôm vào bờ hàng loạt, chết đáy), cơ sở tiến hành báo cho Khuyến ngư viên để thông báo kịp thời với các cơ quan chức năng xử lý đúng theo quy trình, có giải pháp kịp thời nhằm giảm thiệt hại cho cơ sở và ổn định môi trường xung quanh.

– Vào thời điểm nắng gắt, người nuôi nên bổ sung trực tiếp vitamin C hoặc Vitamin tổng hợp vào ao nuôi để tăng sức đề kháng cho tôm.

Quản lý thức ăn

– Ở nhiệt độ 26-300 C, nên cho tôm ăn đúng khẩu phần phù hợp với quy trình, tránh cho ăn dư thừa. Khi trời nắng nóng nhiệt độ tăng tôm sẽ giảm ăn, do vậy chỉ cho tôm ăn lượng thức ăn bằng 60 – 80% lượng thức ăn so với bình thường.

– Kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn thông qua kiểm tra nhá, rút ngắn thời gian kiểm tra nhá, kiểm tra đáy, đánh giá tỉ lệ sống để ước lượng thức ăn chính xác, để tránh dư thừa.

– Sử dụng men tiêu hóa, Vitamin C và khoáng chất trộn vào thức ăn giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ.

2. Đối với ao nuôi tôm quảng canh cải tiến

– Gia cố bờ ao để chống thất thoát nước, mở rộng diện tích mương ở khu vực giữa ao tạo không gian rộng cho tôm hoạt động.

– Đa dạng hóa đối tượng vật nuôi có giá trị kinh tế, không cạnh tranh thức ăn, môi trường sống với tôm như: cá dìa, cá chua, cá rô phi, cua… nhằm giảm thiểu dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường.

– Không tự ý xả nước thải ra môi trường, tránh dịch bệnh lây lan.

Bên cạnh đó, người nuôi cần tuân thủ theo Lịch thời vụ thả tôm nước lợ do Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành, đồng thời thả tôm với mật độ hợp lý và tuân theo sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn để hạn chế rủi ro do thời tiết và dịch bệnh.

NTN

Tepbac.com