Phát triển ngành tôm Bến Tre: Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD/năm

Hiện nay, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tư vấn cho tỉnh xây dựng Quy hoạch phát triển ngành tôm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu chung là tập trung phát triển nhanh, mạnh nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC), nuôi an toàn sinh học, nuôi theo hướng sinh thái, hữu cơ với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD/năm.


Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vùng nuôi tôm công nghệ cao hàng chục héc-ta tại huyện Thạnh Phú.

Phát triển các vùng nuôi và chế biến

Với khoảng 50 ngàn ha tiềm năng nuôi thủy sản (các loại), tính đến năm 2021, tỉnh đã khai thác được diện tích nuôi thủy sản ước đạt 45 ngàn ha, trong đó, diện tích nuôi tôm khoảng 35,3 ngàn ha. Năng suất các mô hình nuôi tôm ngày càng được nâng cao, như: tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt 8 – 10 tấn/ha/vụ; tôm sú thâm canh 5,5 – 6 tấn/ha/vụ; tôm quảng canh, tôm – lúa từ 150 – 200kg/ha/năm. Mặc dù diện tích chỉ tăng 0,2%/năm (giai đoạn 2016 – 2021) nhưng sản lượng tôm tăng bình quân 11,9%/năm, tức tăng từ 46,2 ngàn tấn lên 81,2 ngàn tấn/năm.

Đạt được kết quả này là do trong giai đoạn vừa qua, ngành tôm của tỉnh đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi tôm thâm canh, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng CNC.

Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 đã chỉ rõ trong nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm về phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn mới của tỉnh: “Phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi tôm biển đạt 41,5 ngàn ha, trong đó nuôi tôm biển ứng dụng CNC đạt 4 ngàn ha, sản lượng 114 ngàn tấn/năm…”.

Theo định hướng phát triển, ngành tôm nước lợ của Bến Tre cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải nhận diện nhiều thách thức gia tăng để có giải pháp ứng phó. Trong đó, có những hệ thống cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, nhưng chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất; hiệu quả sản xuất thấp do chi phí đầu vào cao. Việc liên kết trong sản xuất, phối hợp quản lý giữa các ban, ngành còn “lỏng lẻo”, thị trường đầu ra thiếu ổn định, gia tăng các rào cản kỹ thuật, bảo hộ sản xuất trong nước của các nước nhập khẩu.

Theo Tiến sĩ Cao Lệ Quyên – Phó viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Viện đề xuất với tỉnh phương án phát triển, gồm 7 nội dung chính: phát triển các vùng nuôi tôm CNC; vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh; vùng nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến; vùng nuôi tôm – rừng; vùng tôm – lúa; vùng sản xuất giống; chế biến tôm và khu phức hợp thủy sản.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch phát triển tôm tập trung tại các huyện: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú và Giồng Trôm. Mục tiêu chung đến năm 2025: tập trung phát triển nhanh, mạnh hình thức nuôi tôm ứng dụng CNC, nuôi an toàn sinh học, nuôi theo hướng sinh thái, hữu cơ với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Đồng thời, thích ứng với biến đổi khí hậu; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế của tỉnh, đất nước.

Sản xuất tôm giống đảm bảo chất lượng đáp ứng trên 60% nhu cầu nuôi của tỉnh. Diện tích nuôi tôm tập trung (thâm canh, siêu thâm canh) đạt chứng nhận Vietgap, hữu cơ hoặc các chứng nhận tương đương (GlobalGAP, ASC, BAP…) đạt khoảng 50%.

Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú là đơn vị đề xuất được tham gia phát triển các vùng nuôi và cam kết tài trợ cho tỉnh xây dựng quy hoạch. Ông Lê Văn Quang – Tổng giám đốc công ty là người có kinh nghiệm 30 năm trong ngành tôm và có sức ảnh hưởng lớn với ngành tôm khu vực ĐBSCL. Trước rủi ro về năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của ngành tôm Việt Nam trên thị trường thế giới trong 10 năm tới, công ty đã đề xuất tài trợ cho các tỉnh quy hoạch lại để tạo chuỗi tôm có tính cạnh tranh với thị trường, tại các tỉnh: Ninh Thuận, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau. Qua đó, nhằm tạo hệ thống nuôi tôm cạnh tranh, giá thành thấp, giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Hình thành vùng nguyên liệu tập trung

“Nếu với mô hình tôm lúa thành công thì thu 250 triệu đồng/năm. Nhưng với nuôi tôm tập trung sẽ giúp tăng thu từ 1,5 – 5 tỷ đồng/năm. Đây là sự cân nhắc và bản lĩnh dám thay đổi tư duy. Bài toán đặt ra cho chính quyền địa phương vận động, thuyết phục người dân liên kết sản xuất với vùng nguyên liệu tập trung. Có thể từ 5 – 10 hộ liên kết với nhau để tạo thành tổ hợp tác, hợp tác xã. Về cơ sở hạ tầng đầu tư cho vùng, Minh Phú cam kết sẵn sàng đầu tư. Doanh nghiệp sẽ mua lại sản phẩm trong vùng sản xuất…”, ông Lê Văn Quang so sánh.

Việc đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung với diện tích hàng trăm ha có thể giúp người dân kinh doanh bằng cách cho thuê vùng nuôi, nuôi gia công hoặc thu hút doanh nghiệp đầu tư. Mặt khác, việc đầu tư vùng nuôi tập trung sẽ xây dựng vành đai an toàn sinh học đủ lớn để ngăn ngừa mầm bệnh vào vùng nuôi tôm.

Riêng Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú sẽ mạnh dạn đầu tư sản xuất và đặt nhà máy chế biến tôm tại tỉnh. Cũng theo ông Lê Văn Quang, tỉnh nên quy hoạch nhà máy chiến lược tôm tại vị trí trung tâm của 3 huyện biển. Thu nhập người nông dân sẽ tăng gấp nhiều lần. Ông Lê Văn Quang cũng cho rằng, Bến Tre nên đầu tư sản xuất tôm sú, bởi thế mạnh của tôm sú được đánh giá trên thị trường là thơm ngon, chất lượng cao.

Tại cuộc làm việc với đơn vị tư vấn và đơn vị tài trợ, Ủy viên Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ đã lưu ý: “Để triển khai quy hoạch cần xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tạo vùng sản xuất tập trung và hiệu quả để nhân rộng. Huy động nhiều nhà đầu tư chiến lược giúp Bến Tre cụ thể hóa quy hoạch phát triển ngành tôm, trong đó Tập đoàn Minh Phú là doanh nghiệp dẫn đầu.

Về mô hình điểm, huyện Bình Đại chọn vùng phù hợp với diện tích liên kết khoảng 300ha để triển khai ngay mô hình, trong đó kêu gọi đầu tư con giống, kỹ thuật, hạ tầng điện, nước, giao thông, môi trường, đầu ra sản phẩm.

Vai trò của Nhà nước trong triển khai quy hoạch, hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động người dân tham gia, nhân rộng hiệu quả. Đồng thời, huy động nguồn lực tổng thể trong xã hội, trong đó có nguồn lực ngân hàng và nguồn lực trong nhân dân…”.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi,