Phát triển kinh tế vùng ĐBSCL: Xây dựng thương hiệu lúa thơm, tôm sạch

Để cách thức sản xuất ‘con tôm ôm cây lúa’ bền vững và phát triển lâu dài, dân ĐBSCL có thể duy trì chất lượng con tôm và hạt lúa như lúc ban đầu, cần rất nhiều yếu tố kỹ thuật, phương thức canh tác.

Mô hình luân canh tôm-lúa của thành viên Hợp tác xã Lúa tôm Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Phương án sản xuất “con tôm ôm cây lúa” vốn không còn xa lạ với những người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, để cách thức sản xuất này bền vững và phát triển lâu dài, người dân Đồng bằng sông Cửu Long có thể duy trì chất lượng con tôm cũng như hạt lúa như lúc ban đầu, cần rất nhiều yếu tố kỹ thuật cũng như phương thức canh tác vừa hiệu quả kinh tế vừa an toàn môi trường, vừa giúp giảm chi phí.

Thích ứng với biến đổi khí hậu

Đồng bằng sông Cửu Long hiện là 1 trong 4 đồng bằng trên thế giới bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nếu không thích ứng sẽ ảnh hưởng tới an ninh lương thực, đời sống người dân không chỉ trong vùng mà còn trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, những người dân tại Đồng bằng sông Cửu Long vốn đã có những tập tính sản xuất linh hoạt và thích ứng với điều kiện tự nhiên.

Một trong những phương án thích ứng này, đã được người dân Đồng bằng sông Cửu Long áp dụng trong nhiều năm qua, ban đầu chỉ là những mô hình nhỏ lẻ, đơn độc, nhưng hiện nay đã trở thành một trong những phương pháp sản xuất hiệu quả. Điều này vừa giúp nông dân tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, vừa giúp cho môi trường sản xuất được bảo toàn, tránh được những ô nhiễm do quá trình sử dụng vật tư nông nghiệp, thuốc trừ sâu.

Cũng bằng cách này, sản phẩm lúa gạo cũng như con tôm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được nhiều quốc gia trên thế giới biết tới. Theo ông Đặng Ngọc Chói, một nông dân sản xuất luân canh lúa-tôm tại xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, sản xuất lúa-tôm có cái hay của nó.

Cách thức này giúp người dân luân phiên theo con nước. Khi mùa nước ngọt về thì xổ phèn trồng lúa, đến mùa nước mặn, chặn dòng nuôi tôm. Mảnh ruộng của gia đình nằm cạnh con kênh Cách Ly, dòng nước mặn-ngọt cũng biến đổi theo triều lên xuống và con lũ tràn về.

Chính vì vậy, không thể chỉ sản xuất đơn thuần một loại nông sản, người dân nơi đây linh hoạt hai loại nông sản, lại có thêm nguồn thu nhập khá từ nuôi tôm. Đến mùa sản xuất lúa, người dân lại ít tốn chi phí sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, để sang mùa nước mặn con tôm còn có chỗ sống sót.

Vùng đất Cà Mau nằm cuối nguồn con sông MeKong, đây là nơi chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Chính vì vậy, sản xuất tôm-lúa là phương án thích hợp nhất để người dân mưu sinh, vừa đảm bảo nguồn lương thực cho từng hộ gia đình. Lúa-tôm là một trong những mô hình sản xuất đang được tỉnh Cà Mau tập trung chỉ đạo quyết liệt, xem nước mặn là nguồn tài nguyên lớn cần khai thác, sử dụng hợp lý.

Ông Lê Văn Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết đến nay tỉnh Cà Mau đã quy hoạch các vùng, tiểu vùng, xác định lại diện tích sản xuất lúa đang nằm xen kẽ trong các vùng nuôi tôm để chuyển sang mô hình sản xuất luân canh lúa-tôm nhằm bảo đảm hiệu quả và bền vững. Tác động của biến đổi khí hậu còn rất lớn, tuyến đê biển của tỉnh Cà Mau ven biển đông chưa hình thành, do đó khả năng chống chịu tác động của biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế, sản xuất và đời sống của người dân ven biển Cà Mau còn nhiều bấp bênh. Cách thức sản xuất lúa-tôm là một cách để những hộ dân nơi đây có thể mưu sinh lâu dài.

Xây dựng thương hiệu lúa thơm, tôm sạch

Canh tác xen luân canh lúa-tôm là cách thức sản xuất tôm hữu cơ, lúa sạch, đảm bảo được độ an toàn thực phẩm cao, đáp ứng các tiêu chuẩn của người tiêu dùng khó tính. Bởi sản xuất theo cách này, người dân không thể sử dụng các sản phẩm phân bón hay thuốc trừ sâu trên ruộng lúa, hay dùng thức ăn thủy sản quá đà gây nên lắng cặn trên đồng ruộng. Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững cách thức sản xuất, cũng như phát triển sản phẩm luân canh tôm lúa này, cả người sản xuất lẫn doanh nghiệp tiêu thụ cần có một sự liên kết chặt chẽ để đảm bảo sản lượng cũng như chất lượng hạt lúa, con tôm

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, chia sẻ Công ty Cổ phần Trung An chuyên xuất khẩu các loại gạo thơm giá trị cao. Từ năm 2015, Công ty Trung An đã được tỉnh Sóc Trăng phê duyệt dự án 2.300ha thành cánh đồng lớn để liên kết với nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ; trong đó, có những cánh đồng luân canh lúa sạch-tôm chất lượng.

Nuôi tôm dưới ruộng lúa theo mô hình sản xuất lúa-tôm ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Có thể nói, Sóc Trăng là một địa phương có thổ nhưỡng tương đối phù hợp đối với loại gạo thơm, nên tiềm năng về lúa gạo cao sản và đặc sản ở vùng này là rất lớn. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng để mở rộng chuỗi liên kết này, hướng đến thị trường xuất khẩu các loại lúa gạo sản xuất trên cánh đồng lúa-tôm.

Theo thống kê của các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đa số giống lúa được sử dụng sản xuất trên cánh đồng lúa tôm đều là giống lúa chất lượng cao; trong đó, giống lúa ST24, ST25 chiếm tỷ lệ cao.

Ông Danh Sa Rây, nông dân ấp Kosthum, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu cho biết toàn bộ 3ha của gia đình năm nay đều gieo sạ giống ST24, bởi năm trước làm 1ha thử nghiệm, lúa trúng mùa, lại bán được giá cao. Song song với sản xuất lúa, ông Danh Sa Rây còn thả nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa. Cả tôm càng xanh và lúa đều đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ lại có một vụ mùa bội thu.

Hai giống lúa ST24, ST25 là giống lúa có thời gian sinh trưởng đến thu thu hoạch khoảng 90 ngày. Hạt lúa thon dài, vỏ màu vàng lấp lánh, hạt gạo dẻo, mềm, ngon; năng suất bình quân trên cánh đồng đất Bạc Liêu đạt gần 10 tấn/ha. Tự thân hai giống lúa chất lượng cao nay vốn đã được xây dựng thương hiệu và được thị trường thế giới biết đến.

Riêng giống lúa ST25 đã được công nhận là loại gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Nay cả hai được nhiều địa phương sản xuất luân canh lúa tôm, tạo nên sản phẩm kép lúa thơm-tôm sạch an toàn, chất lượng chính là cơ hội để phương thức sản xuất lúa tôm phát triển bền vững, được hiểu người tiêu dùng lựa chọn.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bạc Liêu chia sẻ Sở đang đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả chuyển giao ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất lúa hàng hóa theo yêu cầu của thị trường, thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng từng bước hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, đơn vị sẽ đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định, giúp nông dân an tâm sản xuất để đạt hiệu quả cao, từng bước hình thành chuỗi liên kết giá trị cung ứng và bao tiêu sản phẩm vùng sản xuất tôm-lúa theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới tạo dựng thương hiệu “Lúa thơm, tôm sạch,” giúp nông dân tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Vietnamplus.vn