3 cách tiết kiệm chi phí thức ăn trong nuôi tôm thẻ

Để tiết kiệm chi phí trong nuôi tôm cần kết hợp cùng lúc nhiều biện pháp, trong đó chi phí thức ăn chiếm phần lớn khoản đầu tư trong mỗi vụ nuôi. Sau đây là 3 giải pháp giúp bà con tiết kiệm chi phí này trong nuôi tôm.

Khai thác khả năng tăng trưởng bù trên tôm

Tôm thẻ chân trắng ở giai đoạn 35 ngày đầu, chỉ đáp ứng 45% nhu cầu dinh dưỡng của tôm. Sau 35 ngày, cho ăn 80 – 100%.

Tăng trưởng bù được định nghĩa là một quá trình sinh lý trong đó động vật nuôi trải qua giai đoạn tăng trưởng nhanh sau một thời gian phát triển hạn chế. Điều này thay đổi tùy theo loài, giai đoạn sống, điều kiện môi trường, mức độ thay đổi, thời gian hạn chế cũng như cách sinh vật phản ứng khi điều kiện nuôi được cải thiện hoặc điều kiện lý tưởng được phục hồi.

Tăng trưởng bù đã được nghiên cứu trên một số loài thủy sản, trong đó có tôm thẻ chân trắng được thử nghiệm trong các điều kiện khác nhau, bao gồm hạn chế thức ăn, thiếu oxy, mật độ và nhiệt độ cao, và tiếp xúc với các hợp chất độc hại…Đối với việc hạn chế thức ăn, có thể giảm lượng thức ăn cung cấp trong thời gian tăng trưởng để vừa giảm chi phí thức ăn vừa cải thiện chất lượng nước. Trong trường hợp này, tôm thẻ chân trắng cho thấy sự tăng trưởng bù hoàn toàn. Ứng dụng này hiệu quả cao trong các mô hình công nghệ nuôi Biofloc.

Máy cho tôm ăn tự động hiệu quả hơn cách cho ăn truyền thống. Ảnh: Tepbac

Cho tôm ăn hơi thiếu nghĩa là chỉ cung cấp khoảng 70 – 80% sẽ tốt hơn so việc đáp ứng 100% nhu cầu. Hơn nữa, dùng máy cho ăn từ tháng nuôi thứ 2 giúp tôm sử dụng hiệu quả, cung cấp thức ăn khi tôm có nhu cầu, cung cấp nhiều lần qua cảm biến hẹn thời gian, để tất cả tôm trong ao đều được cung cấp thức ăn đầy đủ.

Nếu chỉ dùng tay cho tôm ăn theo cách truyền thống, số lần ăn trong ngày giới hạn, những tôm nhỏ khó có cơ hội canh tranh lấy thức ăn. Một số vùng ô nhiễm trong ao, hồ nuôi, nếu thức ăn rơi xuống đó, tôm không sử dụng được sẽ gây lãng phí, hình thành vùng ô nhiễm.

Sử dụng lượng đạm mà tôm thật sự cần

Nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, tôm thẻ chân trắng có nhu cầu sử dụng đạm không quá 38%. Người nuôi tôm có xu hướng tăng nhu cầu đạm theo thời gian nuôi, tuổi tôm, trọng lượng thân, mật độ thả nuôi… Nhưng trong thực tế ngày nay, yếu tố môi trường, thời tiết, dịch bệnh,… thường xuyên biến động, cùng với chất lượng con giống đã tác động trực tiếp đến nhu cầu dinh dưỡng của tôm.

Phân bổ hàm lượng đạm, kích cỡ viên thức ăn phù hợp mật độ, trọng lượng, ngày tuổi tôm nuôi. Ảnh: Tepbac

Chính vì vậy, cần phải có kế hoạch thay đổi thức ăn có hàm lượng đạm tương thích với tôm trong suốt vụ nuôi. Bà con nên sử dụng thức ăn nuôi tôm thẻ chân trắng có hàm lượng đạm 40% trong thời gian 2 tháng, đến tháng nuôi thứ 3, có thể chuyển sang thức ăn có hàm lượng đạm cao hơn để rút size, tạo điều kiện cho tôm về size lớn, tăng giá trị hàng hoá khi xuất bán.

Thức ăn đạm thấp đã được cân đối các acid amin bổ sung, điều này góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư mua thức ăn, giảm thải ni-tơ (N2) ra môi trường, giảm ô nhiễm, tăng lợi nhuận.

Chủ động điều chỉnh lượng thức ăn cho tôm

Trong quá trình nuôi tôm, những tình huống thường thấy như những ngày tôm lột xác; môi trường diễn biến xấu, khí độc tăng cao; khi thời tiết, khí hậu thay đổi thất thường; khi tôm bệnh người nuôi sử dụng thuốc, hoá chất phòng, trị bệnh cho tôm; khi xổ lãi cho tôm hay khi chuyển giai đoạn nuôi, giữa các khoảng thời gian sáng, trưa, chiều trong ngày…người nuôi cần chủ động điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, không thể duy trì lượng thức ăn như bình thường vì tôm sẽ sử dụng không hết thức ăn, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường nước nuôi.


Ao tôm được trang bị đầy đủ hệ thống quạt nước, oxy đáy,… góp phần cải thiện môi trường ao nuôi. Ảnh: Tepbac

Thức ăn có hàm lượng đạm cao, chi phí đầu tư sẽ cao kết hợp với vật tư, trang thiết bị, thuốc, hoá chất tăng cao…trong khi giá tôm thương phẩm chưa tăng…Chi phí đầu vào như thế, người nuôi tôm rất khó có lợi nhuận như mong muốn.

Ngoài ra, việc chọn lựa bầy tôm giống chất lượng là yếu tố quan trọng. Chọn bầy giống tốt, có sức đề kháng cao, khả năng vượt qua những khó khăn về môi trường, dịch bệnh, sẽ gián tiếp giúp người nuôi tôm ít tốn chi phí đầu tư con giống thả lại do hao hụt trong quá trình nuôi, hạn chế tối đa chi phí xử lý môi trường. Nên nuôi với mật độ phù hợp với điều kiện ao hồ, công nghệ, quy trình nuôi, mô hình áp dụng, mức độ nắm bắt kỹ thuật của người nuôi tôm…

Tiết kiệm chi phí trong nuôi tôm thẻ chân trắng, bằng các giải pháp đã thảo luận trên giúp người nuôi tôm tiết giảm các chi phí trong sản xuất, hạ giá thành đầu vào, tăng lợi nhuận khi xuất bán. Mặt khác, về mặt môi trường, góp phần giảm tải các áp lực khí độc, tảo độc, dịch bệnh, ô nhiễm, giúp tôm nuôi khoẻ mạnh, sử dụng thức ăn triệt để, chuyển hoá, hấp thu tốt, tăng trưởng nhanh, đồng đều size cỡ, nâng cao tỷ lệ sống tôm nuôi, tăng sản lượng và năng suất nuôi, giảm rủi ro, tăng lợi nhuận cho người nuôi.

Lý Vĩnh Phước @ly-vinh-phuoc

Tepbac.com