Nuôi tôm 3 giai đoạn giảm rủi ro, thích ứng biến đổi khí hậu

Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm công nghệ cao đã giúp người nuôi giảm rủi ro, đồng thời thích ứng trước tác động của biến đổi khí hậu.


Khâu lựa chọn con giống là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với các mô hình tôm nuôi. Ảnh: Trọng Linh.

Tiếp cận tiến bộ mới

Những năm gần đây, để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời đáp ứng nhu cầu kinh tế thị trường, đặc biệt là nâng cao các giá trị sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật đã được nông dân nuôi tôm áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả. Trong các mô hình kể trên, mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn được nhiều hộ nuôi trên địa bàn tỉnh Cà Mau nhân rộng sau khi đã tìm tòi, học hỏi áp dụng và thành công.

Tại Cà Mau, mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn không chỉ giúp nông dân quản lý, kiểm soát tốt quá trình phát triển của tôm mà còn giảm thiểu rủi ro, tăng năng suất chất lượng tôm. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập của bà con nông dân theo hướng bền vững.

Với mô hình nuôi tôm 1 giai đoạn, con giống thả trực tiếp xuống ao còn 2 giai đoạn là ương giống vèo một thời gian rồi chuyển qua ao nuôi đến khi thu hoạch. Riêng với mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn gồm giai đoạn 1 vèo khoảng 20 ngày, sau đó chuyển sang giai đoạn nuôi thương phẩm khoảng 40 ngày và giai đoạn cuối cùng là thả tôm ra ao lớn chờ thu hoạch.

Mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn giúp giảm được rủi ro về tác động của môi trường, nhiệt độ lên xuống trong ngày. Trong quá trình nuôi tôm sử dụng men vi sinh không dùng hóa chất và kháng sinh để quản lý các yếu tố môi trường, nên chất lượng tôm nuôi đảm bảo, giúp hộ nuôi giảm chi phí, tăng năng suất tôm.

Huyện Cái Nước là vùng kinh tế nội địa của tỉnh Cà Mau với thế mạnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp thuỷ sản, thời gian qua huyện Cái Nước quan tâm xây dựng mô hình sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích canh tác.

Thông qua đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đến nay huyện Cái Nước cơ bản hình thành được các vùng nuôi gắn với thế mạnh của các ngành hàng chủ lực của huyện.


Ao nuôi tôm được cải tạo, xử lý sạch trước khi thả nuôi. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Ngô Trọng Tín, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước chủ yếu nuôi tôm quảng canh truyền thống, năng suất tôm đạt không cao. Nhưng sau khi tìm tòi, học hỏi chuyển sang nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn, sau đó là nuôi 3 giai đoạn. Với 1ha mặt nước ao nuôi, ông Tín thiết kế 3 ao nuôi liền kề với 1 ao vèo và 2 ao nuôi thương phẩm.

Ngoài ra, còn có 1 hệ thống xử lý nước đầu vào và 1 hệ thống xử lý chất thải, nước thải. Theo đó, khi con giống đem về được thả vào ao vèo chăm sóc khoảng 20 ngày. Sau đó, chuyển sang ao nuôi giai đoạn 2 khoảng 35 – 40 ngày.

Do thời gian lưu giữ nước ở giai đoạn này không quá lâu, nên ít phát sinh chất thải và khí độc dưới nền đáy giúp kích thích sự tăng trưởng của tôm, tôm sẽ lớn nhanh hơn trong thời gian ngắn. Khi tôm đã đạt trọng lượng từ 180 – 250 con/kg sẽ được chuyển sang giai đoạn 3 chờ thu hoạch.

Ông Ngô Trọng Tín cho biết: “Mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn, giúp tôi dễ dàng quản lý môi trường nước và thức ăn và theo dõi chặt quá trình phát triển của tôm. Mặt khác, việc chuyển giai đoạn nuôi giúp tôm được tiếp cận môi trường nước sạch hơn, hạn chế ô nhiễm dưới tầng đáy, tôm đạt đầu con và kích cỡ tôm tăng hơn. Tỷ lệ sống của tôm đạt từ 80 – 95%”.

Nhân rộng mô hình

Hiện nay, vùng nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh tại huyện Cái Nước có diện tích hơn 2.000ha, năng suất tôm nuôi thâm canh bình quân đạt khoảng 7 tấn/ha, nuôi tôm siêu thâm canh năng suất từ 40 đến 50 tấn/ha.

Ngoài ra, vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến với diện tích với diện tích 18.500ha, năng suất tôm nuôi trung bình hơn 500 kg/ha. Vùng nuôi sò huyết kết hợp với nuôi tôm tập trung ở các xã Đông Thới, Đông Hưng, Trần Thới, Tân Hưng và Thị Trấn Cái Nước, với tổng diện tích hơn 2.900ha.


Nuôi hình nuôi tôm 3 giai đoạn đang được người dân vùng bán đảo Cà Mau nhân rộng. Ảnh: Trọng Linh.

Vùng lúa tôm kết hợp ở các xã Phú Hưng và Thạnh Phú, diện tích 500ha. Ngoài ra, huyện Cái Nước còn duy trì mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng với diện tích khoảng 200ha, nuôi tôm – cua xen canh với diện tích hơn 21.000ha.

Trên thực tế, ngoài mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, những mô hình sản xuất nêu trên hầu hết đều đã qua kiểm nghiệm từ thực tiễn, vốn đầu tư thấp, không đòi hỏi kỹ thuật cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân nhưng cho hiệu quả kinh tế khá cao và bền vững.

Để thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, quan điểm chỉ đạo của huyện Cái Nước là tập trung đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nhân rộng mô hình, nhằm khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế, nâng cao giá trị gia tăng, hướng đến sản xuất bền vững.

Còn tại, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân có 150 hộ nông dân thực hiện mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn (tăng 64 hộ so với năm 2021), với tổng số trên 13ha.

Anh Nguyễn Văn Hiếu, cán bộ kỹ thuật sản xuất cơ sở xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân cho biết: “Dự kiến số hộ nuôi tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn sẽ tăng thêm khoảng 30 hộ trong năm nay vì hiện nay có rất nhiều hộ đầu tư để thí điểm mô hình này. Mặc khác, người nuôi tôm đang rất phấn khởi khi tôm thẻ loại 30 con/kg, có giá gần 170.000 đồng/kg, giá này được xem là ổn định nhất từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra đến nay”.


Mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn được xem là mô hình hiệu quả giảm rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Trọng Linh.

Bà Trần Thị Bé, ấp kiến Vàng, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân cho biết: Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn đã được nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau và các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng hay Kiên Giang… thực hiện từ khá lâu, giờ thấy nhiều người trong xã nuôi đạt hiệu quả nên từ vụ tới tôi sẽ bắt đầu nuôi thử nghiệm.

Qua tìm hiểu, những người từng nuôi tôm theo mô hình này cho tôi biết, nuôi tôm 3 giai đoạn hạn chế được rủi ro, mình theo sát quá trình nuôi từ ao nhỏ thả vèo đến ao nuôi thương phẩm giai đoạn 1 và cuối cùng là ao lớn để thu hoạch. Tỷ lệ hao hụt thấp nên năng suất luôn đạt cao.

Chủ tịch UBND huyện Phú Tân, ông Võ Trường Giang khẳng định: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, huyện Phú Tân đã chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nuôi tôm. Hiện trên địa bàn huyện có 25.000ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm thâm canh gần 1.230ha, trong đó có 815ha nuôi tôm siêu thâm canh.

Để đạt mục tiêu nhân rộng mô hình sản xuất, UBND huyện Phú Tân chỉ đạo Phòng NN-PTNT phối với với các xã thị trấn, đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật theo nhu cầu và điều kiện của từng địa phương, trong đó chú trọng tổ chức các cuộc hội thảo và lớp học tại hiện trường theo kiểu cầm tay chỉ việc, để nhân dân có thể ứng dụng được ngay sau khi tập huấn. Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã thị trấn củng cố, xây dựng các tổ chức sản xuất, nhằm tạo sự gắn kết hỗ trợ nhau trong quản lý và sản xuất của nhân dân.

Trong điều kiện đất sản xuất ngày càng thu hẹp, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, môi trường bị ô nhiễm, gây bất lợi trong sản xuất, muốn nâng cao năng suất, sản lượng, cải thiện đời sống nhân dân không có cách nào khác hơn là đẩy mạnh phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật với nhân rộng mô hình. Huyện Phú Tân, Cà Mau cũng chủ động hướng dẫn hộ nuôi chọn đối tượng nuôi phù hợp, tuân thủ nghiêm lịch thời vụ, áp dụng nuôi tôm 2, 3 giai đoạn vào quá trình nuôi để tăng năng suất, chất lượng tôm.

Trọng Linh – Trung Chánh

Nongnghiep.vn